Vì sao Hy Lạp mở lối giúp Nga tránh eo biển của Thổ?

23/02/2016 - 07:39

PNO - Trước khả năng Ankara có thể đóng cửa hai eo biển Bosporus và Dardanelles, Hy Lạp đã gợi ý cho Nga đỗ tại các hải cảng lớn ở nước này.

Hy Lạp mở lối thoát hàng hoá cho Nga

Hy Lạp đã gợi ý cho Nga đỗ ở các hải cảng lớn tại nước này, cho phép lưu thông hàng hoá mà không cần qua eo biển Bosporus và Dardanelles.

RIA Novosti đưa tin Đại diện Phòng Thương mại-Công nghiệp khu vực Evros thuộc Hy Lạp đã ký thỏa thuận hợp tác với chính quyền Simferopol, bán đảo Crimea (Nga).

Thị trưởng thành phố Alexandroupolis (Hy Lạp), ông Evangelos Lambakis tuyên bố: "Chúng ta có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực, theo nhiều hướng. Đặc biệt, thành phố chúng tôi có một trong những hải cảng lớn nhất, cho phép lưu thông hàng hoá mà không cần qua eo biển Bosporus và Dardanelles".

Vi sao Hy Lap mo loi giup Nga tranh eo bien cua Tho?
Nga có thể sử dụng hải cảng Alxexandroupolis của Hy Lạp để vận chuyển hàng hóa mà không cần đi qua hai eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ (đường màu xanh). Đồ họa: Novonite

Ông Lambakis cho rằng, các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Crimea sau khi bán đảo này sáp nhập vào Nga sẽ không ngăn cản giao lưu thương mại - kinh tế giữa hai khu vực. Ông bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, các cư dân của bán đảo Crimea sẽ nhận được cơ hội phát triển quan hệ với bất kỳ đất nước nào hiểu rằng, sự hợp tác như vậy chỉ mang lại lợi ích.

Hai eo biển Bosporus và Dardanelles có vai trò đặc biệt đối với Nga. Hạm đội Biển Đen của Nga muốn tới Syria chỉ có một con đường độc đạo duy nhất là đi qua eo biển Bosphorus, sau đó vượt qua tiếp eo biển Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ, để ra ngoài Địa Trung Hải.

Với vị trí chiến lược quan trọng nối liền biển Đen và biển Marmara (để ra Địa Trung Hải), không chỉ các tàu chiến và tàu hậu cần thuộc Hạm đội biển Đen của Nga mà các tàu thương mại từ Bulgaria, Romania, Georgia, Ukraine… cũng phải đi qua đây.

Nhờ địa thế cực kỳ hiểm yếu và hoàn toàn thuộc về lãnh hải của Thổ Nhĩ Kỳ nên nếu không được sự cho phép của chính quyền nước này, chắc chắn không một loại tàu thuyền nào có thể đi qua khu vực này, bất chấp quốc gia đó sở hữu lực lượng hải quân mạnh đến đâu.

Vi sao Hy Lap mo loi giup Nga tranh eo bien cua Tho?
Hai eo biển mang vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga vào cuối tháng 11/2015, quan hệ hai nước đã xuống cấp nghiêm trọng, khiến giới chức Nga buộc phải tính đến khả năng Ankara sẽ đóng cửa hai eo biển Bosporus và Dardanelles, con đường ngắn nhất mà tàu thuyền Nga có thể đi từ Biển Đen ra Địa Trung Hải.

Một số nhà phân tích, chức trách Thổ Nhĩ Kỳ chỉ hành động như vậy khi không còn giải pháp nào khác để "ép" Nga.

Tuy nhiên, từ thế kỷ trước, qui chế của Bosphorus đã được củng cố bằng Công ước Montreux năm 1936, qui ước đặc quyền sử dụng eo biển của Nga và các nước ở trên bờ Biển Đen.

Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể đóng cửa Bosporus trong trường hợp có tuyên chiến chính thức, nhưng cũng chỉ áp dụng với các tàu chiến và vào ban đêm hoặc trong tình huống Thổ Nhĩ Kỳ là một bên tham chiến với các quốc gia có tàu thuyền muốn đi qua eo biển.

Quan hệ Hi Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ

Giới quan sát cho rằng, sở dĩ Hy Lạp mạnh miệng bảo vệ Nga là do những khoản lợi lớn mà nước này sẽ nhận được từ Moscow.

Đồng thời, Athens cũng muốn tố cáo, trả đũa "tiêu chuẩn kép" mà Ankara đang sử dụng trong việc bảo vệ không phận.

Mới đây, ngày 16/2, Hy Lạp tố cáo máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ liên tục xâm phạm không phận của nước này, trong khi Ankara đang rao giảng với Nga về “quyền bảo vệ không phận” và đe dọa sẽ tái hiện vụ bắn hạ máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 của Nga.

Vi sao Hy Lap mo loi giup Nga tranh eo bien cua Tho?
Các máy bay của Ankara liên tiếp vi phạm không phận Hy Lạp.

Theo số liệu thống kê của Đại học Thessaly dựa trên thông tin từ các báo cáo của quân đội Hy Lạp, năm 2014 là đỉnh điểm của hành động vi phạm không phận nước này của phía Ankara, với 2244 vụ, tăng đột biến so với năm 2013 là 636 vụ.

Bước sang năm 2015, chỉ tính đến cuối tháng 10, tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ đã 1.233 lần xâm phạm không phận, trong đó 31 lần vào sâu trong lãnh thổ Hy Lạp. Trong tháng 11, tính đến trước vụ bắn rơi Su-24 Nga, máy bay Thổ Nhĩ Kỳ cũng “kịp”có thêm 50 lần xâm phạm nữa.

Thực tế cách Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố và đang hành động trong thời gian gần đây hoàn toàn tuân theo đúng "tiêu chuẩn kép" mà Mỹ đã từng áp dụng trước đó.

Yên Sở (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI