Tuổi 20 cầm bút và... mất hút?

07/09/2020 - 07:15

PNO - Những “giao diện” văn chương trẻ trung, xuất hiện tạo luồng sinh khí mới hào hứng cho văn chương nhưng rồi cũng lặng lẽ ẩn mình, hoặc lựa chọn những “cuộc chơi” khác, ít nhiều để lại những tiếc nuối cho kỳ vọng “thế hệ
kế thừa”.

Đã gần hai năm kể từ cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần VI, và 10 năm kể từ mùa giải lần thứ IV, nhưng có thể thấy rất ít cây bút trẻ đoạt giải xuất hiện trở lại văn đàn. Dấu ấn cũ còn lại là Hương Thị (tác phẩm Thuê bao quý khách), Thiên Di (Những giao diện ẩn), D. (Dương Liên Trang Nhã, Mất hút bên kia đồi), Minh Moon (Hạt hòa bình), Đoàn Phương Nam (Lý hàng khơi), Phương Rong (Nhiệt đới buồn)… Đến cả cây bút giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần V Đỗ Nhật Phi (Người ngủ thuê) cũng gần như… vắng bóng.

Viết hăng say nhất hiện nay có lẽ là Hiền Trang (giải ba Văn học tuổi 20 lần VI). Sau Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa, Hiền Trang liên tục có các tác phẩm: Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi, Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ, mới đây là Dưới mái hiên đêm, những khách lạ với giọng văn khá đặc biệt, pha trộn giữa hư - thực, kết hợp cả âm nhạc, hội họa, lịch sử. Tuy nhiên, một mình Hiền Trang cũng chưa làm bật nổi một “giao diện ẩn” của thế hệ cầm bút trẻ. 

Hiền Trang có lẽ là cây bút trẻ tận tụy với những tác phẩm văn chương nhất so với những gương mặt được vinh danh từ cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần VI
Hiền Trang có lẽ là cây bút trẻ tận tụy với những tác phẩm văn chương nhất so với những gương mặt được vinh danh từ cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần VI

Một gương mặt trẻ tâm sự rằng, trong vài năm gần đây “có một việc khác choáng vào đầu nên tạm thời không sáng tác nữa”. “Việc khác choáng vào đầu” hoặc “quá bận rộn với công việc chính” là những lý do có thể xem là đại diện chung nhất của người viết hôm nay.

Những lý do khác bao gồm: xây dựng kế hoạch riêng, bận công việc, tập trung học tập, gia đình, con cái... văn chương tạm đặt ở vị trí sau. “Để đi đường dài với văn chương, các tác giả trẻ cần giữ lửa đam mê một cách trọn lòng nhất. Song song đó phải trau dồi kiến thức, kỹ năng viết. Bản thân cũng phải tự khám phá cho mình một lối viết riêng để tạo dấu ấn với độc giả” - nhà văn Tống Phước Bảo nhìn nhận.

Tác phẩm đầu tay có thể được viết rất hay, bằng ký ức/trải nghiệm tự thân của tác giả. Nhưng để đánh giá được sức viết ổn định, độ dày dặn, chín chắn và định hình phong cách của người viết, phải chờ đến những tác phẩm tiếp theo... Nếu người trẻ cảm thấy “cạn vốn” ngay sau tác phẩm đầu tiên, thì đường dài là điều khó nói. 

Có ý kiến cho rằng, thị trường bây giờ “không còn ưu thế của truyện ngắn, tiểu thuyết”. Tác phẩm in ra dễ bị chìm khuất giữa những tựa sách được PR đình đám khác. Facebook, TikTok, Instagram, YouTube… làm thay đổi các “định dạng” giải trí, tương tác bề nổi.

Không biết không còn ưu thế, hay vốn dĩ, hiện nay, chưa có truyện ngắn, tiểu thuyết nào đủ sức để lội ngược dòng. Trong khi đó, nổi bật lên trong những trang viết tuổi 20 hầu hết là nỗi buồn, những hoang mang bất định về tuổi trẻ. Tất nhiên, khó trách được người trẻ trước giai đoạn bùng nổ thông tin, tiện ích công nghệ và sống trong vòng xoáy của nhịp sống công nghiệp hiện đại.

Hiện thực vẫn đầy chất liệu nhưng những cuộc đặt bút ngập ngừng, hoặc đã từ chối bước vào. Sau mùa giải đầu của cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 với một thế hệ nhà văn được gọi tên như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Phong Điệp, Nguyên Hương, Dương Thụy, Trương Anh Quốc, Võ Diệu Thanh… có vẻ như, đã không có được “thế hệ vàng” với những người cầm bút trẻ sau này. 

Thật ra, những kỳ vọng lạc quan đó cũng đã từng được các nhà văn đi trước dành cho thế hệ viết 8x với những “câu chuyện, vấn đề, lý do” của riêng họ. Và nếu là 8x “đời đầu”, thì nay cũng đã xấp xỉ tuổi 40. Sân chơi văn chương trẻ - cũng như trong rất nhiều lĩnh vực khác - dần “trao quyền” cho 9x.

Không kể lớp tác giả chuyên viết tản văn, du ký, nếu chỉ điểm danh được lác đác những cuộc “dấn thân vào chữ nghĩa” của những gương mặt trẻ còn dành nhiều tâm tư với văn chương, thì cũng chưa thể nói trước được điều gì. Nếu người trẻ vẫn mải mê viết về nỗi buồn của tuổi mình, thì những trang viết sau này nhìn lại, có lẽ cũng chỉ như là nơi “tạm trú” cảm xúc mà thôi. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI