Từ ngày 23/4, các phòng khám tư tại TPHCM được phép khám bệnh trở lại

22/04/2020 - 21:13

PNO - Sau 22 ngày phải tạm ngưng hoạt động, tất cả các phòng khám chuyên khoa tư nhân được khám, chữa bệnh trở lại vào ngày mai, 23/4.

Một phòng khám tư nhân dán bản thông báo tạm ngưng hoạt động ngày 30/3
Một phòng khám tư nhân dán bảng thông báo tạm ngưng hoạt động vào ngày 30/3

Tối 22/4, trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, sau khi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đưa TPHCM ra khỏi nhóm nguy cơ cao và thời gian cách ly xã hội được tháo gỡ, Sở Y tế cho phép các phòng khám tư nhân được khám, chữa bệnh trở lại phục vụ người dân từ ngày 23/4.

Trước đó, vào ngày 30/3, Sở Y tế TPHCM đã gửi công văn khẩn, yêu cầu các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, phòng khám chuyên khoa tư nhân (trừ trường hợp cấp cứu)... phải tạm ngưng hoạt động để cùng thành phố chống dịch COVID-19.

Như vậy, sau 22 ngày phải tạm ngưng hoạt động, tất cả các phòng khám chuyên khoa tư nhân được khám, chữa bệnh nhưng phải tuân thủ Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19 do Sở Y tế TPHCM ban hành.

Bộ tiêu chí này gồm 34 tiêu chí thuộc 10 nhóm nguy cơ rủi ro để ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Sở Y tế TPHCM cho phép các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tư nhân chưa đăng ký tham gia tiếp nhận người bệnh nghi nhiễm COVID-19 chỉ cần thực hiện 26 tiêu chí; các phòng khám đa khoa, trạm y tế là 24 tiêu chí, các phòng khám chuyên khoa chỉ 19 tiêu chí.

10 nhóm nguy cơ rủi ro khác nhau có thể xảy ra:

1. Mật độ người đến cơ sở khám chữa bệnh và công tác tổ chức, kiểm soát chặt chẽ nhằm phát hiện người có yếu tố nguy cơ để được khám sàng lọc ngay;

2. Tổ chức buồng khám sàng lọc đối với người có yếu tố nguy cơ;

3. Tổ chức buồng cấp cứu sàng lọc tại khoa Cấp cứu đối với tất cả người vào khoa Cấp cứu;

4. Giữ khoảng cách tối thiểu trong môi trường khám chữa bệnh;

5. Tổ chức khu vực cách ly để thu dung điều trị người nghi nhiễm COVID-19;

6. Triển khai công tác vệ sinh, khử khuẩn;

7. Chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nhân viên, tổ chức làm việc phù hợp với yêu cầu của công tác chống dịch COVID-19;

8. Quản lý thông tin của người nghi nhiễm/người nhiễm COVID-19;

9. Kết nối tuyến trên để được tư vấn chuyên môn và hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người bệnh về phòng, chống dịch COVID-19;

10. Sử dụng phương tiện phòng hộ.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI