Viên ngọc thô Andra Day

13/03/2021 - 06:07

PNO - Với nghệ danh được lấy cảm hứng một phần từ Lady Day (biệt danh thân quen của Billie Holiday), Andra Day đã theo bước những bậc tiền bối để đến với cuộc đấu tranh cho những bất công.

Trước tháng 2/2021, Andra Day chưa là cái tên phổ biến trong cộng đồng nghe nhạc thế giới. Gắn chặt với jazz, soul, hip hop trong giọng mezzo âm sắc ấn tượng, Andra Day từ lâu trở nên thân quen với cộng đồng gốc Phi, khi bài hit trích từ album đầu tay Rise Up được chọn trở thành bài ca không chính thức cho phong trào Black Lives Matter.

Những ngày gần đây, Andra Day còn tạo ra một khoảnh khắc “vô tiền khoáng hậu” khác, khi trở thành nữ diễn viên gốc Phi thứ hai chiến thắng ở hạng mục Nữ diễn viên phim chính kịch xuất sắc nhất của giải Quả cầu vàng sau hơn 35 năm kể từ Whoopi Goldberg chiến thắng với vai diễn tái hiện cuộc đời của nghệ sĩ nhạc jazz huyền thoại Billie Holiday, trong một lãnh địa vốn từ lâu âm ỉ vấn đề sắc tộc.

Từ số 0 tròn trĩnh

Trước khi phát hành album đầu tay, Andra chỉ là một nghệ sĩ học trường nghệ thuật SCPA với jazz, âm nhạc cổ điển và sân khấu. Bằng việc cover các bản nhạc nổi tiếng của Jessie J hay Eminem, cùng những video chi phí thấp được thực hiện tại studio quê nhà ở San Diego, một ngày vào năm 2010, Andra được phát hiện bởi vợ của danh ca huyền thoại Stevie Wonder, và ông lập tức bị thuyết phục trước giọng hát đầy ấn tượng này.

Với sự giúp đỡ của Stevie Wonder, Andra bắt đầu viết nhạc cùng ông và được giới thiệu với những người đồng hành cực kỳ hay ho. Album đầu tay - Cheers to the fall của cô ra đời sau đó chiếm luôn hai giải Grammy cho album R&B và màn trình diễn R&B xuất sắc nhất. Cô được biết đến rộng rãi hơn khi trình diễn cùng Ellie Goulding, và bản hit Rise Up tạo được những làn sóng lan rộng.

Sự nghiệp của Andra Day nối dài bằng sự hỗ trợ của những tên tuổi lớn. Nếu Stevie Wonder đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiệp của cô, thì đạo diễn nổi tiếnng, Spike Lee đã tình nguyện quay MV đầu tiên sau khi xem cô biểu diễn tại Liên hoan phim Sundance. 

Andra cũng góp mặt vào album tưởng niệm Nina Simone với bài hát quan trọng nhất trong sự nghiệp của bà - Mississippi Goddam trong bộ phim tài liệu What  Happened, Miss Simone? (2015). Tiếp tục những vinh hạnh ấy, cô được cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama mời biểu diễn tại Nhà Trắng, và năm 2018 được đề cử giải Oscar cùng rapper Common cho bài hát hay nhất trích từ bộ phim Marshall.

Như một thừa nhận ngay từ ban đầu, Andra Day chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những tên tuổi gạo cội của làng jazz như Billie Holiday, Ella Fitzgerald hay Dinah Washington. Âm nhạc của cô nói về sự thật, sự tổn thương và nỗi sợ hãi trong các chất liệu đậm tính châu Phi của soul, jazz và hip hop. 

Có thể vì những ảnh hưởng âm nhạc cũng như cuộc đời của những nghệ sĩ jazz huyền thoại, mà Andra Day nhìn nhận vai trò của cộng đồng người Mỹ gốc Phi cũng như đòi hỏi về sự bình đẳng, chống phân biệt chủng tộc vốn xuất hiện từ lâu trên khắp nước Mỹ. Với nghệ danh được lấy cảm hứng một phần từ Lady Day (biệt danh thân quen của Billie Holiday), cô đã theo bước những bậc tiền bối để đến với cuộc đấu tranh cho những bất công - khi đó không chỉ là một quyết định cá nhân, mà còn là động lực bên trong, dẫn đến vai diễn tái hiện huyền thoại nhạc jazz trong bộ phim mới nhất của đạo diễn Lee Daniels - The United States vs Billie Holiday.

Đến vai diễn để đời 

Khác xa bộ phim Lady sings the Blues (1972) với sự góp mặt của danh ca Diana Ross, The United States vs Billie Holiday tập trung gần hơn vào sự hy sinh của Lady Day trong cuộc chiến nhân quyền, bằng cách hát lên Strange Fruit - bài ca vạch trần nạn treo cổ người nô lệ gốc Phi tại các bang miền Nam nước Mỹ trong những thập niên 20, 30 thế kỷ trước. Bài hát này cũng như Mississippi Goddam của Nina Simone, đã hủy hoại cuộc đời bà, liên tục đặt bà dưới sự theo dõi của FBI với nỗi sợ khơi lên một cuộc chiến nhân quyền mới trên toàn nước Mỹ.

Andra chưa khi nào đủ can đảm nhận vai diễn này, một phần vì sự thành công quá lớn của Diana Ross ở phiên bản cũ, một phần cũng vì Lady Day là thần tượng từ thuở ấu thơ, hơn nữa, cô chưa khi nào là một diễn viên chuyên nghiệp. Nhưng bằng vẻ đẹp của viên ngọc thô cùng tài năng của đạo diễn Lee Daniels, Andra đã trở thành một bản thể khác của huyền thoại ấy, mà có lẽ không một ai làm tốt hơn cô.

Cuộc đời Billie Holiday chỉ có thể là sự đau buồn, với những vết thương thuở nhỏ khi bị bố mẹ bỏ rơi, bị cưỡng hiếp năm lên mười tuổi, và sau này vì Strange Fruit mà hủy hoại cả sự nghiệp, cũng như bị những người đàn ông lợi dụng mà không có một tình yêu thực sự nào. Andra nhập vào Billie trong từng cử chỉ, giọng nói, từ cái lắc hông tình tứ đến tiếng động nhỏ nơi trang sức cùng lối trang điểm đậm. Đó là giọng hát chứa đầy nỗi đau của người phụ nữ thiết tha yêu đương nhưng luôn gặp phải những điều ngang trái.

Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi có đành lòng thoát xác ra khỏi nhân vật Lady Day chưa, Andra đã bật khóc. Đó có thể là tiếng khóc cho cuộc đời đầy chua xót của Lady Day khi đến cuối đời vẫn bị còng chân bởi sự theo đuôi của FBI, mà cũng có thể là sự căm phẫn cho sự vi phạm nhân quyền một cách tráo trở của chính quyền ấy.

Thế nhưng với thước phim này, những gì là Billie Holiday nhất đã được thể hiện. Và như một câu thoại của viên chức FBI khi nói về vụ Strange Fruit: "jazz là thứ âm nhạc của quỷ dữ"- năng lượng của nghệ thuật, của jazz và của cộng đồng gốc Phi luôn luôn mạnh mẽ đánh bại bất cứ sự đàn áp nào. Andra Day và Billie Holiday, cả hai là một, và đã sống trong nhau. 

Thuận Phát

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI