Từ vụ Thơ Nguyễn: Lẽ nào bó tay với nội dung bẩn, độc trên mạng

15/03/2021 - 07:03

PNO - Khi cơ chế quản lý vẫn là hậu kiểm, ắt sẽ khó khống chế nội dung bẩn độc trên môi trường mạng, trong khi chúng được phát tán rất nhanh.

Không chỉ có Thơ Nguyễn

Mới đây, Cục an toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có văn bản gửi Công ty TNHH công nghệ Tiktok Việt Nam đề nghị tăng cường rà soát, xử lý nội dung độc hại với trẻ em trên nền tảng TikTok. Nguyên nhân xuất phát từ clip của youtuber Thơ Nguyễn xin vía học giỏi từ búp bê Kumanthong khiến dư luận dậy sóng mấy ngày qua. Cục đề nghị công ty này phải báo cáo kết quả xử lý trước ngày 19/3.

Nhưng đâu chỉ có Thơ Nguyễn!

Cộng đồng mạng gần đây lại xôn xao với đoạn clip được chia sẻ trên Facebook. Trong đó, một đứa bé chăm chú theo dõi clip ghi lại một trò chơi (chưa rõ đăng tải trên nền tảng nào), nhân vật phải vượt qua các chướng ngại như: chuỳ, đao, kiếm, máy cưa... Cuối clip, vì không vượt qua được nên nhân vật bị máy cưa cưa thành nhiều mảnh. Cảnh tượng này khiến nhiều người kinh hãi.     

Trò chơi khăm nguy hiểm trên kênh của Trường Quân TQ97 Gaming
Trò chơi khăm nguy hiểm trên kênh của Trường Quân TQ97 Gaming

Cùng trong thời gian này, video mang tên Thử thách thoát khỏi hố sâu của kênh YouTube Trường Quân TQ97 Gaming cũng lọt vào danh sách top trending tại Việt Nam. Sau bốn ngày, video này đạt gần hai triệu lượt xem.

Trong video, năm trẻ em cùng tham gia thử thách do chủ kênh đặt ra để nhận phần thưởng 10 triệu đồng. Các em phải tìm cách leo lên mặt đất từ một chiếc hố sâu được đào sẵn. Khi sử dụng bất kỳ dụng cụ nào được chủ kênh đưa ra, các em sẽ bị trừ tiền thưởng. Nhìn những đứa trẻ gồng mình bám vào tường đất, đá để cố trèo lên, đồng thời sử dụng những dụng cụ có khả năng gây sát thương cao, người xem không khỏi lo sợ. Nếu có sơ suất gì xảy ra, thật khó hình dung về hậu quả.

Trên kênh YouTube này còn có nhiều nội dung khác cũng liên quan đến trẻ em, từ vô bổ đến khả năng gây nguy hại như: cắm trại trên nóc nhà, 24 giờ chỉ sống trên võng... Nhiều trò chơi khăm được chủ kênh này bày ra như: để đứa trẻ đu vào một thân tre nhặt quả bóng dưới ao rồi thả cho té, cột một đầu dây vào quần đứa trẻ, đầu kia buộc vào xe máy rồi rồ ga chạy đi... 

Kênh Lâm Vlog cũng có nhiều nội dung nhảm nhí với sự tham gia của các thiếu niên. Chẳng hạn thử thách xem ai sẽ là người bị trói cuối cùng để nhận được giải thưởng 10 triệu đồng. Các em sẽ lần lượt bị trói bằng dây điện, dây xích, màng bọc thực phẩm, băng keo... Ai chịu hết nổi phải chấp nhận thua cuộc và chịu hình phạt. Hay như thử thách người cuối cùng uống nước, theo đó, nhóm này sẽ đi đến đồi cát ở Bàu Trắng (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) rồi cùng nhịn uống nước. Ai nhịn giỏi nhất sẽ nhận phần thưởng 10 triệu đồng.

Thử thách người bị trói cuối cùng trên kênh  Lâm Vlog
Thử thách người bị trói cuối cùng trên kênh Lâm Vlog

Ngoài ra, trên YouTube còn tồn tại rất nhiều clip với nội dung như: 24g sống ngoài bãi rác, 24g sống trong lồng chim, cắm trại trên cây... Còn bao nhiêu kênh, bao nhiêu nội dung mang tính chất tương tự đang tồn tại trên YouTube nói riêng và môi trường mạng nói chung?  

Vẫn khó kiểm soát nếu không có cơ chế tiền kiểm

Ai kiểm chứng độ an toàn, khả năng gây ảnh hưởng của những nội dung trên khi chúng được phát tán rộng rãi?... Câu hỏi đó dường như không có lời đáp. Nhảm nhí, vô bổ, thậm chí có nguy cơ gây hại, nhưng thật bất ngờ khi các clip đều đạt hàng triệu cho đến hàng chục triệu lượt xem.

Còn nhiều bất cập trong công tác quản lý để kiểm soát nội dung trên mạng. Khi chưa có sự thay đổi về luật định, công chúng cần biết tận dụng tối đa quyền lực mình đang có để tạo nên những rào chắn nhất định, bằng cách báo cáo sai phạm (report) người dùng có thể khiến các video, kênh YouTube có nội dung bẩn, độc bị ẩn hoặc bị xóa bỏ. 
Với video, người dùng có thể nhấn vào dấu ba chấm bên dưới để báo cáo sai phạm. Với kênh, bấm vào “about”, sau đó chọn biểu tượng lá cờ và nhấn vào báo cáo sai phạm. YouTube cho biết khi nhận được báo cáo sai phạm sẽ tiến hành xem xét. Nếu chủ kênh vi phạm, YouTube sẽ tiến hành nhắc nhở, cảnh cáo. Các nội dung bị báo cáo sai phạm sẽ bị YouTube ẩn hoặc gỡ bỏ, thậm chí dẫn đến khóa kênh. 
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu báo cáo sai phạm thì nền tảng này sẽ xóa bỏ nội dung hoặc khóa kênh. 

Các kênh YouTube này cũng có đến hàng triệu lượt đăng ký, chẳng hạn: Thơ Nguyễn (8,75 triệu người), Lâm Vlog (6,1 triệu người), Trường Quân TQ97 Gaming (2,85 triệu người)... 
Những con số này đều là giấc mơ với các nhà sáng tạo nội dung YouTube, kể cả những đơn vị, công ty chuyên nghiệp. 

Những nội dung được đề cập đánh trúng tâm lý tò mò của người xem, đặc biệt với trẻ nhỏ - lứa tuổi luôn ham thích khám phá và bắt chước. Trong khi những nội dung chính thống dành cho nhóm này chỉ xoay quanh phim hoạt hình, ca nhạc, diễn xuất. Bấy nhiêu là không đủ so với nhu cầu thực tế của các em. Vì thế, các chủ kênh đã nhắm ngay vào "khoảng trống" để hoạt động. 

Những nội dung đưa ra thường độc nhất vô nhị, thậm chí một người bình thường khó có thể tưởng tượng được. Việc “bán” một sản phẩm không bị cạnh tranh, hoặc khả năng cạnh tranh thấp, thì cơ hội giành phần thắng đã nhiều hơn. Chưa kể, chủ kênh cũng rất siêng tương tác với người xem thông qua bình luận, từ đó biết người xem muốn gì để chiều theo một cách thiếu suy xét, bất chấp khả năng gây hại. Họ cũng dùng chiêu tung ra các phần thưởng tiền mặt có giá trị lớn để thu hút người xem.

Một đứa trẻ tham gia thử thách trèo lên từ hố sâu trện kênh
Một đứa trẻ tham gia thử thách trèo lên từ hố sâu trện kênh YouTube Trường Quân TQ97 Gaming

Chỉ khi có những sự vụ ầm ĩ như vừa qua, dư luận mới giật mình (như nhiều lần đã "giật mình" trước đó) với nội dung bẩn, nhảm nhí đang tồn tại một cách tràn lan, vô tội vạ.

Từ việc xử lý youtuber Thơ Nguyễn, có thể thấy cơ quan chức năng vẫn bị động trong việc kiểm soát nội dung trên môi trường mạng. Các trường hợp sai phạm chỉ bị phát giác khi chuyện đã rồi, nội dung đã được phát tán rộng rãi. Khi chưa có cơ chế tiền kiểm, thì chắc chắn nội dung xấu, bẩn vẫn có đất sống khi việc phát hành nội dung trên mạng hiện đang rất dễ dàng.

Dư luận có thể góp phần vào việc kiểm soát nội dung trên môi trường mạng, nhưng đó không phải là nhiệm vụ của họ. Việc quản lý phải đi từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, nơi có thể kiểm soát hành vi của người dân thông qua những luật định cụ thể.

Bố mẹ có thể tải ứng dụng YouTube Kids về để chọn lọc chương trình cho trẻ. Đây là ứng dụng về cơ bản có thể loại bỏ mọi nội dung đã được giới hạn độ tuổi (chỉ có tác dụng khi youtuber thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo hạn chế đối tượng xem clip).

Ngoài ra, phụ huynh có thể cài đặt và tắt chức năng "cho phép tìm kiếm", trẻ sẽ chỉ có thể xem những video mà bố mẹ cho là an toàn. Tuyệt đối không để trẻ sử dụng cùng tài khoản với người lớn, đây là cơ hội để trẻ tiếp cận những nội dung nhạy cảm.

Khi người dùng xem video hướng đến người lớn, YouTube sẽ tự động đề xuất những nội dung liên quan. Do đó, khi trẻ xem bằng tài khoản của người lớn, sẽ gặp được những đề xuất không phù hợp.

Để tự tạo “bảo hiểm” cho mình, các youtuber cũng dán nhãn cảnh báo, khuyến cáo người xem không nên thực hiện với một số nội dung. Nhưng điều đó ý nghĩa gì khi đã có quá nhiều hậu quả đau lòng xảy ra từ việc bắt chước nội dung từ môi trường mạng. Chẳng hạn chuyện cách đây không lâu, một học sinh lớp Chín tự chế tạo pháo theo hướng dẫn trên YouTube đã khiến em bị cắt cụt bàn tay, hay một em bé năm tuổi bắt chước treo cổ dẫn đến thiệt mạng. 

Các công ty, đơn vị cung cấp các nền tảng đều có cam kết nói không với nội dung bẩn, độc hại, bảo vệ trẻ em… Nhưng những gì đã và đang diễn ra cho thấy họ đã làm không tốt. 

Xu hướng tiếp nhận của người dân cũng là một thành tố cấu thành bộ mặt văn hóa của quốc gia. Có lẽ, đã đến lúc cơ quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể và mạnh tay hơn, đảm bảo sự phát triển lành mạnh trên môi trường mạng. 

Thành Lâm

 


 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI