Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm xử lý chưa tương xứng với thực trạng

01/01/2016 - 10:56

PNO - Trong năm 2016, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế sẽ tập trung kiểm tra ba nhóm chính là thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, bếp ăn công nghiệp.

PV: Thưa ông, trong năm 2015, số lượng các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) do Cục ATTP phát hiện và xử lý tăng mạnh so với năm 2014. Liệu có phải vấn đề ATTP vượt ngoài phạm vi kiểm soát?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Năm 2015 là một trong những năm được Bộ trưởng Bộ Y tế ưu tiên cho công tác thanh, kiểm tra từ Trung ương xuống địa phương. Do đó, số lượt thanh tra tăng nhiều. Ví dụ, số tiền phạt một cơ sở vi phạm tăng gấp 1,5 lần so với bình quân năm 2014.

Riêng với Cục ATTP, mặc dù chỉ có bảy cán bộ nhưng đã xử lý 251 cơ sở với tổng số tiền phạt xấp xỉ năm tỷ đồng, thu hồi 78 giấy chứng nhận ATTP, dừng lưu thông 66 lô hàng và xử lý nhiều vụ vi phạm khác. Có thể nói, năm 2015 là một năm quyết liệt của công tác thanh, kiểm tra. Theo tôi, số vụ vi phạm tăng do số lượt các đoàn thanh, tra kiểm tra và số cơ sở được thanh kiểm tra nhiều hơn.

Vi pham ve sinh an toan thuc pham xu ly chua tuong xung voi thuc trang
Rủi ro trong ATTP là rất khó tránh - Ảnh mang tính minh họa

* Như ông đã nói, việc xử lý vi phạm ATTP tại địa phương rất quan trọng. Trong khi đó, với lực lượng mỏng của Cục A TTP, làm sao để có thể giải quyết hiệu quả?

- Thanh tra tại Cục hiện có bảy người, nhưng dưới đó còn có các chi cục, đặc biệt là tuyến huyện, xã/phường. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm và y tế địa phương đóng vai trò tham mưu. Dù không có chức năng thanh tra thì y tế xã/ phường phải tiếp nhận thông tin, báo cáo UBND xã/phường để tổ chức thanh tra.

Việt Nam có 500.000 cơ sở sản xuất thực phẩm thì 85% trong số đó là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình. Đặc thù này yêu cầu quản lý tập trung ở tuyến xã/phường.

Tuy năm 2015 đã có chuyển biến tích cực, nhưng việc xử lý vẫn chưa tương xứng với thực trạng. Năm 2016, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị để tiếp tục quyết liệt hơn ở tuyến dưới.

Vừa qua, tôi có nhận được tin nhắn của người dân tố cáo một cơ sở tại địa phương sản xuất hàng lậu và yêu cầu chi cục trưởng tại địa phương kiểm tra. Ba ngày sau, số điện thoại đó lại thông báo chưa có hoạt động kiểm tra nào. Ngay lập tức, tôi gửi văn bản cho vị chi cục trưởng, nếu không làm và trả lời người dân sẽ yêu cầu lãnh đạo địa phương xử lý kỷ luật. Chúng ta phải tỏ thái độ rất dứt khoát.

* Mặc dù nhiều vụ việc được cán bộ thanh tra phát hiện, xử lý nhưng tình trạng tái phạm về ATTP vẫn khá phổ biến. Phải chăng, chế tài xử lý còn quá nhẹ?

- Dù là xử lý hành chính hay hình sự đều phải theo quy định của pháp luật. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, xử phạt tối đa đối với cá nhân là 100 triệu đồng, tập thể là 200 triệu đồng. Nhưng trong nghị định hướng dẫn, ngoài mức tối đa, nếu chưa tương xứng với hành vi thì có thể cho phép phạt gấp bảy lần số hàng hóa vi phạm. Đó là mức phạt rất nặng. Ngoài phạt tiền, hành vi vi phạm được thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tôi cho rằng, đây là một hình thức có tính răn đe mạ nh.

* Hiện nay, quy định thanh kiểm tra, kiểm dịch còn chồng chéo. Thực phẩm bẩn từ lò ra đến chợ, nếu chờ phát hiện vi phạm thì đã lên bàn ăn trong các gia đình.

- Về nguyên tắc, sản phẩm nông nghiệp trước khi đưa ra thị trường phải đảm bảo an toàn, nếu không đảm bảo được thì đó là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT. Sản phẩm vào nhà máy chế biến không đảm bảo an toàn mà vẫn đưa ra thị trường là trách nhiệm của Bộ Y tế. Ở đây không có sự chồng chéo nào.

* Nhiều ý kiến cho rằng, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thường chỉ “rầm rộ” vào một số thời điểm như tháng hành động ATTP, Tết Nguyên đán… và sau đó lại “ngơi” đi.

- Đồng ý là các đợt cao điểm, công tác thanh, kiểm tra làm rầm rộ hơn nhưng không phải những ngày khác là chúng ta không làm. Cục ATTP tuần nào cũng xử lý vi phạm ATTP và công khai trên các phương tiện thông tin. Đợt cao điểm xác định các nhóm ngành hàng nhiều nguy cơ để ngăn chặn.

Rủi ro trong ATTP là rất khó tránh, đừng nghĩ công tác thanh, kiểm tra có thể giải quyết triệt để mà vấn đề là cố gắng để hạn chế thấp nhất khả năng gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Trong năm 2016, công tác thanh, kiểm tra tiếp tục được ưu tiên. Chúng tôi sẽ tập trung vào các nhóm, trước hết là thực phẩm chức năng để hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật. Thứ hai là nhóm phụ gia thực phẩm. Thứ ba là tập trung vào các bếp ăn công nghiệp.

Huyền Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI