Trường học tại TPHCM gặp khó trong quy trình xử lý F0, F1

17/02/2022 - 17:36

PNO - Nhiều trường học tại TPHCM đang gặp khó trước các quy định xử lý F0, F1 trong nhà trường, đặc biệt sau tết, dịch có những diễn biến mới.

Nhà trường đang gặp khó 

Thời điểm này, khi học sinh đi học lại sau tết, tại nhiều trường học ở TPHCM số ca nghi nhiễm xuất hiện tần suất cao hơn trước tết.

Đây là dự báo đã được Sở GD-ĐT TPHCM lường trước bởi TP đã gần như bình thường hóa hoạt động dạy và học.

Sở GD-ĐT TPHCM đã đưa ra các khuyến cáo phù hợp về công tác phòng chống dịch trong các nhà trường.

Theo quy định của ngành giáo dục, việc xác định các ca F0, F1 phải do ngành y tế xác định, nhà trường chỉ test tầm soát, khoanh vùng, thông tin đến ngành y tế để được hỗ trợ chỉ định và hướng dẫn phương án phòng dịch phù hợp trong từng tình huống.

Nguyên tắc là vậy song trên thực tế, các trường hiện nay đang gặp khó trong việc xử lý F0, F1.

Tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), theo quan sát của trường, nếu như trước tết, vài ba ngày mới xuất hiện 1 ca học sinh F0 tại nhà thì bây giờ, trung bình mỗi ngày nhà trường ghi nhận từ 1-2 ca F0 tại nhà.

Trường học hiện đang gặp khó khó xử lý F0, F1 trong trường
Trường học hiện đang gặp khó khó xử lý F0, F1 trong trường

Hiệu trưởng Nguyễn Đoan Trang cho hay, khi xuất hiện các ca F0 tại nhà hay tại trường, nhà trường sẽ khoanh vùng các học sinh trong lớp có tiếp xúc gần với ca F0, đồng thời khử khuẩn lớp học, báo với phụ huynh.

Áp dụng theo đúng nguyên tắc là nhà trường không được chỉ định các ca F0, F1 mà chỉ ghi nhận thông tin và cung cấp cho y tế địa phương để được hỗ trợ chỉ định, cộng đồng trách nhiệm trong phòng chống dịch với từng trường hợp.

“Cái khó ở đây là khi nhà trường báo với y tế quận thì y tế quận nói phải thông tin với y tế phường vì đây là đơn vị gắn bó nhất. Khi nhà trường báo với y tế phường thì y tế phường nói trước giờ quy trình xử lý F0, F1 trong nhà trường thế nào thì cứ áp dụng như thế. Ngành y tế chỉ hỗ trợ công tác phòng dịch của trường còn việc chỉ định F0, F1 thì cần có văn bản”, hiệu trưởng này chia sẻ.

Theo cô Nguyễn Đoan Trang, đến nay giáo viên nhà trường rất chủ động và dứt khoát trong kích hoạt quy trình xử lý F0, F1 trong trường.

Chỉ khác là, thay vì chỉ định đó là trường hợp F0, F1 thì nhà trường thông tin với phụ huynh rằng đó là những ca nghi nhiễm, ca có tiếp xúc gần ca nghi nhiễm để phụ huynh tầm soát và chủ động báo với y tế địa phương nếu xuất hiện 2 vạch test nhanh để ngành y tế có hướng dẫn cụ thể.

Tương tự, tại một trường tiểu học ở TP. Thủ Đức, khi xuất hiện ca F0 là học sinh lớp 1 được phụ huynh báo về, nhà trường cũng đã ngay lập tức kích hoạt quy trình xử xử lý F0, F1, đảm bảo an toàn phòng dịch.

Tuy vậy, do đặc thù học sinh lớp 1 chưa tiêm vắc xin nên việc xét nghiệm tầm soát chỉ được thực hiện khi có sự đồng thuận của phụ huynh và do chính bác sĩ có chuyên môn thực hiện.

Nhiều phụ huynh chủ quan hơn trước 

Hiệu trưởng một trường THCS ở Q. Bình Thạnh cho biết, công tác phòng dịch sau tết được nhà trường quán triệt trong từng ngày, thậm chí là từng buổi học.

Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) giữ liên hệ thông suốt, thường xuyên với phụ huynh, nhắc nhở phụ huynh thông báo kịp thời tình trạng sức khỏe của con em mình và các thành viên trong gia đình. Nếu trẻ hoặc người thân sống cùng trẻ hay người mà trẻ có tiếp xúc gần có các biểu hiện của dịch COVID-19 thì nên ở nhà, theo dõi y tế.

“Phần nhiều các ca F0 đều được phát hiện tại nhà do phụ huynh báo. Nhiều phụ huynh chủ quan, không nắm bắt tình hình sức khỏe của con. Thậm chí, người thân trong gia đình nhiễm nhưng vẫn để con đi học, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của trường”.

Phân tích sâu các ca nhiễm trong nhà trường thời gian qua, cô Nguyễn Đoan Trang cho hay, chủ yếu là có yếu tố dịch tễ như gia đình có người nhiễm hoặc nghi nhiễm (biểu hiện của bệnh) hoặc trước đó các em đã có biểu hiện dịch tễ nhưng không nói ra. 

Nhiều phụ huynh đang có tâm lý chủ quan trong phòng dịch tại trường
Nhiều phụ huynh đang có tâm lý chủ quan trong phòng dịch tại trường

“GVCN thường xuyên nhắn phụ huynh là gia đình có F0 thì học sinh  phải ở nhà nhưng một số phụ huynh vẫn còn chủ quan. Hiện tại, nhà trường tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền sâu trong cả phụ huynh và học sinh về 5K, đặc biệt là khẩu trang, khoảng cách, khai báo y tế. GVCN, giáo viên bộ môn, nhân viên  tăng cường giám sát, nhắc nhở học sinh", Hiệu trưởng Nguyễn Đoan Trang bày tỏ.

Để công tác phòng dịch sau tết đạt hiệu quả, việc dạy và học được ổn định, Phó giám đốc Sở GD- ĐT TPHCM Dương Trí Dũng yêu cầu các trường đẩy mạnh, làm sâu hơn nữa công tác tuyên truyền trong học sinh và phụ huynh về các biện pháp phòng dịch của trường. 

Trong bối cảnh hoạt động dạy và học hiện nay tại TP đang dần bình thường hóa, lãnh đạo Sở yêu cầu ý thức phòng dịch trong từng thành viên nhà trường từ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh phải được thực hiện đồng bộ, liên tục. 

Sở Y tế TPHCM đã có văn bản gửi Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức và các quận, huyện về việc hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 cho các cơ sở giáo dục khi đưa vào hoạt động trở lại.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức và các quận, huyện hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện vệ sinh khử khuẩn trước khi đưa vào hoạt động trở lại; hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho cán bộ phụ trách công tác lấy mẫu xét nghiệm của trường; phối hợp thực hiện xử lý các ca bệnh COVID-19 tại trường học khi có thông báo từ cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện, Sở Y tế TP yêu cầu, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ảnh là về Sở Y tế để phối hợp giải quyết.

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI