Tiết kiệm + 'làm thêm' = thưởng tết

18/12/2019 - 08:18

PNO - Đây là công thức thưởng tết của nhiều trường học tại TP.HCM. Có thể thấy, nguồn thu nhập tăng thêm từ Nghị quyết 03 chính là “cứu tinh” giúp nhiều thầy cô đón tết sung túc hơn mọi năm.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho biết hiện nhà trường đã có tính toán về các khoản tiền mà giáo viên sẽ nhận dịp tết Nguyên đán 2020. Giáo viên, cán bộ, nhân viên của trường sẽ được nhận ba khoản tiền gồm: thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của Hội đồng nhân dân TP.HCM, thu nhập tăng thêm từ việc tiết kiệm của nhà trường và tiền thưởng tết.

Đón tết “ấm”

Khoản tiền tiết kiệm trong năm tài chính của nhà trường có được, sau khi trừ đi các khoản chi phí, còn lại sẽ chia đều cho các giáo viên, cán bộ và nhân viên, khoảng 3 đến 4 triệu đồng/người. Tiền phúc lợi tết Nguyên đán của trường cũng sẽ chia đều, mỗi nhân sự của trường sẽ nhận 3 triệu đồng/người. Riêng với khoản thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 sẽ tùy thuộc vào công việc, vị trí và năng lực của từng nhân sự mà nhận mức tiền khác nhau.

Tiet kiem + 'lam them'  = thuong tet
Giáo viên tại TP.HCM có thêm khoản thu nhập nhờ Nghị quyết 03 của thành phố - Ảnh minh họa

Như vậy, nếu tính cả ba khoản trên, giáo viên và người lao động của trường này sẽ nhận thấp nhất là 15 triệu đồng/người. Cao nhất là một giáo viên và một phó hiệu trưởng của trường sẽ nhận 32 triệu đồng/người. Ông Phú cho biết: mức thưởng này cao hơn năm ngoái khoảng 3 đến 4 triệu đồng/người. Năm ngoái, người nhận cao nhất cũng chỉ 26 triệu đồng. 

Nhiều giáo viên đang công tác tại Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5) phấn khởi khi hay tin khoản tiền tiết kiệm được kết dư sẽ chia cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên, dao động từ 10-15 triệu đồng/người. Ngoài ra, cũng như các trường học ở TP.HCM, giáo viên trường này còn có thêm khoản thu nhập nhờ Nghị quyết 03.

“Đối với những cá nhân được đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được hưởng một khoản thu nhập kha khá. Nghe tin thôi là anh em phấn khởi lắm rồi. Vất vả làm việc, cuối năm nhận được khoản thu nhập tăng thêm như là sự khích lệ, động viên”, một giáo viên trường này chia sẻ. 

Thay vì gộp lại hết chia một lần vào cuối năm, Trường THPT Trưng Vương (Q.1) chia làm hai đợt “thưởng”: tiết kiệm từ ngân sách sẽ kết toán theo năm tài chính, chia vào dịp cuối năm; các nguồn thu theo năm học sẽ được chia vào tháng Năm - Sáu.

Theo đó, ở đợt thưởng tết này, khoản tiền tiết kiệm từ ngân sách sẽ được kết toán vào khoảng tuần tới. Sau khi kết dư được bao nhiêu sẽ họp để tính toán chia thu nhập tăng thêm cho cả trường. Theo đại diện trường này, Sở GD-ĐT TP.HCM có hướng dẫn các trường tăng cường hoạt động cho học sinh, không nên tiết kiệm quá mức, bởi giáo viên còn được hưởng thu nhập tăng thêm từ Nghị quyết 03. Theo tính toán, khoản tiết kiệm này cũng tương đương năm trước. 

Có thể thấy, nhờ sự năng động cùng cơ chế đặc thù, giáo viên tại TP.HCM được thụ hưởng thu nhập theo đúng kiểu làm nhiều hưởng nhiều, giỏi tiết kiệm sẽ có tết ấm. 

Bài toán thưởng tết được tính như thế nào?

Có thể nói, lời giải của bài toán này phần lớn phụ thuộc vào hiệu trưởng. Nếu tính đúng tính đủ, tiền thưởng tết cho giáo viên thật ra là thu nhập tăng thêm.

Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM có kế hoạch chăm lo tết Canh Tý cho giáo viên và người lao động công tác trong ngành giáo dục TP.HCM. Mỗi nhà giáo, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo tùy theo khả năng tài chính của đơn vị nhưng thấp nhất là 500.000 đồng/trường hợp. Những nhà giáo và người lao động ở ngoài thành phố không về quê, nữ giáo viên, người lao động có chồng, con đang làm nhiệm vụ ở hải đảo, không được về quê ăn tết… được tổ chức họp mặt tạo không khí ấm áp của gia đình. Ai về quê sẽ được hỗ trợ vé xe nghĩa tình…

Trước đây, các trường chỉ có duy nhất một nguồn thưởng tết chính là kết dư từ các khoản của nhà trường rồi chia ra. Có thể hiểu, hằng năm ngân sách rót về theo số học sinh - tính toán trên mọi hoạt động của trường. Trường nào tiết kiệm không dùng hết hay có nơi thêm các nguồn thu... tạo thành khoản kết dư để chi tăng thêm cho đội ngũ. Bây giờ, có thêm nguồn thu nhập tăng thêm từ Nghị quyết 03. 

Ngoài tiền tiết kiệm từ đầu tư ngân sách, các trường tận dụng mọi chỗ để có nguồn thu thêm như cho thuê căng-tin, bãi giữ xe… đưa vào quỹ phúc lợi cho trường. Có ý kiến cho rằng, thu nhập tăng thêm càng cao có nghĩa là trường càng tiết kiệm, “chắt bóp” tối đa các hoạt động của học sinh để dư tiền.

Theo quản lý nhiều trường, đó là quan niệm… lỗi thời, đâu dễ gì “qua mặt” kiểu đó. Hiệu trưởng một trường THPT cho biết: “Ngân sách cấp dựa vào bảng dự toán toàn bộ các hoạt động, thu - chi trong năm học. Khi kết toán, trường không thể cắt xén hoạt động so với dự toán ban đầu.

Cái giỏi của hiệu trưởng hiện nay không chỉ “khéo co” mà chính ở sự năng động. Nếu làm tốt, phụ huynh và Mạnh Thường Quân ủng hộ. Nhiều hoạt động văn nghệ có ca sĩ nổi tiếng tốn cả trăm triệu đồng nhưng để phục vụ đời sống tinh thần học sinh một cách chính đáng thì sẽ có Mạnh Thường Quân ủng hộ”.

Như Trường THPT Nguyễn Du hoạt động theo mô hình trường tiên tiến, giáo viên trường này bình thường đã có thu nhập tương đối khá, người có thâm niên đi dạy lâu nhất có thu nhập khoảng 13 triệu đồng/tháng. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc