Tuổi cao, vẫn miệt mài cống hiến

26/11/2022 - 14:55

PNO - Ngày 28/11, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TPHCM sẽ tổ chức đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2022-2027. Trong thời bình, các thành viên câu lạc bộ - những người từng tham gia các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm - vẫn bền bỉ đóng góp cho xã hội.

20 năm ươm mầm thế hệ trẻ 

Sau mấy lần hẹn, chúng tôi mới gặp được bà Trần Thị Hồng Thắm - nguyên Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Truyền thống kháng chiến quận 1, nguyên Phó giám đốc Sở Thể dục Thể thao TPHCM - bởi bà vừa trải qua 1 cơn đột quỵ, đang phải tập vật lý trị liệu mỗi ngày. 
Trong ngôi nhà nhỏ trên đường Trần Nhật Duật, phường Tân Định, quận 1, bà đọc tên từng người để chồng bà - nhà văn, đạo diễn Lê Văn Duy - ký tặng vào cuốn truyện và ký Người đi tìm bóng của ông. Sau 3 lần đột quỵ, ở tuổi 80, sức khỏe của chồng bà - thương binh 4/4 - rất yếu. Tuy vậy, ông vẫn say sưa viết, quay phim, chụp hình. 

Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Việt kiều Campuchia yêu nước TPHCM trao quà và xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học
Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Việt kiều Campuchia yêu nước TPHCM trao quà và xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học

Bà Hồng Thắm cũng là thương binh 3/4, năm nay 72 tuổi nhưng vẫn chưa nghỉ ngơi. Bà vẫn miệt mài lo việc ở Ban Liên lạc cựu tù chính trị - tù binh TPHCM, đưa các thành viên thăm lại những chiến trường xưa, vận động kinh phí mua bảo hiểm y tế, xây nhà tình nghĩa tặng đồng đội còn khó khăn. 

Quê bà ở tỉnh Bến Tre. Năm 1954, cha bà tập kết ra Bắc, mẹ bà vừa làm lụng nuôi con, vừa hoạt động cách mạng ở Bến Tre. Bà kể: “Năm 1967, tôi lên Sài Gòn làm giao liên công khai liên quận 2-4. Ngày tôi đi, má hỏi “tiền phương gian khổ, hiểm nguy, con chịu nổi không”. Má nói, nếu chiến đấu nửa đường mà quay về là má không nhận con. Tôi cúi đầu chào má, hẹn ngày độc lập sẽ về. Năm đó, tôi 17 tuổi”. 

Sau thời gian làm giao liên, bà Hồng Thắm chuyển sang đội vũ trang tuyên truyền, bị bắt trong đợt 2 của chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, bị đưa qua nhiều trại giam và nếm đủ các đòn tra tấn. Đến năm 1973, bà được trả tự do.

Sau ngày 30/4/1975, bà học bổ túc văn hóa rồi học đại học chuyên ngành thể dục, thể thao. Bà nói: “Má tôi dạy rằng, khi đất nước có chiến tranh, mình cầm súng ra trận, còn khi hòa bình thì phải học mới phục vụ nhân dân tốt được. Tôi luôn ghi nhớ lời dặn dò của má”. 

Năm 2002, tích cóp được một khoản tiền, vợ chồng bà gửi ngân hàng. Hằng năm, ông bà gom tiền lãi để tặng 10-15 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở tỉnh An Giang - nơi má chồng bà từng dạy học. Việc tặng học bổng này được ông bà duy trì 20 năm qua, kể cả khi nhà văn Lê Văn Duy bị đột quỵ, phải ra vô bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Ông bà dự định sẽ duy trì học bổng cho đến cuối đời rồi giao lại việc này cho con cháu.

Tất bật lo việc chung

77 tuổi, tròn 20 năm nghỉ hưu nhưng đến nay, bà Bùi Thị Xuân - nguyên Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến quận 10, thành viên Ban chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM - vẫn chưa ngơi nghỉ. Những ngày này, bà tự lái xe máy để vừa chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM nhiệm kỳ mới, vừa thúc đẩy hoạt động của CLB của quận nhà. 

Bà nói: “Hằng ngày, tôi lo cho công việc mà quên nhà cửa, có khi ở lại CLB đến tối để vận động các anh chị trong CLB tham gia tập thể dục, thể thao”. CLB Truyền thống kháng chiến quận 10 hiện đang tổ chức các bộ môn cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, yoga, dưỡng sinh, khiêu vũ cho các thành viên.

Tham gia cách mạng từ năm 1959, năm 1973, bà Bùi Thị Xuân bị bắt, bị giam cầm cho đến ngày 30/4/1975. Đầu tháng 6/1975, bà được Thành ủy TPHCM giao nhiệm vụ về quận 10 làm Bí thư phường 17, phường 11, sau đó được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận 10. Năm 1992, bà làm Trưởng ban Tổ chức Quận ủy cho đến năm 2002 thì nghỉ hưu. 

Dù tuổi cao nhưng các thành viên Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TPHCM vẫn tham gia nhiều hoạt động tại địa phương, như ra quân bảo vệ môi trường
Dù tuổi cao nhưng các thành viên Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TPHCM vẫn tham gia nhiều hoạt động tại địa phương, như ra quân bảo vệ môi trường

Sau khi nghỉ hưu, bà vừa làm bí thư chi bộ khu phố, vừa làm Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến quận 10. Bà nhớ lại: “Thời điểm đó, CLB vừa mới thành lập, cơ sở vật chất thiếu thốn. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng tổ chức các hoạt động có sức hút, phù hợp với nhu cầu của thành viên. Mỗi tháng, CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ 2 lần, bàn về những vấn đề chính trị trong nước, thế giới và tư vấn về sức khỏe người cao tuổi. Thành viên dự rất đông, có khi lên tới 900 người, ngồi chật kín cả hội trường dù chúng tôi chỉ thông báo, không gửi thư mời. Hiện CLB Truyền thống kháng chiến quận 10 có hơn 2.000 thành viên”. 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ, CLB Truyền thống kháng chiến quận 10 thường xuyên phối hợp với Quận đoàn và ban giám hiệu các trường học để tổ chức nói chuyện truyền thống với học sinh, sinh viên. “Tôi mong ban chủ nhiệm nhiệm kỳ mới của CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM tiếp tục sát sao với hội viên, quan tâm, động viên họ trong quãng đời còn lại bởi đó vừa là nghĩa tình với đồng chí, đồng đội, vừa là cách để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống, đạo lý” - bà gửi gắm. 

Thu Lê - Mẫn Nhi

Vận động hơn 30 tỉ đồng chăm lo cho đồng đội

Hiện nay, CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM có 51 CLB trực thuộc trong đó có 29 CLB khối với 10.092 thành viên, 22 CLB quận, huyện, thành phố với 24.115 thành viên. Hơn 5.000 thành viên thuộc các CLB quận, huyện, khối vẫn đang giữ chức vụ bí thư chi bộ, trưởng phó ban điều hành khu phố, tổ trưởng, tổ phó dân phố, 36 thành viên được bầu làm ủy viên Ủy ban MTTQ quận, huyện và 325 thành viên là ủy viên Ủy ban MTTQ phường, xã, thị trấn.

Trong 5 năm qua, các CLB trực thuộc đã vận động được hơn 30 tỉ đồng để chăm lo cho đồng đội và các đối tượng diện chính sách, trong đó xây tặng 113 nhà tình nghĩa, nhà tình thương. Trong đợt dịch COVID-19 năm 2021, thành viên các CLB trực thuộc đã vận động các nhà vườn ở các tỉnh hỗ trợ miễn phí các loại lương thực, thực phẩm để chuyển đến người dân các địa bàn bị cách ly; riêng khối vũ trang - biệt động đã thành lập đội tình nguyện với 150 thành viên trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Ngày 11/2/2022, CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì do có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng và hoạt động ái hữu nội bộ, từ thiện xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

 Ông DƯƠNG QUAN HÀ 
- Chủ nhiệm Câu lạc bộ 
Truyền thống kháng chiến TPHCM

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI