Trường học không thể độc lập tác chiến trong phòng chống dịch

17/02/2022 - 09:50

PNO - Ông Trịnh Duy Trọng- Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM cảnh báo, sẽ có những tình huống phức tạp liên quan đến phòng chống dịch trong nhà trường thời gian tới. Nếu nhà trường cứ độc lập tác chiến có thể giải quyết được trong tình huống A nhưng đến tình huống B có thể thất bại, thậm chí gây ra vấn đề lớn.

Kích hoạt ngay quy trình xử lý F0, F1 khi có nghi ngờ

Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh băn khoăn, nếu nhà trường không được xác định F0, F1 mà chỉ là các ca nghi thì thời điểm xác định ca nghi đó trường học sẽ xử lý như thế nào, cơ sở nào để xử lý bởi phương án phòng dịch được xây dựng áp dụng đối với các ca đã được xác định là F0, F1. 

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM chỉ rõ, khi phát hiện nghi ngờ nhà trường sẽ thực hiện tầm soát, nếu phát hiện dương tính thì kích hoạt ngay quy trình xử lý F0, F1 trong nhà trường, còn việc xác định F0, F1 y tế sẽ hỗ trợ, lực lượng chuyên môn sẽ khẳng định. 

Sở GD và Sở Y tế đang ngồi lại với nhau, bàn và có hướng dẫn cụ thể, điều chỉnh phù hợp với thực tế TPHCM trong quy trình xử lý F0, F1. Tuy nhiên, trong thời gian chờ hướng dẫn mới, các trường tại TP vẫn thực hiện theo QĐ 9038.

Khi có tình huống nghi nhiễm, trường học cần kích hoạt ngay quy trình xử lý F0, F1
Khi có tình huống nghi nhiễm, trường học cần kích hoạt ngay quy trình xử lý F0, F1

Trách nhiệm của cơ sở giáo dục là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, tầm soát các trường hợp nghi ngờ, trường hợp có yếu tố dịch tễ. Trong quá trình kích hoạt quy trình xử lý F0, F1 thì phải có y tế vào cuộc để cùng vận hành. 

Trong QĐ 9038 thì tất cả học sinh trong lớp có F0 là F1. Nhưng thực tế hiện nay, quy định của Bộ Y tế về xác định F1 đã khu trú nhỏ hơn và đã được linh động thực hiện tại một số trung tâm y tế, trạm y tế. 

“Công tác phòng dịch trong nhà trường cần được các trường thực hiện theo 2 bước: bước phòng, xét nghiệm tầm soát các trường hợp nghi ngờ, có biểu hiện và kích hoạt ngay quy trình xử lý F0, F1 khi có học sinh dương tính khi xét nghiệm nhanh. 

Trách nhiệm của Phòng GD-ĐT là khi có đơn vị trường học xuất hiện ca nhiễm thì phải kết nối ngay với trạm y tế phường, xã xuống trường, hỗ trợ trường giải quyết, xác định chính xác các ca F0, F1, đưa ra những chỉ dẫn về mặt y tế thực hiện phòng chống dịch trong từng tình huống cụ thể để nhà trường thực hiện. Trách nhiệm của trường là phối hợp chặt với y tế”, ông Trịnh Duy Trọng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trọng, quy định Bộ Y tế và sổ tay của Bộ GD-ĐT ban hành về xử lý F0, F1 lại có rất nhiều nội dung vênh so với thực tế mà nhà trường đang làm. Nếu TP vận hành đúng thì nếu lớp học bậc mầm non, tiểu học xuất hiện F0, lớp học có thể phải “giải tán” 1 tháng. 

Trước bất cập này, ngành giáo dục đang ngồi lại với ngành y tế để xem đặc thù của TP như vậy, căn cứ vào quy định của Bộ Y tế, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT để ra hướng dẫn mới phù hợp nhất, thay thế QĐ 9038. 

Sẽ có những tình huống dịch phức tạp trong nhà trường

Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Trịnh Duy Trọng thông tin, ngay từ cuối tuần trước, Sở đã có dự báo tình hình và có văn bản yêu cầu các nhà trường tăng cường phòng chống dịch trong trường. 

Ông cảnh báo, sẽ có những tình huống phức tạp liên quan đến phòng chống dịch trong nhà trường thời gian tới. Nếu nhà trường cứ độc lập tác chiến thì có thể giải quyết được trong tình huống A nhưng đến tình huống B mà vận hành tương tự quy trình xử lý tình huống A thì có thể thất bại và thậm chí gây ra vấn đề lớn. 

“Hiện nay, các cơ sở giáo dục hiện đã vận hành trở lại hết, quy mô, số lượng, đối tượng học sinh tăng cao và có tính đặc thù. Trong đó, học sinh từ lớp 6 trở xuống chưa được tiêm vắc xin. Riêng trẻ mầm non đã ăn, ngủ, sinh hoạt trong cùng một lớp, không triển khai được biện pháp đeo khẩu trang. Vì thế, tình hình phòng chống dịch trong các cơ sở sẽ rất phức tạp trong tuần này và các ngày tiếp theo”, ông Trịnh Duy Trọng phân tích.

Dự báo sẽ có những tình huống dịch phức tạp, nếu trường học cứ độc lập tác chiến thì có thể gây thất bại
Dự báo sẽ có những tình huống dịch phức tạp, nếu trường học cứ độc lập tác chiến thì có thể gây thất bại

Đồng thời yêu cầu nhà trường phải lưu ý kỹ, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch và các quy trình hướng dẫn, gắn chặt với y tế để được hướng dẫn, giải quyết trong từng tình huống.

Về kit xét nghiệm cho các cơ sở giáo dục, ông Trọng thông tin, TP sẽ “lo” để các trường yên tâm thực hiện dạy, phòng chống dịch.

Sở Y tế TPHCM yêu cầu y tế địa phương hỗ trợ nhà trường xử lý F0, F1

Ngày 14/2, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản gửi trung tâm y tế về việc cử cơ sở y tế địa phương trực tiếp phụ trách, hỗ trợ cơ sở giáo dục trong các tình huống. Đây là cơ sở pháp lý để nhà trường thêm gắn kết, phối hợp với y tế. 

Ông Trịnh Duy Trọng khẳng định, việc xử lý F0, F1 hiện nay quan trọng nhất là sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục với trạm y tế phải thật chặt chẽ, khi có vấn đề là 2 bên ngồi lại liền.

Việc dạy học trực tiếp trong điều kiện có dịch thì 1 cơ sở giáo dục phải kết nối trực tiếp với 1 cơ sở y tế, từ đó hình thành cộng đồng trách nhiệm trong việc tổ chức, đảm bảo an toàn trong cơ sở giáo dục. 

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI