Từ khi nào thưởng tết trở thành… cuộc đôi co giữa những người thầy?

08/01/2020 - 10:57

PNO - Có lẽ là từ khi có Nghị định 43, các đơn vị được quyền “chia” số tiền kết dư được sau một năm gói ghém, thì câu chuyện dòm ngó nhau, so bì, kiện tụng về việc “chia khoản tiền này như thế nào” chưa hề yên ả…

Nghề giáo không có thưởng tết hay lương tháng 13, nên lâu nay, với giáo viên (GV) ở TP.HCM, khoản tiền thu nhập tăng thêm thường được kết dư trước tết Nguyên đán được mặc định là thưởng tết của GV.

Khoản tiền này ở mỗi đơn vị không giống nhau, có trường vài chục triệu đồng nhưng cũng có GV bật khóc ngay tại cuộc họp hội đồng sư phạm khi nghe thông báo chỉ được “thưởng tết” 500.000 đồng. Thời buổi này thì 500.000 đồng sẽ mua sắm được gì cho ngày tết? Độ vênh lớn giữa các trường dẫn đến bức tranh đối lập ngày cuối năm: người vui, kẻ ngậm ngùi.

Trường mầm non Nhật Quỳnh chi thưởng tết giảm dần khiến giáo viên bức xúc
Trường mầm non Nhật Quỳnh (Q.Gò Vấp) chi thưởng tết giảm dần khiến giáo viên bức xúc

Đó là khoản tiền kết dư từ việc sử dụng tiết kiệm văn phòng phẩm, điện nước, cộng các khoản phúc lợi… Sau khi trừ các khoản dành cho hoạt động của một năm, còn dư lại bao nhiêu, nhà trường mới tính toán, chia thu nhập tăng thêm cho GV, cán bộ của trường.

Tùy vào điều kiện, khả năng “gói ghém” của từng trường mà các mức thưởng không giống nhau và cách chia vì thế cũng khác nhau. Có thể ngay trong một trường, người biên chế thì phấn khởi, kẻ làm lao động hợp đồng buồn “thúi ruột”. Dù, ở vị trí của mình, họ đã cố gắng đóng góp lớn nhất nhưng có khi thưởng tết chỉ… hương hoa. Rồi, GV trường A có xuất sắc hơn GV trường B đâu, sao thưởng tết lại gấp nhiều lần thế?…

Chính sự chênh lệch của cái gọi là khoản thưởng tết này đã dẫn đến những cuộc so bì không hồi kết giữa GV các trường; là “cuộc chiến” không khoan nhượng giữa những người thầy trong cùng một ngôi trường bình thường gọi nhau là đồng nghiệp. Gần tết, các cơ quan chức năng nhận được vô số câu hỏi về thu nhập tăng thêm. Kiểu như: vì sao trường tôi lại thấp nhất trong quận? Một hiệu trưởng từng cảm thán: tỷ lệ hiệu trưởng đột quỵ ngày càng cao, mà có lẽ cao nhất là vào mùa tất toán tài chính cuối năm. Lo lắng, nói chính xác hơn là sợ, sợ thật sự. Thời điểm này, các thầy cô sẽ nhìn ngó nhau. Chỉ cần thu nhập tăng thêm giảm thì chắc chắn sẽ bị “tố”.

GV thắc mắc vì sao thưởng ít, nhà quản lý bận bịu tính toán để chia nhau nhiều hơn nhưng có ai băn khoăn liệu tiền từ đâu mà có không? Theo một nhà quản lý, việc tiết kiệm từ nguồn đầu tư ngân sách để chia là con dao hai lưỡi. Giải bài toán này không nằm ngoài công thức “khéo co thì ấm”. Việc chia thưởng tết trong trường học như hiện nay chứa những điều bất ổn cần được thẳng thắn nhìn nhận. Đây chủ yếu là tiền ngân sách chi cho tất cả hoạt động của một đơn vị.

Và phải hiểu rằng, để nhận tiền từ ngân sách phải có dự toán cụ thể tất cả, từ số lượng giáo viên, nhân viên, học trò, các hoạt động… và được định giá chi tiết từng mục một. Trường công lập là đơn vị hành chính, vận hành bằng tiền nhà nước. Không cần nói ra cũng biết, tiền ngân sách chi xuống thường sẽ “chặt” hơn nhu cầu. Vậy thì, lấy đâu ra mỗi năm dư vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng ở một đơn vị công lập? Là do tiết kiệm quá tốt hay tăng thu quá giỏi?

Nếu cật lực tiết kiệm, chắc chắn ít nhiều đều ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư cho giáo dục. Hay tích cực tăng thu từ các khoản khác như học kỹ năng ngoại khóa, cho thuê mặt bằng, sân bãi… Hay, đến các trang thiết bị cơ bản nhất trong trường học cũng được đẩy về cho phụ huynh lo với danh nghĩa tự nguyện? Dù bằng cách nào thì trường học đang gánh những nhiệm vụ ngoài giáo dục để tăng thu nhập. Và những người thầy, đã từng, vì câu chuyện thưởng tết mà ít nhiều đánh mất niềm tin nơi nhau. 

Tiêu Hà

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI