Giáo viên phải cẩn trọng lời ăn tiếng nói với trẻ, đừng nghĩ trẻ không biết gì

11/12/2022 - 19:27

PNO - Tại hội thảo xây dựng môi trường giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM, bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM đã yêu cầu giáo viên phải hết sức cẩn trọng lời ăn tiếng nói với trẻ.

Bà Lương Thị Hồng Điệp thông tin, TPHCM có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động tập trung tại TP Thủ Đức, quận 7, 12, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân và huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè. Quy mô trường mầm non phân bố tại các địa phương này khá lớn, với tổng cộng 776 trường (214 trường công lập và 562 trường dân lập, tư thục) cùng 1.177 số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập, với 142.353 trẻ (công lập có 58.368 trẻ, dân lập và tư thục có 83.985 trẻ). 

"Công tác quản lý nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục được TPHCM quản lý chặt chẽ, việc chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng chất lượng. TPHCM tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình về những vấn đề liên quan đến giáo dục mầm non theo phân cấp quản lý. Các trường mầm non công lập được phân công thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các nhóm/lớp trên địa bàn. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát, tư vấn nghiệp vụ quản lý và chuyên môn cho chủ nhóm/lớp mẫu giáo độc lập và đội ngũ giáo viên, bảo mẫu... Trong năm không xảy ra tình trạng bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non" - bà Lương Thị Hồng Điệp chia sẻ.

Để phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ thì giáo viên phải hết sức cẩn trọng lời ăn tiếng nói với trẻ
Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, để phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ thì giáo viên phải hết sức cẩn trọng lời ăn tiếng nói với trẻ

Mặc dù vậy, bà Lương Thị Hồng Điệp thừa nhận, các nhóm/lớp hiện nay vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Một số nhóm/lớp có diện tích nhỏ hẹp, chưa đảm bảo tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, hạn chế phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ. Một số cơ sở chưa chú trọng đầu tư, cải tạo đồ dùng, đồ chơi, đồ dùng phục vụ bán trú. Đặc biệt, một số cơ sở chưa chú ý công tác đảm bảo an toàn cho trẻ - còn sử dụng thiết bị điện tử treo tường cồng kềnh, khu vực bố trí máy tính chưa đảm bảo an toàn về điện. Một số đơn vị còn thiếu giáo viên, giáo viên chưa đạt chuẩn...

"Thời điểm dịch bệnh, trẻ không được đến trường trong thời gian dài nên hạn chế tương tác và các kỹ năng xã hội. Sau dịch, TPHCM tăng cường các hoạt động để phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ, giúp trẻ được tương tác, tiếp xúc nhiều hơn" - bà Lương Thị Hồng Điệp cho hay.

Bà nhấn mạnh, để giúp trẻ phát triển tình cảm và các kỹ năng xã hội thì trước tiên, giáo viên phải hiểu về tình cảm, kỹ năng xã hội, phải có tình cảm và có kỹ năng xã hội, từ đó mới có thể truyền tải đến trẻ. Trên hết, cô phải cởi mở vì chỉ khi cô cởi mở trẻ mới dám gần cô, mới dám hỏi cô, trao đổi với cô những gì trẻ cần. Đặc biệt, phải hết sức cẩn trọng lời ăn tiếng nói, hình ảnh của cô với trẻ, đừng nghĩ rằng mình nói như thế, mình làm như thế trẻ không biết. Khi trao đổi với phụ huynh, các cô cũng phải gần gũi, nhẹ nhàng.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI