Tuổi già độc lập tự do

15/05/2025 - 06:00

PNO - Các con vẫn phụng dưỡng ba mẹ theo cách chúng cho là tốt nhất. Thế nhưng, chúng tôi vẫn cảm thấy không vui.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Không có gì quý hơn độc lập, tự do - mấy bà bạn già của tôi kết luận như vậy sau một hồi than thở chuyện nhà cửa, con cháu. Tôi cũng nhận ra dù ở lứa tuổi nào, quyền được sống tự do, không phụ thuộc và được làm những điều mình thích là mấu chốt của cuộc sống hạnh phúc.

Chân lý nghe chừng đơn giản nhưng từng có một khoảng thời gian khá dài tôi và chồng không nghĩ được như vậy. Cách đây hơn 10 năm, khi tôi chưa về hưu, lúc con gái sinh cháu đầu lòng cũng là thời điểm tôi như làm dâu lần hai trong đời. Đơn giản vì con gái tôi sống cùng gia đình chồng, có cả anh em chồng, ba mẹ chồng. Lúc con sinh, nhìn nó vụng về, vất vả chăm con trong khi mẹ chồng tuổi đã cao, lại mắc bệnh nan y, tôi thấy xót nên bàn với chồng cho tôi lên thành phố phụ con.

Vì ở nhà thông gia nên mỗi sáng, tôi không tiện nằm lâu mà thức dậy từ tinh mơ để nấu thức ăn cho cháu, sẵn quét tước, lau dọn nhà cửa. Dù ông bà thông gia bảo tôi không phải làm gì nhưng tự tôi thấy ngại. Khi con rể đi làm, tôi mới vào phòng con để lo cho cháu. Buổi trưa, tôi xuống nấu nướng, làm cơm để cùng ăn với cả nhà. Thật ra, nhà thông gia cũng có một cô giúp việc theo giờ, phụ đi chợ, sơ chế thức ăn. Do khẩu vị 2 miền khác nhau nên tôi chủ động đứng bếp để nấu món miền Nam cho con gái ăn vừa miệng mà có sữa cho cháu.

Cứ thế cho tới khi cháu thôi nôi là tròn 1 năm tôi trong vai ô sin của gia đình. Dù mọi người đối xử nhau rất thân tình nhưng sau này nghĩ lại, tôi thấy mình không nhất thiết phải hy sinh kiểu như thế. Có lẽ trong 1 năm tôi “ở nhờ”, gia đình thông gia cũng nhiều phen khó xử mà không tiện nói ra. Còn tôi thì vì con mà bỏ bê chồng ở quê, ăn uống thất thường, bệnh cũng không đi khám. Vợ chồng tôi lục đục, cãi nhau không ít lần.

Bà Lan - bạn tôi - lại ở một tình huống khác. Con trai bà đã ra riêng nhưng khi vợ sinh lại đón bà lên chăm cháu. Bà Lan kể: “2 đứa nói tin tưởng bà nội, giao cháu cho bà rồi tung tăng bay nhảy khắp nơi. Thậm chí có lần 2 đứa còn rủ nhau đi du lịch nước ngoài cả chục ngày vì có lời mời từ nhãn hàng nào đó. Một mình tôi ở nhà xoay mòng mòng với đứa cháu nhỏ. Nửa đêm cháu sốt cao, gọi con thì ngoài vùng phủ sóng, tôi chẳng biết làm sao, phải chạy qua hàng xóm nhờ gọi xe đưa bà cháu đi bệnh viện”.

Chưa hết, vì các con “khoán trắng” cháu cho bà nên thằng nhỏ chỉ quấn bà. Ban đầu, chỉ định chăm cháu tối đa 1 năm nhưng rồi không ai chăm bằng bà, cháu cũng không chịu rời nên bà ấy mất hẳn 3 năm ở nhà con, làm bảo mẫu cho cháu kiêm quản gia, giúp việc nhà cho con. Đến khi thằng bé đi nhà trẻ, bà bị bệnh khớp hành hạ, 2 con mới chịu “thả” cho bà về.

Các bà đã vậy, các ông cũng không tránh khỏi cuộc sống mất tự do khi sống cùng con cháu. Ông Năm - một người họ hàng của tôi - sau khi quyết định chia hết gia tài cho các con và dọn về nhà con cả sống thì mới luyến tiếc cuộc sống tự do. Ông buồn bã nói: “Bà ấy mất cách đây hơn năm. Trước khi mất, bà trăng trối muốn tôi chia gia tài rồi về sống với các con cho tuổi già đỡ cô quạnh. Tôi cũng tưởng vậy nhưng cả đời làm chủ, nay già rồi lại phải trong vai ở nhờ nhà con, cứ thấy tù túng, khó chịu, mất vui”.

Con tôi, con bà Lan, con ông Năm đều không bất hiếu, ngỗ ngược. Các con vẫn phụng dưỡng ba mẹ theo cách chúng cho là tốt nhất. Thế nhưng, chúng tôi vẫn cảm thấy không vui. Có lẽ lý do lớn nhất là vì mất tự do, thiếu sự độc lập về công việc, tài chính, sinh hoạt. Sau một quãng đời vất vả, về già, ba mẹ chỉ cần được thảnh thơi sống cuộc sống của chính mình. Các con có thương ba mẹ thì hãy hiểu cho điều ấy.

Thanh Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI