Ca F0, F1 trong trường học phải do y tế xác định

16/02/2022 - 14:59

PNO - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng chỉ rõ, trường có thể tổ chức test tầm soát học sinh có yếu tố dịch tễ, yếu tố nghi ngờ và báo kết quả cho y tế nhưng F0, F1 phải do y tế địa phương xác định.

Nhấn mạnh này một lần nữa được lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý với các trường tại Hội nghị tập huấn, hướng dẫn, chăm sóc và điều trị trẻ mắc COVID-19 ngày 16/2.

Nhà trường chỉ thu thập thông tin, báo về y tế

Trường chỉ thu thập thông tin, báo cho y tế, việc xác định F0, F1 phải do y tế địa phương
Trường chỉ thu thập thông tin, báo cho y tế, việc xác định F0, F1 phải do y tế địa phương

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng nhìn nhận, việc dạy và học trực tiếp sau kỳ nghỉ tết chắc chắn sẽ có những biến động. Quy trình xử lý F0, F1 trong nhà trường phải được nhà trường phối hợp tuyệt đối với y tế địa phương thực hiện. 

Trường có thể tổ chức test tầm soát học sinh có yếu tố dịch tễ, yếu tố nghi ngờ, báo kết quả cho y tế nhưng F0 phải do y tế địa phương xác nhận. Nếu gặp khó khăn thì báo về Sở GD-ĐT để được phối hợp hỗ trợ xử lý.

“Dù quy định của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT hướng dẫn rất rõ về đối tượng F0, F1 song nhà trường chỉ thu thập thông tin, gợi ý cho y tế để y tế xác định F1, chứ thầy cô, nhà trường không tự mình xác định. Việc xác định F1 là nhiệm vụ của cơ quan y tế”, ông Dũng chỉ rõ. 

Ông Dũng thông tin, tới đây Sở GD-ĐT TP và Sở Y tế sẽ cùng phối hợp, định nghĩa lại, làm rõ một số hướng dẫn trong quy trình xử lý F0, F1. Sau khi xác định học sinh F1, nhà trường phải trả thông tin của học sinh về địa phương. Y tế chịu trách nhiệm theo dõi, xét nghiệm F1 theo đúng quy định. 

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP yêu cầu các trường tiếp tục triển khai hình thức học tập, sinh hoạt học sinh theo nhóm, hạn chế học sinh giao tiếp với nhau. Hình thức này sẽ giúp việc khoanh vùng nhanh, cung cấp thông tin cho y tế kịp thời. 

Nhà trường phải tập trung hơn nữa việc quản lý học sinh, tư vấn truyền thông mạnh hơn nữa để giảm thiểu tiếp xúc giữa học sinh với nhau.

“Việc tầm soát, nắm bắt tình hình học sinh trong mỗi thứ Hai đầu tuần là cực kỳ quan trọng. Bởi các em có hai ngày cuối tuần vui chơi, giao tiếp rộng rãi, nhà trường không thể kiểm soát được. Do đó, nhà trường lưu ý quan tâm thống kê số học sinh có những di chuyển phức tạp hơn ngày thường để nâng cao hiệu quả phòng dịch”, ông Dương Trí Dũng yêu cầu.

Ưu tiên học sinh đầu cấp, học sinh có nguy cơ cao

Khi học sinh trở lại trường, nhà trường cần ưu tiên học sinh đầu cấp, học sinh có yếu tố nguy cơ
Khi học sinh trở lại trường, nhà trường cần ưu tiên học sinh đầu cấp, học sinh có yếu tố nguy cơ

Khi dạy và học trực tiếp, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP nhắc nhở, nhà trường cần đặc biệt lưu tâm đến nhóm học sinh nhỏ tuổi, nhất là những trẻ có yếu tố nguy cơ cao như bệnh nền, béo phì… Sắp tới, ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế sẽ có quy định cho từng nhóm đối tượng để nhà trường có các biện pháp phù hợp. Ví dụ trẻ ngồi ở khu vực nào trong lớp an toàn nhất, theo dõi ra sao, tổ chức nhóm như thế nào trong quá trình các em sinh hoạt tại trường. 

Ngoài ra, ông Dương Trí Dũng cũng yêu cầu nhà trường quan tâm sâu công tác khám sức khỏe cho học sinh khi trở lại trường, đặc biệt với học sinh đầu cấp. Theo ông, đây là công tác quan trọng hỗ trợ hoạt động sàng lọc của trường, giúp hoạt động chia nhóm học sinh học tập hiệu quả. 

“Cách thức tổ chức, chia nhóm ra sao thì tùy vào điều kiện thực tế, năng lực học sinh của từng trường nhưng phải dành ưu tiên cao nhất đối với nhóm học sinh đầu cấp. Bởi đây là những học sinh lần đầu tiên vào trường, nhà trường còn đang thiếu thông tin, qua kênh khám sức khỏe sẽ giúp trường thu thập thông tin đầy đủ hơn, giúp công tác phòng dịch của trường đạt hiệu quả sâu hơn…”, Phó giám đốc Dương Trí Dũng nói. 

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI