Việt Nam có thực sự là một cường quốc toán học?

22/06/2016 - 06:47

PNO - Nhiều bà mẹ đổ xô đưa con đi học toán, khao khát con sẽ là Lê Bá Khánh Trình hay Ngô Bảo Châu thứ hai. Rất nhiều cuộc thi Olympic toán học đã được tổ chức, vậy, Việt Nam có thực sự là một cường quốc toán học?

Kết quả đáng nể của học sinh Việt Nam trong các kỳ thi Toán Quốc tế với những huy chương Vàng, huy chương Bạc,... vượt mặt nhiều nước trong khu vực và quốc tế khiến nhiều người tự hào cho rằng Việt Nam là một cường quốc Toán học.

Thế nhưng, người Việt có giỏi Toán hay không? Việt Nam có thực sự là một cường quốc Toán học như sự tung hô và tự hào của nhiều người? Đó là câu chuyện còn nhiều tranh cãi.

Báo Phụ nữ TP. HCM đã có cuộc trò chuyện với các chuyên gia đầu ngành về Toán học, các Chuyên gia Giáo dục về vấn đề này.

Cần tách bạch giữa "sân chơi" và toán học nghiêm túc

Nhìn nhận một cách rõ ràng, GS. TSKH Lê Tuấn Hoa - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho rằng hiện tại Việt Nam không phải là một cường quốc Toán học, ông nhấn mạnh:

"Không biết đến bao giờ Việt Nam mình mới có Toán học tạm tạm chứ đừng nói đến toán học cường quốc".

Viet Nam co thuc su la mot cuong quoc toan hoc?
GS. TSKH Lê Tuấn Hoa - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam.

Thông tin về thành tích của học sinh Việt Nam trong các cuộc thi Toán Quốc tế, Olympic thu về không ít những thành tích đáng nể, điều này có mâu thuẫn với nhìn nhận của chuyên gia? Không phủ nhận những thành tích này, GS. Hoa cho rằng:

"Việc học sinh đạt được những thành tích như vậy, đó cũng là niềm tự hào cho các em,  không nên nhìn nhận khắt khe và phủ nhận chuyện đó, đó là một sân chơi. Còn khi nói đến cường quốc Toán học là phải nói đến toán học nghiêm túc, tức là ở đây nói đến là toán học bậc trên: Nghiên cứu và ứng dụng".

Theo Viện trưởng viện Toán học Việt Nam "hai chuyện đó khác hoàn toàn nhau không thể lấy chuyện nọ sọ sang chuyện kia được".

Ý kiến của GS Lê Tuấn Hoa về việc Việt Nam có thực sự là một cường quốc toán học: giao-su-le-tuan-hoa_22945156.mp3

Những học sinh từng thi toán Quốc tế giờ đang ở đâu?

Đồng quan điểm với GS. Hoa, GS. Văn Như Cương nhấn mạnh: "Khi đánh giá một Cường quốc toán học, người ta đánh giá về mặt thực tiễn, tức là từ kiến thức Toán học phát triển trên mức độ cao, ngang tầm với thế giới... Thứ hai là việc ứng dụng vào đời sống kinh tế, xã hội của một đất nước và có tác dụng thực sự.

Xét về hai tiêu chuẩn ấy thì chúng ta không thể cho rằng chúng ta là cường quốc Toán học được", GS. Cương khẳng định.

Viet Nam co thuc su la mot cuong quoc toan hoc?
GS. Văn Như Cương.

Theo GS. Cương, có một thời, 2-3 kỳ thi liên tiếp trước những thành tích cao chúng ta tự tôn lên đất nước ta là một cường quốc toán học, nhưng không phải, không nên tự hào một cách hơi quá như thế. Mà cái cần nói đến là việc Toán học của Việt Nam phục vụ cho đời sống kinh tế, xã hội cũng như góp phần phát triển đất nước như thế nào.

"Chúng ta phải giải quyết vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra cho Toán học. Nhiều khi người ta cũng nói quá như tiến sĩ, giáo sư đi đâu mà để nông dân làm được những việc này, họ làm ra máy bay trực thăng, máy cấy lúa...", đó là những điều ta phải suy ngẫm.

GS. Văn Như Cương chia sẻ, những người đi vào con đường Toán học thì luôn luôn làm toán thôi - những bài toán thực tế ra không có ứng dụng gì, ngay cả Bổ đề của Ngô Bảo Châu cũng vậy, tức là khi đặt ra một bài toán, người ta cố gắng giải quyết các vấn đề về mặt lý luận.

"Đại đa số học sinh thi Toán Olympic quốc tế thì số đi theo ngành toán không nhiều, đếm ra cũng được năm dăm người thế thôi, còn lại họ đi theo con giảng dạy đại học, hoặc những công việc khác không phải Toán học", vị giáo sư chia sẻ.

File ghi âm: Ý kiến của Giáo sư Văn Như Cương

Từ thực tế trên cho thấy, việc học, thi và đạt giải về Toán học chưa thực sự có ý nghĩa khi áp dụng vào cuộc sống. Ý kiến của bạn thế nào? Mời gửi những chia sẻ tới tòa soạn để cùng tham gia diễn đàn về việc học toán, nhằm làm rõ câu hỏi: "Việt Nam có thực sự là một cường quốc toán học?". 

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI