Truyện ngắn - Quyển tiểu thuyết

17/08/2020 - 18:43

PNO - “Công lý và tình yêu không phải bao giờ cũng diễn ra trên một phiên tòa"

Những thời điểm mà chúng tôi, hai con người hoàn chỉnh, có chung huyết thống, còn giao tiếp với nhau, ông ấy nói rằng sẽ viết một quyển tiểu thuyết về cuộc đời đau khổ bất hạnh của một ai đó, hình như là vợ ông ấy. Tôi im lặng nhưng mắt thì long lanh mơ mộng và nghĩ thầm “ông ấy thật là tuyệt”.

Tôi biết ông ấy viết lách khá giỏi, dù rằng những thứ ông ấy viết chỉ là những văn bản khô khan, chán ngắt nhưng ít ra cũng không bõ công sức ông ấy chăm chỉ rèn luyện sách đèn, chữ nghĩa. Tuy nhiên, theo tôi quan sát, chắc chắn là tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông ấy ngồi vào bàn, sau đó bật đèn mỗi tối trong thư phòng để viết một quyển tiểu thuyết như ông ấy từng nói. Dĩ nhiên, ông ấy bận rộn rồi. Người làm việc nhà nước hẳn sẽ chẳng có thời gian để viết lách thứ gì đó mơ mộng. Ông ấy còn phải chuẩn bị các loại văn bản cho các sếp.

Dăm ba lần tôi nghĩ là ông ấy có nhiều nỗi niềm bất đắc chí. Chẳng hạn, không thể hoàn thành một quyển tiểu thuyết. Văn chương chỉ là một trò chơi khá mơ mộng của người nhiều chữ. Nhưng cuộc đời thì khắc nghiệt và khô khan như những văn bản hành chính. 

Rồi ông ấy buông thả, lang thang bên ngoài những cánh cửa, tham gia vào một cuộc chơi riêng, kéo dài không tài nào thoát ra được. Hệt như bị lạc vào mê trận nào đó nhạt nhẽo nhất thế gian. 
“Hẳn là ông ấy chưa tìm được cảm hứng để viết”, thỉnh thoảng tôi tự ngụy biện thay, bởi vì tôi vẫn đang chờ đợi quyển tiểu thuyết đó ra đời. 

Khi lớn hơn một chút, tôi không hề có dự định sẽ viết lách thứ gì đó mơ mộng như việc ông ấy đã nói. Tôi tham gia vào một cuộc phiêu lưu khác. Chẳng hạn, xây dựng cái ước mơ mạnh mẽ về một công việc nghĩa hiệp trong tương lai. Ấy thế mà tôi vẫn không thể nào thoát khỏi sự tò mò thắc mắc chuyện ông ấy đã hứa, “quyển tiểu thuyết chưa được ra đời”. 
***

Tôi bắt đầu tập tành viết lách từ năm mười ba tuổi. Tôi nhớ, tôi có bài viết đầu tiên, được in hẳn hoi trong một tập sách thiếu nhi. Dĩ nhiên những gì tôi kể cũng chỉ loanh quanh về hình tượng của một người đàn bà (như bao đứa trẻ con khác) khi được yêu thương chăm sóc lúc ốm đau. Không có gì mới mẻ hơn, không có vẻ giống như một quyển tiểu thuyết mà người đàn ông ấy dự định viết. Sau đó, khi trưởng thành, tôi có thêm nhiều bài viết được đăng báo và đa phần là việc tôi cắt nhỏ trải nghiệm của tôi về những câu chuyện liên quan đến cuộc đời của bà ấy. 

Lúc này, chúng tôi vẫn là hai con người có chung huyết thống. Dĩ nhiên, chúng tôi luôn luôn có chung huyết thống. Chẳng cần phải bàn cãi. Trong khi tôi chỉ là một cô nữ sinh mười bảy bẻ gãy sừng trâu, khá mơ mộng không biết gì về thế giới phức tạp bên ngoài, ông ấy vẫn đang là một vị luật sư chưa có danh tiếng. Tôi nhớ, ông ấy tham gia rất nhiều phiên tòa dân sự từ cấp huyện, rồi sau đó dần dần được mời lên tỉnh nhiều hơn. Một lần duy nhất, khi còn bé, tôi được cho đi theo đến phiên tòa xử vụ án kiện cáo chặt chém trâu bò gì đấy. Dĩ nhiên tôi chẳng hiểu gì, ngoài cái hình ảnh mà tôi khá thích thú khi thấy ông ấy ngồi chễm chệ oai phong trên dãy bàn của bồi thẩm đoàn. 

Năm chuyển cấp lần thứ nhất, tôi nuôi ước mơ ngồi lên dãy bàn bồi thẩm đoàn như ông ấy. Năm chuyển cấp cuối cùng của cuộc đời học trò, tôi vẫn mộng mơ về việc bảo vệ công lý, về việc được khoác chiếc áo thụng đen và ngồi trên dãy bàn bồi thẩm đoàn. Tôi muốn học luật, tôi nói với ông ấy thế, khi cầm bộ hồ sơ đăng ký thi đại học. Ông ấy cợt nhả, thậm chí gằn giọng, cấm đoán rằng, thì, là, mà. Sau đó, ông ấy quyết liệt ngăn cản nhưng vẫn cho phép tôi đăng ký nguyện vọng hai. Cuộc đời có những ngã rẽ thật lạ kỳ. Tôi không thích và chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ đứng trên bục giảng. Đó là nghề ông ấy chọn cho tôi. Vậy là tôi bỏ ngang sau vài năm dạy học.

Tôi không trở thành luật sư, tôi không được ngồi trên dãy bàn bồi thẩm đoàn như ông ấy thời trẻ. Tôi trở thành người viết. Những thứ tôi viết thể nào cũng loanh quanh về câu chuyện cuộc đời của một người đàn bà đặc biệt. Ông ấy vẫn chẳng viết gì, ngoài những cơn say quen thuộc mỗi lần xong một vụ án. Và dĩ nhiên, chẳng có quyển tiểu thuyết nào ra đời. 
***
Người đàn bà ấy, theo tôi quan sát, có đôi mắt sụp xuống. Nỗi buồn choáng ngợp cả thế giới. Nỗi buồn đó len lỏi vào mắt tôi, nằm yên ngoan ngoãn, không rời đi nữa. Tôi hỏi: “Tại sao nó nằm lại trong mắt tôi?”. Bóng tối im lặng. Bà vui chuyện kể lể về một thế giới ngôn tình từ những quyển tiểu thuyết khi tôi còn đang hoài thai trong bụng bà. Dăm bận, khi còn nhỏ, tôi thấy bà viết nhật ký. Hết quyển vở học trò này đến quyển vở khác. Hoặc có khi bà dùng cả những quyển sổ bọc da màu đen, dọc ngang khá nhỏ nhưng chữ thì to và loằng ngoằng rất khó đọc bởi bà… là bác sĩ.

Tôi rất ghét việc phải bắt gặp ai đó viết nhật ký. Lại càng ghét tính tò mò của con người. Tôi chẳng vô tình đâu. Tôi đã cố ý lục lọi và đọc được nhật ký của bà. Chúng, những dòng chữ ngoằn ngoèo to nhỏ, nghiêng nghiêng như lau lách thật sự chỉ toàn những ngôn từ đau khổ đầy chết chóc. Thậm chí bà còn nhắc nhiều đến việc muốn tự sát. Tôi không muốn phải nghĩ đến chuyện tự sát. Cái chết như thế thật vô duyên. 

Nhiều lần, tôi chỉ muốn những quyển nhật ký đó biến mất đi. Hoặc là bà ấy nên cất giấu chúng thật kỹ, đừng để tôi tìm thấy trong ngăn tủ, dưới đáy va-li quần áo trong căn phòng chật chội chẳng hạn. Trẻ con thường tò mò.
Tôi bị ám ảnh về những quyển nhật ký. Nỗi đau khổ kiểu đàn bà. Nó giống như những nhát dao cứa nhẹ nhàng vào tâm hồn một đứa bé nhạy cảm và mau nước mắt. Mỗi lần vô tình lật mấy trang nhật ký đó, tôi như được xem lại những cảnh quay của một cuộn phim trắng - đen buồn bã. Ký ức xám xịt. 

Mười hai tuổi, tôi viết những dòng nhật ký đầu tiên bằng nét chữ chưa được cứng cáp và duy trì việc đó cho đến gần hết thời trẻ dại. Tôi vẫn bị ám ảnh về ý nghĩ tự sát trong những quyển nhật ký khác. Dần dần ý nghĩ ấy xuất hiện ngay trong nhật ký của tôi. Những người cùng huyết thống với tôi chẳng hề hay biết gì. 

Một lần, tôi bắt gặp ông ấy trầm lặng, tìm kiếm và im ắng nơi góc làm việc. Trên bàn có một quyển sổ ô ly nhỏ. Tôi nghĩ, hẳn là ông ấy đang viết tiểu thuyết. Tôi cứ mong chờ một quyển tiểu thuyết của ông luật sư bỏ cuộc chơi sớm, mòn mỏi.

Sau đó, tôi nghe tiếng lật trang giấy sột soạt. Có thể nào, ông ấy đang đọc một thứ gì đó, những quyển nhật ký không được cất giấu kỹ chẳng hạn… Giá tôi dám tò mò liếc nhìn vào chiếc bàn ông ấy đang ngồi đọc. Tôi nhớ, nhật ký của tôi đã được cất giấu rất kỹ. Sẽ chẳng ai biết tôi nghĩ gì, năm tôi mười hai tuổi, mười lăm tuổi. Mười sáu tuổi, tôi đã rời khỏi căn nhà buồn như mùa đông xám lạnh ấy rồi. 

Sau này, khi tôi lấy chồng, thỉnh thoảng đoàn tụ gia đình, con cháu hoặc trong cơn say lảo đảo, tôi lại nghe ông ấy nói về việc sẽ viết một quyển tiểu thuyết. Tôi chỉ cười mỉm. Tôi đã ra được vài quyển sách. Tôi đã trở thành một người viết chuyên nghiệp. Nhưng, tôi mông lung với ý nghĩ viết một quyển tiểu thuyết. Quá khó để tôi đối diện với cuộc đời thật hơn cả tiểu thuyết hoặc chỉ một vết sẹo bỏng trên mu bàn tay người đàn bà ấy.

Chẳng có quyển tiểu thuyết nào về bà ấy ra đời. Ông luật sư vẫn bận bịu với những chuyến phiêu lưu vô định, không mục đích bên ngoài cánh cửa dù rằng ông ấy đã bỏ nghề. Ông ấy sáu mươi. Những người trẻ như tôi cũng bắt đầu già đi. Những người già thì dường như đang trẻ lại. Vẫn chẳng có quyển tiểu thuyết nào ra đời. Ông ấy lãng đãng mở thêm một cánh cửa khác. Người đàn bà có vết sẹo bỏng trên mu bàn tay không viết nhật ký nữa, mà chăm chỉ kinh kệ, luôn miệng nói về tình yêu và lòng vị tha. 

Tôi nhớ, hồi trẻ, người đàn ông đó từng nghiện thuốc lá. Sau này ông ấy cai. Ngược lại, bà bác sĩ cũng bắt đầu len lén hút thuốc lá khi hồi xuân. Bất giác tôi nghĩ đến thần chết. Tôi ngại ngần việc đối diện với những cơn đau hoặc nhớ về thứ ký ức xấu xí, về ý định tự sát của những quyển nhật ký. 

Tôi dĩ nhiên vẫn cùng chung huyết thống với ông ấy. Nhưng tôi không ngồi chung mâm cơm đã mấy tháng nay rồi. Tôi sợ phải đối diện với một cánh cửa khác trong mắt ông luật sư. Bà bác sĩ thì vẫn cơm bưng nước rót rất tử tế. Dĩ nhiên, vì thế mà ông ấy không bao giờ có cơ hội nói với tôi ý tưởng viết một quyển tiểu thuyết nữa. Tôi gay gắt phán xét đạo đức, nhân phẩm con người sau sáu mươi năm. Tôi tìm cách để truy dấu vết của một cánh cửa khác. Nhưng sau đó, tôi nghĩ, có lẽ không cần phải làm vậy. Bà bác sĩ vẫn im lặng, tiếp tục việc kinh kệ và lẩm bẩm dạy tôi về tình yêu cùng với lòng vị tha.

Có lần, tôi nói với chồng, rằng tôi sẽ viết một cái gì đó, một quyển tiểu thuyết thay ông ấy. Vậy nhưng chồng tôi lại bảo: "Chừng nào em đối diện được với vết sẹo bỏng trên mu bàn tay của người đàn bà đau khổ kia thì hãy bắt đầu viết". 

Tôi sợ phải vẽ lại nó. Tôi cần lòng can đảm để vẽ lại nó. Những năm tháng này, hình ảnh về một vị luật sư oai phong ngồi ghế bồi thẩm đoàn của ông luật sư ngày xưa tan biến hết. Công lý trong tình yêu cũng chỉ là một trò đùa bội phản, gian trá.

Tôi không viết nữa. Tôi vẽ. Những bức tranh về một người đàn bà có vết sẹo bỏng trên mu bàn tay liên tục xuất hiện dưới các hình hài khác nhau. Có một lần thấy bức tranh tôi vẽ, bà nhận ra, đó chính là mình. Bà nói: "Đừng vẽ vết sẹo bỏng này, con người phải có tình yêu thương và lòng vị tha". Tôi nhìn bà, nhìn những bức tranh rồi im lặng đứng dậy rời khỏi giá vẽ. Tuy nhiên, tôi vẫn thì thầm vừa đủ nghe: "Mình sẽ vẽ những bông hồng đỏ như máu vậy".

Tôi không vẽ hoa hồng như tôi nói. Tôi tìm thấy hình ảnh của chính tôi trong bóng tối. Và một cánh cửa lạ. Tôi dự định sẽ làm gì đó. Tôi có một ý tưởng khá kỳ quặc. Tôi dừng việc vẽ vết sẹo bỏng trên mu bàn tay. Tôi bắt đầu thực hiện một dự án khác. Tôi quyết định vẽ những bức tranh về một ai đó bên ngoài cánh cửa. Tôi sẽ gửi bức tranh này cho ông ấy. Ngay chính trong ngôi nhà này. Hẳn là ông ấy sẽ bất ngờ lắm. Người đàn bà có khuôn mặt tròn béo và nhiều lớp son phấn trắng, đỏ chen chúc dưới mớ thịt mỡ. Đôi mắt hẹp cộng thêm cái miệng mỏng môi. Tôi sẽ gửi cho ông ấy. Hoặc tôi cất giấu trong căn phòng riêng buồn bã của tôi và tin rằng sẽ có lúc ông ấy nhìn thấy nó. 

Thật khó khăn cho tôi khi phải học về lòng vị tha, vì chỉ một vài đêm trước, ông luật sư trong cơn say men đã hét toáng lên với bà bác sĩ, trước mặt tôi rằng: "Anh không còn tình cảm với em nữa”. Tôi nhìn ông trừng trừng, rồi nhìn sang sự lặng lẽ đang nhíu mày cúi gằm mặt xuống đất. Bức tường in hẳn những bóng ma. Giá tôi có thể mở miệng ra để nói gì đó. Nhưng tôi không. Tôi biết tôi đang bị mọi nỗ lực của việc học lòng vị tha từ bà bác sĩ đè nát trong tâm tưởng. Quyển tiểu thuyết của ông luật sư đã chết. 

Tôi trở về căn phòng nhỏ khi mọi thứ yên ắng dịu lại. Những cơn đau vô hình đang sờ soạng tôi. Nhân vật bên ngoài cánh cửa và trong bức tranh hệt như một bóng ma cũng đang sờ soạng linh hồn tôi. Trước mặt tôi là tấm toan trắng. Giá vẽ và màu sắc. Tôi sẽ tiếp tục vẽ. Tôi sẽ vẽ thật nhiều những bức chân dung không có vết sẹo bỏng trên mu bàn tay và treo khắp nhà. 

Sau khi hoàn thành bức tranh, tôi lật mặt sau viết bằng dòng mực đỏ, một câu đề từ cho quyển tiểu thuyết của mình: “Công lý và tình yêu không phải bao giờ cũng diễn ra trên một phiên tòa", con gái một vị luật sư đã nói như thế.

Trần Băng Khuê

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI