Tưởng bị lão thị, đau bao tử, nhiều thai phụ suýt chết vì tiền sản giật

13/02/2019 - 06:00

PNO - Sản giật là một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm có thể gây tử vong cho mẹ lẫn thai nhi; thế nhưng nhiều thai phụ vẫn không biết, có trường hợp nhập viện trong tình trạng vỡ gan.

Vỡ gan… vì không biết mình đang bị tiền sản giật

Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM vừa chỉ định ngưng thai kỳ, mổ bắt con 29 tuần khẩn cấp cho thai phụ Đ.T.A.V. (40 tuổi, nhà ở Quận 8) có dấu hiệu nặng của tiền sản giật tháng cuối nhưng bệnh nhân không biết.

Nằm trên giường bệnh, chị V. kể, cách nhập viện khoảng gần 3 tuần, chị thấy mờ mắt, nhìn nhòa không rõ, nặng đầu, nhưng nghĩ do bước vào tuổi trung niên nên mắt yếu đi.

Tuong bi lao thi, dau bao tu, nhieu thai phu suyt chet vi tien san giat
Sản giật vẫn có thể xảy ra sau khi sinh. Trong ảnh: một ca vượt cạn thành công tại Bệnh viện Từ Dũ

Thế nhưng, chị thấy mắt ngày càng mờ hơn nên đến Bệnh viện Mắt TP.HCM khám. Tại đây, các bác sĩ thực hiện soi đáy mắt phát hiện gai thị bị phù, rải rác xuất huyết võng mạc. Nghi có chuyện chẳng lành, các bác sĩ đo huyết áp thấy rất cao nên chuyển ngay chị sang Bệnh viện Từ Dũ gần đó. 

Tại Bệnh viện Từ Dũ, chị V. được chẩn đoán tiền sản giật nặng. Bệnh nhân vừa được điều trị cấp cứu với thuốc ngừa co giật và hạ huyết áp. Khi tình trạng tiền sản giật nặng tạm qua giai đoạn nguy hiểm, các bác sĩ đánh giá lại và nhận thấy không thể tiếp tục dưỡng thai thêm cho thai phụ. 

"Tình trạng bệnh của thai phụ có thể diễn tiến sang sản giật rất nguy hiểm nên bác sĩ quyết định lấy em bé ra ngoài. Tuy nhiên, cổ tử cung thai phụ tại thời điểm này không thuận lợi cho việc sinh ngả âm đạo, nên các bác sĩ quyết định mổ lấy thai. Cuối cùng, hai mẹ con chị V. vượt cạn an toàn, với em bé 29 tuần tuổi". 

Đây là lần thứ 3 chị V. sinh con, hai lần trước chị mang thai hoàn toàn khỏe mạnh. 

Tuong bi lao thi, dau bao tu, nhieu thai phu suyt chet vi tien san giat
Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Trước đây, Bệnh viện Từ Dũ từng cấp cứu cho một thai phụ mang thai 26 tuần bị tiền sản giật nặng, nhập viện cấp cứu trong tình trạng bụng của thai phụ phình chướng, ấn vào đau, da niêm xanh. 

Khi siêu âm, bác sĩ ghi nhận bụng nhiều dịch. Chưa đầy 20 phút sau khi nhập viện, thai phụ rơi vào tình trạng mạch và huyết áp gần như không đo được. Các bác sĩ chẩn đoán ngay tiền sản giật nặng có biến chứng vỡ gan.

Bệnh nhân được đẩy vào phòng mổ tối khẩn và phát hiện đúng như hội chẩn ban đầu: vỡ gan và đang chảy máu ồ ạt trong bụng. Mẹ mất máu quá nhiều nên thai nhi non tháng bị suy thai cấp nặng nên không thể cứu sống. Riêng thai phụ được cứu sống nhờ có phối hợp tốt với chuyên khoa ngoại để khâu lại gan vỡ.

Những dấu hiệu mơ hồ nhưng rất nguy hiểm

Nguyên nhân gây tiền sản giật do các bất thường vi thể tại bánh nhau ngay từ khi hình thành nhau thai và có cả yếu tố mang thai với người bạn tình, hoặc với chồng mới sau khi người phụ nữ đi thêm bước nữa… 

Bác sĩ CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM – cảnh tỉnh: 5 tai biến sản khoa mà bác sĩ sản nào cũng lo lắng khi thai phụ “vượt cạn” và kể cả “vượt cạn” xong gồm: sản giật, băng huyết sau sinh, vỡ tử cung, nhiễm trùng hậu sản và uốn ván rốn.

Sản giật là biến chứng của tiền sản giật nặng không được điều trị, xảy ra khi thai phụ có tiền sản giật nặng bị co giật và sau đó có thể vào hôn mê. Sản giật có thể xuất hiện 1 hay nhiểu cơn co giật, bị tổn thương não, xuất huyết não, mê sâu và tử vong.

Tuong bi lao thi, dau bao tu, nhieu thai phu suyt chet vi tien san giat
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi trong phòng mổ sinh

Bác sĩ CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi khuyến cáo, một phụ nữ khi mang thai từ 20 tuần trở đi có huyết áp ≥ 140/90 mmHg được gọi là có tăng huyết áp. Khi bị tăng huyết áp, thai phụ có thể chỉ là tăng huyết áp đơn thuần, nhưng có thể là dấu hiệu của bệnh tiền sản giật không dấu hiệu nặng, tiền sản giật nặng, sản giật, hội chứng HELLP (giảm tiểu cầu, tán huyết, tăng men gan). 

Nguy hiểm là những dấu hiệu này có thể dẫn đến biến chứng nặng như: xuất huyết não, hôn mê… gây tử vong người mẹ, thai nhi chết do thai chậm tăng trưởng trong tử cung, suy thai cấp, nhau bong non.

Theo bác sĩ Nhi, nguyên nhân gây tiền sản giật do các bất thường vi thể tại bánh nhau ngay từ khi hình thành nhau thai. Ngoài ra, một số các yếu tố nguy cơ dễ xảy ra tiền sản giật như: mang thai lần đầu, đa thai, phù nhau thai, bệnh nguyên bào nuôi tam bội… Hoặc thai phụ có các bệnh nội khoa trước khi có thai như: tăng huyết áp mạn tính, đái tháo đường, bệnh lý về thận, lupus ban đỏ, bệnh lý đau nửa đầu, có dùng thuốc chống trầm cảm…

Ngoài ra, thai phụ dưới 18 tuổi hoặc trên 35 tuổi, từng bị tiền sản giật, khoảng cách giữa 2 lần mang thai ngắn dưới 2 năm hoặc quá dài trên 10 năm cũng dễ mắc bệnh, và có cả yếu tố mang thai với người bạn tình, hoặc với chồng mới sau khi người phụ nữ đi thêm bước nữa… 

Tuong bi lao thi, dau bao tu, nhieu thai phu suyt chet vi tien san giat
 

Dấu hiệu tiền sản giật thường gặp ở thai phụ gồm: nhức đầu, mờ mắt, hoa mắt, chóng mặt, đau ở vùng ức chấn thủy, đau hạ sườn phải, đi tiểu ít, tiểu màu sá xị… 

Đáng lo khi thai phụ bị mờ mắt lại nghĩ viêm giác mạc, lão thị nên trì hoãn ở nhà hoặc khi thấy đau vùng chấn thủy, đau hạ sườn nhưng nghĩ đau bao tử nên tự mua thuốc uống hoặc đi khám các bệnh về tiêu hóa. Điều này rất nguy hiểm vì bệnh nhân không nhập viện kịp thời sẽ dẫn đến sản giật tại nhà.

Dấu hiệu tiền sản giật thường gặp ở thai phụ gồm: nhức đầu, mờ mắt, hoa mắt, chóng mặt, đau ở vùng ức chấn thủy, đau hạ sườn phải, đi tiểu ít, tiểu màu sá xị… 

Tiền sản giật, sản giật rất nguy hiểm nhưng có thể dự phòng được. Hiện nay có một số xét nghiệm dự báo được nguy cơ tiền sản giật trong thai kỳ có thể thực hiện cho một số đối tượng có nguy cơ.

Phòng ngừa tiền sản giật hiện nay là chị em nên đi khám thai định kỳ ở bác sĩ sản khoa. Khi phát hiện ra thai phụ có nguy cơ, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện các xét nghiệm tầm soát tiền sản giật trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu kết quả cho thấy thai phụ có nguy cơ xảy ra tiền sản giật thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị dự phòng với thuốc Aspirin ngay lập tức và tốt nhất là trước tuần 16 của thai. .

Tuong bi lao thi, dau bao tu, nhieu thai phu suyt chet vi tien san giat
Thai phụ cần khám thai định kỳ ở chuyên khoa sản

Đồng thời, để giảm nguy cơ tiền sản giật thì trong quá trình theo dõi thai kỳ, nếu bác sĩ thấy có tăng huyết áp ngay từ 3 tháng đầu, hoặc trước tuần lễ 20 thai kỳ thai kỳ, cũng như khai thác tiền sử thai phụ có tăng huyết áp mạn tính cũng được khuyên đi khám bệnh lý tim mạch.

Lê Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI