Hàng trăm suất diễn như thế, khán phòng đoàn cải lương Thanh Minh- Thanh Nga luôn chật kín khán giả. Người xem phải xếp hàng từ sớm để mua vé. Thành công nằm ngoài dự đoán của bà bầu Thơ và nghệ sĩ. Có lẽ ít ai ngờ khán giả cải lương vốn quen với tuồng kiếm hiệp, tuồng hương xa và tuồng tâm lý xã hội lại cuồng nhiệt với cải lương lịch sử đến vậy.
Nghệ sĩ – những chiến sĩ trên mặt trận mới
Trong các vở diễn tái giới thiệu bảng hiệu Thanh Minh – Thanh Nga sau 1975, bà bầu Thơ đã chọn Tiếng trống Mê Linh (Tác giả: Việt Dung – Vĩnh Điền, chuyển thể: nhóm tác giả Thanh Minh, Thanh Nga, đạo diễn: NSND Ngô Y Linh). Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Nga, từ nhưng vai diễn tiểu thơ khuê các, liễu yếu đào tơ đã gây bất ngờ lớn khi hoá thân thành Trưng Trắc.
 |
NSƯT Thanh Nga gây bất ngời khi hoá thân thành Trưng Trắc trong vở Tiếng trống Mê Linh. Ảnh: Tư liệu |
NSƯT Hữu Châu (cháu gọi cố NSƯT Thanh Nga là cô) nói khi đó dù còn rất nhỏ, nhưng anh vẫn cảm nhận rất rõ hào khí của khán giả phía dưới khán phòng khi Trưng Trắc cất lời hiệu triệu: “Hỡi đồng bào trăm họ, giặc Đông Hán đang xéo dày đất nước, nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang, thà chết mà đứng thẳng không cam chịu sống quì, đất nước Nam cẩm tú người dân Nam anh hùng, trước đền thờ Quốc Tổ thề hy sinh giết giặc cứu non sông”.
Mặc những lời cảnh cáo không được tiếp tục biểu diễn, Tiếng trống Mê Linh vẫn cứ sáng đèn, khán giả vẫn chật kín khán phòng. Khỏang giữa năm 1977, một trái lựu đạn ném lên sân khấu giữa buổi diễn Tiếng trống Mê Linh, nhưng vướng vào thành sân khấu nên rơi xuống hố nhạc gây thương vong cho 1 số nhạc công và khán giả. NSƯT Thanh Nga và nghệ sĩ Chí Hiếu bị mảnh lựu đạn găm vào người. Mảnh lựu đạn đó vẫn nằm trong người NSƯT Thanh Nga khi bà qua đời năm 1978, do nằm quá gần phổi và với kỹ thuật y tế lúc đó, bác sĩ không dám phẫu thuật. “Không điều gì có thể ngăn cản nhiệt huyết của nghệ sĩ. Sau sự cố đó, đoàn chỉ nghỉ vài ngày cho vết thương của cô tôi và NS Chí Hiếu ổn định, sân khấu lại mở màn đón khán giả vào xem Tiếng trống Mê Linh. Khán phòng lại vẫn chật kín khán giả, những tràng vỗ tay không dứt”, NSƯT Hữu Châu nhớ lại.
 |
NSƯT Thanh Nga và NSƯT Thanh Sang trong vở Tiếng trống Mê Linh. Ảnh: Tư liệu |
Vai Trưng Trắc của Thanh Nga – biểu tượng không thể thay thế
Có những vai diễn đi qua sân khấu rồi ở lại mãi trong tim người xem như một dấu son không phai. Có những nghệ sĩ không chỉ trình diễn mà hóa thân, sống trọn với nhân vật, để rồi khi họ rời ánh đèn sân khấu, vai diễn ấy vẫn sống, bằng ký ức, bằng cảm xúc và cả sự tiếc thương. Tiếng trống Mê Linh và hình tượng Trưng Trắc của NSƯT Thanh Nga là một trong những trường hợp hiếm hoi như thế.
Lớp diễn khiến khán giả xúc động nhất là cảnh Trưng Trắc tiễn biệt chồng – Thi Sách – trong lễ tế sống. Không đơn thuần là cảnh chia ly giữa vợ chồng, đó là phút tiễn biệt giữa hai người tri kỷ, gắn bó bằng tình yêu và cùng chung một chí hướng vì đại nghĩa, vì dân tộc. Bi kịch được NSƯT Thanh Nga truyền tải bằng ánh mắt đầy cảm xúc. Ánh mắt sâu thẳm, ở đó có nỗi đau đớn đến tột cùng, nhưng nỗi đau đó không thể che lấp chí khí và lòng quyết tâm của một vị nữ chủ tướng. Tinh tế trong từng động tác hình thể, những cái lạy, cái cúi đầu tế sống chồng của Trưng Trắc dẫu khiến người xem nhói tim, nhưng không vì thế mà vương cảm xúc bi luỵ. Cứ thế, tinh tế, cảm xúc trong từng chi tiết, Trưng Trắc trong không chỉ là một vai diễn để đời của NSƯT Thanh Nga mà đã đã trở thành biểu tượng, một vai diễn mẫu mực của sân khấu cải lương.
 |
NSƯT Thanh Nga. Ảnh: Tư liệu |
Vở diễn vượt thời gian, nghệ sĩ sống mãi trong lòng khán giả.
Sau đêm công diễn đầu tiên, Tiếng trống Mê Linh ngay lập tức trở thành hiện tượng sân khấu. Năm 1978, tác phẩm được ghi hình và phát sóng rộng rãi trên truyền hình. Đây là một trong những tác phẩm cải lương đầu tiên được phát sóng sau năm 1975. Từ đó, trong suốt hơn 15 năm, vở diễn vẫn được phát đi phát lại, và chưa từng làm khán giả nhàm chán. Càng xem lại, người ta càng thấm thía từng từng câu thoại đẫm chất văn học, được thể hiện qua diễn xuất đầy tinh tế của Thanh Nga. Tất cả cho cho người xem cảm giác NSƯT Thanh Nga không phải đang diễn mà đang sống cùng nhân vật.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhiều phiên bản Tiếng trống Mê Linh đã được tái dựng, vai Trưng Trắc cũng được nhiều thế hệ nữ nghệ sĩ thể hiện lại. Nhưng như lời của nhiều nghệ sĩ cải lương: “Trưng Trắc của NSƯT Thanh Nga là “đỉnh cao không thể thay thế” trong lịch sử cải lương. Đó là biểu tượng kết tinh giữa tài năng, đạo đức nghề nghiệp và sự hy sinh thầm lặng vì nghệ thuật dân tộc”.
Sau khi NSƯT Thanh Nga qua đời năm 1978, nhiều khán giả lặng người trước tivi mỗi khi truyền hình phát lại Tiếng trống Mê Linh. Ánh sáng sân khấu vụt tắt, nhưng hình ảnh người nữ tướng oai nghiêm, ánh mắt biết nói sâu thẳm và giọng ca ngọt ngào vẫn còn đó, như một phần ký ức đẹp đẽ của sân khấu cải lương miền Nam. Với Tiếng trống Mê Linh, NSƯT Thanh Nga không chỉ để lại một vai diễn để đời, mà còn dựng nên tượng đài nghệ thuật. Và với khán giả yêu cải lương, tiếng trống từ vở diễn năm ấy dường như vẫn chưa ngừng vang lên, ngân vang giữa lòng lịch sử và nghệ thuật dân tộc.
Hoa Nguyễn
(*)Tiếng trống Mê Linh là 1 trong 7 tác phẩm sân khấu trong danh sách 50 tác phẩm VHNT tiêu biểu TPHCM giai đoạn 1975 - 2025