Từ một chấm đen nhỏ, phải cắt cụt ngón chân

08/05/2025 - 17:58

PNO - Từ một chấm đen nhỏ xuất hiện nhiều năm trước, bệnh nhân ngoài 60 tuổi phải cắt cụt ngón chân vì bất ngờ phát hiện ung thư.

Tổn thương ung thư lan tỏa sau nhiều năm không điều trị, khiến người phụ nữ phải cắt bỏ một ngón chân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tổn thương ung thư lan tỏa sau nhiều năm không điều trị khiến người phụ nữ phải cắt bỏ một ngón chân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nhiều năm trước, bà N.T.K. (68 tuổi, ở Hà Nội) có 1 chấm đen ở rìa bàn chân trái. 1 năm trở lại đây, mảng đen to dần nhưng không đau, ngứa. Bệnh nhân đã đến phòng khám tư nhân và được xử lý cắt bỏ toàn bộ tổn thương. Sau đó khoảng 3 tháng, vùng tổn thương cũ xuất hiện trở lại nốt đen, nốt này to nhanh, ở giữa loét chảy máu.

Qua thăm khám, bác sĩ Vũ Nguyên Bình - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) - đánh giá, tổn thương là mảng tăng sắc tố vùng bờ ngoài bàn chân trái, kích thước 4x3cm. Đáng lưu ý, bờ của vùng tổn thương không đều, bề mặt đóng vảy tiết bẩn. Bệnh nhân cũng mắc một số bệnh như tăng huyết áp, sỏi thận…

Sau khi xét nghiệm cận lâm sàng chuyên biệt, kết quả chụp trùng khớp với chẩn đoán lâm sàng của bác sĩ là ung thư tế bào hắc tố.

Bệnh nhân được chỉ định cắt bỏ rộng vùng tổn thương (cách bờ tổn thương 2cm). Vì tổn thương nằm ở vị trí sát ngón út. Để đảm bảo an toàn bác sĩ đã phẫu thuật cắt cụt ngón út chân trái. Sau đó, tổn thương được làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác định mức độ xâm lấn của tế bào ung thư.

May mắn, ung thư chưa xâm lấn quá sâu tại vùng tổn thương và cũng chưa có dấu hiệu di căn hạch cửa. Bệnh nhân được ghép da che phủ lại vùng khuyết da sau khi cắt bỏ tổn thương ung thư.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Trung ương - khuyến cáo, hằng năm, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân với tổn thương và chẩn đoán tương tự bệnh nhân này.

Do đó, khi phát hiện các tổn thương tăng sắc tố (màu nâu, đen) vùng gan bàn tay, gan bàn chân, người dân cần đến ngay cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Vì các tổn thương tăng sắc tố ở các vùng này có tỉ lệ ung thư lớn và mức độ ác tính cao.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI