Vì sao người mẹ ấy không cho các con đến trường?

17/12/2018 - 09:06

PNO - “Nhìn các con học ngày, đêm chỉ để thi thố mà không hề khao khát, tôi cảm giác những học sinh lớp Một ở đây chịu sức ép nặng nề chẳng khác sinh viên đại học” - bà Karen Hamilton Nguyễn quyết định giáo dục con tại nhà.

Bà Karen Hamilton Nguyễn là một người Mỹ đã sống tại Việt Nam 20 năm, Trưởng

Mỗi đứa trẻ đều thông minh ở lĩnh vực nào đó 

Năm đứa con của tôi như là một lớp học với đủ kiểu học trò. Có đứa trí tưởng tượng rất phong phú, chỉ cần đọc lướt qua một lần thì vẽ ngay được không gian trong đoạn văn. Có đứa đọc đến lần thứ ba vẫn chẳng hiểu gì, nhưng nếu đưa ra một hình ảnh để giải thích thì sẽ thu hút và để lại dấu ấn lâu dài. Điều đó chứng tỏ không có đứa trẻ nào ngu như cách mọi người vẫn nói, chỉ là khả năng của chúng phù hợp với cách học, cách dạy nào mà thôi. Tôi cùng lúc phải áp dụng nhiều phương pháp để dạy các con, giúp con tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng. 

Cũng có thể xem đây là một điểm yếu trong giáo dục Việt Nam. Giáo viên chỉ dùng một cách để dạy học trò từ Bắc chí Nam, từ học trò nhỏ đến học trò lớn, từ nông thôn đến thành thị. Điều đó lý giải tại sao vẫn còn 30-40% học sinh trong lớp không thể theo kịp bài vở, phải đến trường với mặc cảm là mình kém cỏi, thiếu thông minh. 

Mỗi đứa trẻ đều có trí thông minh đặc biệt ở lĩnh vực nào đó. Nhưng với kiểu xem việc học như là cuộc đua, nhà trường sẽ không phát hiện ra điều đó. Kiến thức phổ thông quá nặng khiến giáo viên không có thời gian lẫn không gian để đầu tư nhiều phương pháp mà chỉ thuyết giảng và không tạo điều kiện để học sinh phản biện. Trong khi đó, chỉ có thông qua những câu hỏi ngược lại thì học sinh mới hiểu sâu, nhớ lâu. 

Cái sai của phụ huynh là dùng điểm số của nhà trường để đánh giá khả năng của con mình. Theo tôi, chỉ nên yêu cầu con biết những điều cơ bản và phát triển khả năng của chúng, đừng bắt đứa này có điểm bằng đứa kia. Thay vì đòi hỏi con phải là số một, hãy hỏi: con đã cố gắng đủ chưa? Con gặp khó khăn chỗ nào? 

Bà Karen Hamilton Nguyễn 

phòng Hợp tác quốc tế Trường đại học Bình Dương. Bà áp dụng hình thức giáo dục tại nhà do chính bà làm cô giáo cho cả năm đứa con của mình.

Bà cho biết: “Tôi chọn hình thức giáo dục tại nhà cho con, phần vì vướng thủ tục xin nhập học tại Việt Nam, phần vì muốn có hình thức học tập phù hợp hơn cho con mình”. Đến nay, ba con lớn của bà đang là sinh viên các ngành y khoa, sư phạm và nhận được học bổng từ các trường đại học Mỹ, hai con nhỏ vẫn say mê học tập tại nhà. Cả năm đứa con đều sinh ra và lớn lên tại Việt Nam.

Phóng viên: Điều gì đã khiến bà đi đến quyết định đó? Phải chăng bà không có niềm tin về nền giáo dục Việt Nam? 

Bà Karen Hamilton Nguyễn: Dựa trên trải nghiệm thực tế, tôi chọn cho con mình hình thức học phù hợp với chúng. Thực ra, với sự giúp đỡ của nhiều người, tôi cũng đăng ký được cho đứa con trai đầu vào học tại trường tiểu học Việt Nam. Tuy nhiên, con chỉ học hết lớp Một là tôi dừng hẳn việc học tại trường, vì nhận thấy có nhiều bất cập.

Bất cập lớn nhất là chương trình giáo dục Việt Nam quá nặng nề. Đúng hơn là bắt những đứa trẻ phải chạy đua với nhau, xem ai là số một, chứ không phải dạy cho phù hợp với sự phát triển ở lứa tuổi. Chương trình bắt những đứa trẻ bình thường phải già trước tuổi vì chưa vào lớp Một mà các con phải biết đọc, biết viết, điều đó hoàn toàn không nên.

Thỉnh thoảng, chúng ta bắt gặp những đứa trẻ có khả năng vượt trội. Tuy nhiên, khả năng đó phải được phát triển dựa trên sự khao khát cá nhân chứ không phải bắt ép. Không được khích lệ để học tập một cách thoải mái, trẻ chỉ thấy chán ghét mà thôi. Nhìn các con học ngày học đêm chỉ để thi thố mà không hề khao khát, tôi cảm giác những học sinh lớp Một ở đây đã chịu sức ép nặng nề chẳng khác nào sinh viên đại học. 

* Theo bà, học tại nhà có nhiều ưu điểm hơn?

- Homeschooling có ưu điểm là trẻ hiểu được đến đâu thì học đến đó chứ không phải theo tuổi hay lớp. Các nghiên cứu đã chỉ ra sự phát triển của não bộ phù hợp với từng lứa tuổi, trình độ. Để trẻ có thể tập trung phát triển khả năng của mình phải có thời gian vui chơi, giải trí. Chọn cho con học tại nhà, tôi muốn con nhìn nhận việc học là một niềm hạnh phúc. Mỗi ngày tôi dạy con một lượng kiến thức vừa đủ trong buổi sáng, rồi thôi. Ngày mai lại tiếp tục. Tôi thấy các con thoải mái và tiếp thu tốt.

* Không đến trường, các con của bà vẫn đủ khả năng để theo học các trường đại học ở Mỹ. Yếu tố nào giúp bà thành công khi tự mình dạy các con? 

- Tôi theo con suốt từ lớp Một đến lớp 12 với vai trò là một người hướng dẫn. Giáo trình có đầy đủ và kiến thức phổ thông của nền giáo dục Mỹ không quá cao siêu đến nỗi chúng ta không đủ khả năng giải thích cho con cái. Dạy cho con, tôi cũng học lại một lần nữa. Chúng tôi cùng học với nhau và tôi là người đi trước, biết nhiều hơn nên hướng dẫn cho con. 

Vi sao nguoi me ay khong cho cac con den truong?
Bà Karen Hamilton Nguyễn đang dạy đứa con học lớp Chín tại nhà

Những năm đầu là những năm nền tảng, là cái “gốc” của quá trình giáo dục, do đó, tôi quan trọng việc dạy con nhân cách làm người hơn là kiến thức. Yêu cầu cơ bản của tiểu học chỉ là đọc được, viết được. Còn lại, tôi dạy con tự lập trong việc học hành, cũng như trong sinh hoạt thường ngày thông qua một số nội quy học tập ở nhà mà tất cả phải tuân thủ. Có rất nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời gian sao cho ổn thỏa giữa việc đi làm và dạy con học. Tuy nhiên, điều cần thiết nhất là bạn phải kiên nhẫn.

* Không cho con đến trường, liệu những đứa trẻ có đủ không gian để giao tiếp cộng đồng, phát triển các mối quan hệ xã hội và phát hiện khả năng, sở thích, đam mê của mình không, thưa bà?

- Không đến trường không có nghĩa là ở nhà suốt ngày. Ngược lại, các con tôi có nhiều thời gian hơn để vui chơi, giải trí, tham gia những hoạt động mang tính cộng đồng. Sau khi đã hoàn thành việc học, chúng tham gia các lớp thể thao, âm nhạc tùy theo sở thích. Có nhiều thời gian nên tôi còn dạy cho các con tự làm mọi việc, trước hết là phục vụ những nhu cầu của bản thân, sau đó là kỹ năng để có thể ứng biến trong cuộc sống.

Các bạn thường nói rằng học sinh Việt Nam rất yếu về kỹ năng sống. Tất yếu thôi. Là vì mục đích thi cử nên trường học xem nhẹ dạy kỹ năng, bố mẹ thì chỉ cần con học giỏi nên giành làm hết, thậm chí phục vụ “tận răng” để con chỉ tập trung vào việc học. 

Việc giúp con phát hiện khả năng hay nhận ra năng lực bản thân là không dễ dàng. Khi con trai thứ hai gần vào đại học thì chồng tôi tập vật lý trị liệu vì chứng đau lưng. Đưa ba vào viện, cậu bé bắt đầu bị thu hút bởi công việc của bác sĩ chỉnh hình đang điều trị cho ba. Nghe con chia sẻ ý tưởng, tôi đã liên hệ với bác sĩ, xin phép cho con theo vài ngày để con hiểu rõ hơn về tính chất công việc đó. Sau mấy ngày, con tôi quyết định một cách chắc chắn và hiện tại, chuyên ngành cháu đang học tại Mỹ là bác sĩ chỉnh hình. 

Học phổ thông tại nhà vẫn vào được đại học

Có hai khó khăn lớn mà bà Karen Hamilton Nguyễn phải vượt qua khi dạy học cho con tại nhà đó là sắp xếp thời gian giữa công việc và thời khóa biểu dạy học, khó khăn thứ hai là việc đảm bảo thực hiện nội quy đã đề ra. Bởi bà mẹ nào cũng thương con nhưng cô giáo thì phải nghiêm khắc. 

Về nội dung chương trình, bà Karen Hamilton Nguyễn cho biết, bà dễ dàng dạy cho con theo chương trình của Mỹ cho đến lớp Chín. Còn các lớp kế tiếp, bà phải nghiên cứu lại và chỗ nào không hiểu phải nhờ sự giúp đỡ của người khác. 

Ngoài ra, bà còn cho các con đến lớp học tình thương ở một nhà thờ gần nhà để học tiếng Việt. Các cháu cũng tham gia nhiều lớp học thể thao, học nhạc… để phát triển năng khiếu. Do đó, dù không đến trường chính thức nhưng các con đều có nhiều bạn bè, giao tiếp với hàng xóm bằng tiếng Việt thành thạo và tham gia nhiều hoạt động cộng đồng.   

Đến nay, chuyện học hành của các con khá thành công. Người con đầu đã tốt nghiệp sư phạm Đại học Johnson, Tennessee. Con thứ hai học vật lý trị liệu tại Đại học Bắc Arizona. Con thứ ba nhận học bổng ngành dinh dưỡng tại Đại học Liberty. Hai con nhỏ đang học lớp Chín và 11 vẫn do bà dạy học tại nhà.

Thu Lê (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI