Tự uống thuốc ngừa COVID-19: Hại mình, hại cả ngành y

22/03/2020 - 23:20

PNO - Người dân nên ở nhà và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống được khuyến cáo, không tự ý uống bất cứ thứ thuốc nào để trị hay ngừa COVID-19.

Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội trên toàn cầu, thông tin Trung Quốc đánh giá việc sử dụng thuốc Favipiravir chữa trị hiệu quả trên các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ở Vũ Hán và Thâm Quyến khiến nhiều người dân xôn xao; tuy nhiên, loại thuốc này chưa có trên thị trường.

Cơn sốt "săn lùng" thuốc phòng bệnh COVID-19 bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn khi Tổng thống Mỹ khẳng định hiệu quả của thuốc đặc trị bệnh sốt rét đối với COVID-19.

"Săn" thuốc sốt rét để "phòng COVID-19"

Một nhà thuốc tây tại Q.10 (TPHCM) liên tục từ chối khách hỏi mua thuốc trị sốt rét tăng nhanh đáng kể trong các ngày 21 và 22/3. Ảnh: Quốc Ngọc
Một nhà thuốc tại quận 10, TPHCM cho biết, khách hỏi mua thuốc trị sốt rét tăng nhanh đáng kể trong các ngày 21 và 22/3. Ảnh: Quốc Ngọc

Trong hai ngày 21 và 22/3, tại các nhà thuốc tây trên địa bàn quận 3 và quận 10, TPHCM, các nhân viên bán hàng cho hay đã xảy ra hiện tượng khá nhiều người đến hỏi mua thuốc điều trị bệnh sốt rét. Hầu hết các nhà thuốc đều “lắc đầu” vì đây là thuốc kê toa và phần lớn không có hàng từ lâu.

Đây là điều giới chuyên môn cực kỳ lo ngại, nhất là khi tại Hà Nội, một người đàn ông 44 tuổi đã uống khoảng 15 viên thuốc sốt rét để “dự phòng COVID-19” vì nghe theo “lời khuyên” trên mạng. Hậu quả, bệnh nhân có dấu hiệu ngộ độc như tụt huyết áp, nôn, lơ mơ…

Sau khi được cấp cứu ban đầu, rửa ruột và có dấu hiệu ổn định, gia đình chuyển bệnh nhân tới Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục theo dõi, điều trị. Đây có thể là trường hợp ngộ độc đầu tiên do uống thuốc sốt rét với hy vọng “phòng ngừa” virus trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM về việc dùng thuốc điều trị sốt rét trong phòng ngừa COVID-19, bác sĩ Phạm Chí Kiên (Pháp) cho hay, thông tin về việc sử dụng thuốc này đã được nhắc tới từ đầu mùa dịch COVID-19, khởi nguồn từ Bệnh viện Đại học IHU, Marseille của Pháp.

“Đây là một loại thuốc đặc biệt dùng để điều trị sốt rét. Đặc tính dược động học của chất chloroquine có trong thuốc điều trị sốt rét là có thể vào trong tận tế bào hồng cầu và tế bào gan, nơi ẩn náu của ký sinh trùng sốt rét Plasmodium, nhằm tiêu diệt nó. Đó là cơ sở khoa học để người ta thử nghiệm nghiên cứu dùng chloroquine trong điều trị COVID-19” - bác sĩ Kiên nói.

Ngoài ra, chất chloroquine còn được dùng cho một số bệnh tự miễn, ví dụ bệnh lupus ban đỏ. Tuy nhiên, đây là một loại thuốc mang độc tính khá cao, mọi chỉ định sử dụng vô cùng khắt khe và phải có sự kiểm soát của bác sĩ điều trị.

“Người dùng thuốc chứa độc tính chloroquine lâu dài có thể bị mù mắt do tổn thương võng mạc, có thể bị điếc tai, động kinh co giật, nhược cơ, yếu liệt, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa… Ngoài ra, thuốc còn có các phản ứng ngoài da và niêm mạc như sốt, nóng trong họng, viêm đỏ mặt dưới lưỡi, phát ban đỏ ngoài da, thậm chí phồng rộp, bong tróc da” - ông Kiên cho hay.

Theo bác sĩ, không nên dùng thuốc này cho các bệnh nhân vẩy nến, rối loạn chuyển hóa porphyria, bệnh gan vì có thể gây tử vong do suy gan cấp. Những người nghiện rượu, động kinh hoặc các rối loạn co giật và tiền sử gặp các vấn đề về tầm nhìn hoặc thính lực cũng bị cấm chỉ định. Người thiếu hụt glucose-6 (G6PD) cũng tuyệt đối không dùng vì có thể gây xuất huyết trầm trọng.

“Đó là chưa kể, chloroquine đặc biệt có khả năng tương tác với rất nhiều loại thuốc khác nhau. Những tương tác này có thể làm giảm tác dụng của thuốc đó hoặc làm tăng tác dụng phụ, độc tính của thuốc. Vì thế trước khi dùng chloroquine, bác sĩ điều trị phải kiểm soát tất cả bệnh lý mà bệnh nhân có, các loại thuốc mà họ đang sử dụng. Tóm lại, có thể nói chloroquine là thuốc độc. Trong lịch sử Việt Nam đã có rất nhiều trường hợp dùng chloroquine để tự tử và đa phần đều không cứu được” - bác sĩ Kiên nhấn mạnh.

Đối với thuốc Favipiravir, theo bác sĩ Bùi Quang Vinh - Trường Đại học Y Dược TPHCM, bản chất cũng giống như remdesivir là các axit nucleotide giả của chuỗi RNA và DNA, khiến virus không thể nhân lên được, nhằm mục đích làm chậm sự phát triển của nó trong cơ thể. Thuốc này chỉ có hiệu quả khi phát hiện bệnh sớm trong 48 - 74 giờ đầu sau khi có triệu chứng. Một khi virus đã phát tán quá nhiều trong cơ thể, thuốc xem như không tác dụng.

Không tự ý dùng bất cứ thuốc gì để phòng ngừa COVID-19

Ngoài việc điều trị sốt rét và các bệnh tự miễn, có thể nói chloroquine không được sử dụng nữa. Nó đã “vắng bóng” trong các hiệu thuốc và trong toa thuốc của các bác sĩ từ lâu. “Chloroquine trở lại” là khi được các bác sĩ của Bệnh viện Đại học IHU Marseille nghiên cứu. 

Mục tiêu của các nhà nghiên cứu là sử dụng chloroquine - một loại thuốc đã biết rõ về tác dụng, tác dụng phụ, các tương tác thuốc... hòng đỡ mất công tìm kiếm.

Theo bác sĩ Kiên, ngay từ đầu dịch, việc sử dụng thuốc chloroquine đã được thử nghiệm tại Bệnh viện Đại học IHU Marseille nhưng khi đó, số mẫu thử trên bệnh nhân còn rất ít vì dịch chưa bùng phát ở Pháp. Do đó, việc thử nghiệm bị chính quyền Pháp loại bỏ. Đó là lý do trong một thời gian không thấy nhắc đến vấn đề này ở Pháp nữa.

“Thế nhưng, khi thử nghiệm thuốc này trên bệnh nhân bị nhiễm ở Trung Quốc cho thấy, thực tế là chloroquine ức chế sự phát triển của SARS-CoV-2, mang lại lợi ích lâm sàng là giúp người bệnh mau lành và giảm lây nhiễm” - bác sĩ Kiên nói.

Đặc biệt, khi sử dụng dẫn chất của chloroquine là hydroxychloroquine, ghi nhận trên mẫu gồm 36 bệnh nhân, với 20 người được sử dụng hydroxychloroquine (trong số này có 6 người được dùng kết hợp với kháng sinh azythromycin và số còn lại thuộc nhóm chỉ điều trị triệu chứng). Kết quả, 12,5% bệnh nhân trong nhóm trên khỏi bệnh, 57,1% những người dùng hydroxychloroquine khỏi bệnh; trong đó 6 người được sử dụng kết hợp với azithromycin khỏi hoàn toàn 100%.

“Tuy nhiên, đây chỉ là mẫu nghiên cứu rất nhỏ và đó là lý do theo tôi nghĩ, một thời gian nữa chưa được phép công bố. Dù tôi có đọc đâu đó thông tin các bác sĩ Trung Quốc có nghiên cứu. Giờ đây khi Tổng thống Mỹ tuyên bố cho việc sử dụng chloroquine vào nghiên cứu điều trị, có vẻ như ông muốn tranh thủ cho việc vận động tranh cử.

Điều đáng nói tại Việt Nam hiện nay, khi người dân tự ý mua thuốc trị sốt rét và mua được để sử dụng thì quá nguy hiểm. Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược cần có biện pháp kiểm soát. Nếu không, khi đang căng mình chống dịch COVID-19 chưa xong, ngành y lại phải “lãnh quả” với việc chống độc cho nạn nhân sử dụng chloroquine bừa bãi.

Với người dân, lời khuyên từ các nhà chuyên môn là “ngồi yên ở nhà, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống được khuyến cáo”.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI