Khi trường THPT cất công đi tìm thí sinh

11/12/2022 - 07:20

PNO - Hiện nay, các trường THPT tại TPHCM đã chủ động đến trường THCS tìm thí sinh phù hợp, nhờ đó cả hai bên đều có lợi.

 

Việc trường THPT đi đến các trường THCS tư vấn sẽ giúp học sinh khối 9 hiểu hơn về mô hình đào tạo của trường
Việc trường THPT đi đến các trường THCS tư vấn sẽ giúp học sinh khối 9 hiểu hơn về mô hình đào tạo của trường

Trường chuyên, lớp chọn... cũng đi tìm thí sinh

2 năm nay, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá đến các trường THCS trên địa bàn thành phố về mô hình đào tạo của trường. Ngoài việc đến trực tiếp các trường THCS để chia sẻ, giải đáp thắc mắc của phụ huynh học sinh cuối cấp, nhà trường còn mời học sinh, phụ huynh khối 9 nhiều trường THCS đến tận trường tham quan, tư vấn...

"Mô hình trường chuyên có những đặc thù riêng so với trường THPT thường, do vậy khi càng hiểu rõ các em sẽ bớt có những bỡ ngỡ khi trúng tuyển, học tập tại trường. Khi được trực tiếp trao đổi, trò chuyện với trường THPT mà các em quan tâm, các em sẽ được giải đáp những băn khoăn, thắc mắc, có thêm động lực phấn đấu vào trường", cô Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - nhận định.

Hiệu trưởng này phân tích, trên thực tế, thực hiện chương trình mới song tư duy và hiểu biết của phụ huynh và học sinh khối 9 thì dường như vẫn rất cũ. Nhiều phụ huynh vẫn... nhìn tên trường để chọn trường thi tuyển cho con. Trong khi với Chương trình 2018 thì phụ huynh phải nhìn vào phương án giáo dục của trường.

"Dù rằng các thông tin tuyển sinh của trường, kế hoạch triển khai chương trình lớp 10 theo chương trình mới được trường đăng tải công khai đầy đủ trên website trường song đa phần phụ huynh đọc sẽ không hiểu hết được. Việc được đi đến tận trường tham quan, được trực tiếp nghe tư vấn, giải đáp thắc mắc về trường, về chương trình đào tạo, các mô hình hoạt động trải nghiệm sẽ giúp phụ huynh học sinh có cái nhìn toàn diện hơn để giúp con em mình lựa chọn trường phù hợp, có ngày tháng học tập thú vị nhất..." - cô Phạm Thị Bé Hiền nhấn mạnh.

Tương tự, luôn đứng ở vị trí top đầu các trường THPT tại TPHCM song Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) vẫn thực hiện kế hoạch "tìm kiếm học sinh phù hợp" bằng việc đi đến tận các trường THCS để giới thiệu, thông tin về trường. 

"Vài năm trước, cách làm này có thể là không cần thiết khi chỉ tiêu được Sở GD-ĐT rót về. Nhưng hiện nay đây là phương án cực kỳ quan trọng, góp phần giúp nhà trường thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Bởi khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, tùy vào đặc thù của từng trường mà xây dựng các nhóm môn học phù hợp và cách thức triển khai hợp lý. Vì thế, ngay từ ban đầu khi có nguyện vọng thi tuyển vào trường thì phụ huynh, học sinh cần phải tìm hiểu rõ về trường, những điểm mới của trường so với các trường khác chứ không chỉ đơn thuần là nhìn vào điểm chuẩn" - đại diện nhà trường nhìn nhận.

Từ chuyến đi thực tế đến các trường THCS, trò chuyện với học sinh và phụ huynh cuối cấp, vị này đánh giá, rõ ràng phụ huynh học sinh cuối cấp cực kỳ "khát" thông tin về trường, càng chia sẻ được chi tiết những thông tin này thì càng giúp nhà trường thu hút được nhiều học sinh phù hợp nhất với trường, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường...

Đôi bên cùng có lợi

trường THPT ngồi im, bị động trong tuyển sinh khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 là không còn phù hợp
Các trường THPT "ngồi im, bị động" trong tuyển sinh khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 là không còn phù hợp

Cô Trần Thúy An - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (quận 1) - chia sẻ: "Khi đặt vấn đề đưa học sinh trường mình đến các trường THPT để tìm hiểu, tham quan và lắng nghe chia sẻ về phương pháp giáo dục, trải nghiệm thực tế tại trường, điều tôi mừng nhất là các trường THPT rất hồ hởi và chuẩn bị rất nhiều mô hình ấn tượng để giới thiệu đến học sinh trường tôi. Một số trường không có điều kiện để đón tiếp học sinh tại trường thì... xin qua gặp gỡ, tư vấn học sinh trực tiếp tại trường chúng tôi. Qua các chương trình hướng nghiệp này, tôi thấy học sinh mình ngày càng lựa chọn được các nguyện vọng trường THPT phù hợp hơn với năng lực, sở thích, điều kiện gia đình".

Theo cô Trần Thúy An, Chương trình GDPT 2018, bậc THPT được xác định là giai đoạn định hướng nghề nghiệp cho các em. Song để định hướng được nghề nghiệp tốt thì trước hết chính bản thân người học phải chọn được môi trường THPT phù hợp. "Trường THPT hỗ trợ các trường THCS hướng nghiệp tốt cũng là cách để các trường giới thiệu rộng rãi về trường, tìm kiếm được học sinh phù hợp với môi trường giáo dục của trường. Điều này là cả đôi bên cùng có lợi" - cô An đánh giá.

Thầy Ngô Hùng Cường - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) - cho rằng, cách các trường THPT "ngồi im" trong tuyển sinh khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 là không còn phù hợp, thậm chí còn khiến chính trường THPT "bị động".

"Năm học này - năm đầu tiên bậc THPT triển khai Chương trình GDPT 2018, để có thể xây dựng được nhóm môn học lựa chọn phù hợp với đặc thù nhà trường, đội ngũ giáo viên và cả tâm tư, nguyện vọng của học sinh, nhà trường đã phải đi đến tận các trường THCS lân cận để khảo sát ý kiến của học sinh. Nói như vậy để thấy rằng việc các trường THPT tìm kiếm thí sinh phù hợp tại các trường THCS thông qua việc hướng nghiệp, cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống là cực kỳ cần thiết, giúp hạn chế học sinh chuyển đổi môn học giữa chừng..." - thầy Ngô Hùng Cường nói. 

Trường THPT phải xây dựng đề án tuyển sinh

Để thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu các trường THPT xây dựng đề án tuyển sinh với phương án triển khai môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập lựa chọn một cách phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường cũng như đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Đặc biệt, ông yêu cầu các trường THPT phải công khai phương án lựa chọn và tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, đổi mới phương pháp hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn phù hợp. 

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI