Ngành giáo dục sao lại 'đẽo cày giữa đường'?

03/10/2018 - 06:26

PNO - Nhiều văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh của ngành giáo dục chỉ để trấn an dư luận, phụ huynh, đối phó cấp trên chứ không thực chất.

Chạy theo dư luận

Dư luận vừa kịp “bóc trần” chiêu để không thể tái sử dụng sách giáo khoa (SGK) chính là những bài học được thiết kế theo kiểu bắt buộc người học phải viết, vẽ kết quả trực tiếp vào sách. Với cách này, hàng triệu bản SGK không thể tái sử dụng lại mỗi năm. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ngay lập tức ra chỉ thị yêu cầu giáo viên, nhà trường hướng dẫn học sinh không viết, vẽ vào sách để tránh lãng phí SGK. 

Nganh giao duc sao lai 'deo cay giua duong'?
Ngành giáo dục có quá nhiều văn bản mang tính đối phó - Ảnh: Phùng Huy

Tuy nhiên, anh Thanh Ngọc, phụ huynh ở Q.5, TP.HCM, cho biết khi mở sách lớp Một của con, trang nào cũng có các yêu cầu học sinh viết, vẽ trực tiếp vào sách. Hơn nữa, SGK là phụ huynh mua cho học sinh, là sở hữu cá nhân, việc tái sử dụng hay không là quyền của người học. Bộ có cho mượn đâu mà yêu cầu phải giữ gìn. Cho nên, dư luận cho rằng, yêu cầu học sinh không viết, vẽ vào sách chỉ là sự “đối phó” hời hợt của ngành giáo dục. 

Rõ ràng, không chỉ gây cười cho dư luận, chỉ thị của bộ còn gây khó cho người dạy. Muốn giải quyết triệt để vấn đề lãng phí như dư luận nêu, Bộ GD-ĐT và đơn vị trực thuộc là nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần phải xem xét lại thiết kế SGK sao cho phù hợp mục đích sử dụng. Đó mới là việc làm thực chất.

Nhắc hoài vẫn vậy thì dạy được ai?

Cuối tháng Tám, Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản yêu cầu không được bắt buộc phụ huynh, học sinh mua đồng phục mới, chỉ cần học sinh mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và không làm khó học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sở này yêu cầu đồng phục phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi và văn hóa của từng địa phương, được hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận. Nhà trường có thể cung cấp mẫu, kiểu dáng, màu sắc, logo để phụ huynh chủ động mua sắm cho học sinh. Sở cũng đề nghị các trường không để một học sinh vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường.

Còn tại TP.HCM, giữa tháng Chín, Sở GD-ĐT khẩn cấp ban hành văn bản về công tác quản lý thu, chi năm học 2018-2019. Hoạt động thường dễ gây tranh cãi nhất là việc tiếp nhận tài trợ và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS) cũng được quy định cụ thể. Sở yêu cầu không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho cha mẹ học sinh. Ban đại diện không được quyên góp của người học, gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện. Việc thu, chi kinh phí của BĐD CMHS phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ. Ngoài các khoản thu theo quy định, nhà trường không được thực hiện hoặc đề nghị BĐD CMHS thực hiện các khoản thu khác từ phụ huynh học sinh dưới bất kỳ hình thức nào. Các trường cũng không tùy tiện lập các loại quỹ để ép buộc phụ huynh học sinh phải đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện… 

Nếu lần đầu biết đến những văn bản này hẳn chúng ta sẽ đồng tình và ngưỡng mộ trước sự quyết liệt của các nhà quản lý giáo dục. Thế nhưng, là người trong cuộc, chị Nguyễn Thị Thy, phụ huynh tại Q.3, thờ ơ: “Khoan hãy mừng vội. Năm nào chẳng có văn bản nhắc nhở nhưng có thay đổi được gì đâu. Quy định cứ cấm và người làm cứ lách. Trường học vẫn đẻ ra đủ khoản thu. Không đồng phục quần áo thì đồng phục giấy bao, nhãn dán. Sách tham khảo vẫn được chào bán đến từng lớp…”.

Nhiều phụ huynh tinh ý nhận ra những văn bản dạng này chỉ để trấn an dư luận, phụ huynh, lập công với cấp trên. Bởi hàng loạt văn bản tương tự đã từng ban hành nhưng hoàn toàn vô hiệu. Thậm chí, có những văn bản người soạn cẩu thả in lại nội dung cũ và quên sửa năm. Nếu muốn thực chất thì phải có biện pháp căn cơ, chứ không thể làm chính sách vô tâm kiểu “copy-paste”. Một nhà giáo nghỉ hưu bày tỏ quan điểm: “Làm giáo dục mà chính mình không nói được cấp dưới thì còn dạy được ai. Làm giáo dục mà cứ ngó lơ mọi quy định chỉ để đạt được mục đích thì sao làm gương cho học trò? Tiền bạc đang chi phối quá nhiều vào môi trường giáo dục, làm xấu hình ảnh người thầy”.

Dư luận thật sự ngán ngẩm với nhưng văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh theo kiểu “đến hẹn lại lên” để đối phó này. Người dân không cần những văn bản hình thức mà chỉ cần người đi học không bị vòi vĩnh, không bị làm khó bởi những điều ngoài giáo dục. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI