Trước là nhắc nhớ, sau là tri ân

16/08/2023 - 06:04

PNO - Tiễn đoàn cán bộ Hội LHPN TPHCM ra cổng, mẹ Lang trở lại phản ngồi, với tay lấy cơi trầu trên chiếc bàn con, bàn tay gân guốc ngoáy trầu, đôi mắt mờ đục nhìn ra đầu ngõ. Tôi ôm lấy dáng dấp của người mẹ đơn chiếc, lọt thỏm trong chiều chạng vạng.

Ngày 13/8, Hội LHPN TPHCM đã tổ chức chương trình về nguồn “Về đất Tiền Giang”. Hoạt động hướng đến kỷ niệm 115 năm ngày sinh Mẹ Việt Nam anh hùng, cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập (10/10/1908 - 10/10/2023).

Đoàn cán bộ Hội LHPN TPHCM dâng hương, dâng hoa tại di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa
Đoàn cán bộ Hội LHPN TPHCM dâng hương, dâng hoa tại di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa

Những bài học năm xưa vẫn còn nguyên giá trị 

Sức khỏe đã yếu hơn ở tuổi 87, nhưng dì Lê Ngọc Thu - con gái cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập - vẫn cố gắng thu xếp để đi cùng đoàn về thăm nhà thờ mẹ mình tại khu di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Chia sẻ với cán bộ, hội viên những ký ức về người mẹ của mình, dì Thu cho biết, thời gian sống cùng mẹ không nhiều, nên những điều mẹ dạy, với dì, đã trở thành lẽ sống theo suốt cuộc đời. 

Cuối năm 1952, bà Nguyễn Thị Thập được lệnh ra Bắc. Trước khi đi, bà bàn với các cán bộ ở đoàn Phụ nữ Nam Bộ đưa đứa con gái duy nhất qua cơ quan Phụ nữ Nam Bộ đóng tại Bạc Liêu để các cô dạy bảo. Lúc đó dì Thu mới 13 tuổi, đang tham gia làm giao liên tại Đồng Tháp Mười.

Về Bạc Liêu, dì được đề nghị học văn hóa cấp II, học đánh máy, dán phong bì, in... để phụ công việc văn phòng. “Thế nhưng, trong suy nghĩ của tôi lúc ấy, có má làm lớn mà tôi phải học chung với mấy anh giao liên và những nhân viên tại đây, nên tôi nhất định không chịu học” - dì Thu nhớ lại.

Nói thế nào cũng không được nên bà Nguyễn Thị Sáu - vợ của chiến sĩ cách mạng Nguyễn An Ninh - mới nói với mấy nhân viên: “Tối mấy đứa chuẩn bị cho má 1 quyển tập với cây bút để chiều mai má đi học”. Nghe vậy, dì Thu ngạc nhiên hỏi: “Ủa, má cũng học hả má?”. “Ờ, phải học chớ con. Học mình mới có trình độ phục vụ đất nước và nhân dân được nhiều hơn” - bà Sáu trả lời. Từ đó, dì Thu mới chịu đi học. 

Dì Lê Ngọc Thu (bìa phải) giao lưu với cán bộ hội về những kỷ niệm với mẹ mình - cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập - ẢNH: THƯ LÊ
Dì Lê Ngọc Thu (bìa phải) giao lưu với cán bộ hội về những kỷ niệm với mẹ mình - cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập - ẢNH: THƯ LÊ

Năm 1954, sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, bà Nguyễn Thị Thập trở về Nam. Khi nghe các cô kể lại chuyện con gái không chịu đi học, bà thủ thỉ với con: “Má làm cách mạng, phục vụ Đảng, phục vụ dân tới nay cảm thấy chưa vừa, chưa đủ. Vậy con đã làm được cái gì cho dân, cho Đảng mà tự cao?”. Dì Ngọc Thu cho biết, câu nói đó đã khiến bà mắc cỡ suốt từ đó cho đến hôm nay đã gần 90 tuổi. 

Sau năm 1954, dì Thu được đưa ra Bắc học văn hóa, nhờ đó dì có cơ hội được sống gần mẹ. Trong ký ức của dì, cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam là 1 người có phong cách lãnh đạo nhẹ nhàng, không “đao to búa lớn” nhưng vô cùng nghiêm khắc.

Có lần, dì chứng kiến việc mấy chị lãnh đạo phòng, ban Trung ương Hội lên thắc mắc chuyện người này được tăng lương mà người kia không được, bà Nguyễn Thị Thập chậm rãi giải thích: “Các đồng chí là trưởng, phó phòng ban của cơ quan, làm tốt mới làm chức đó và ai cũng xứng đáng tăng lương.

Thế nhưng quy định không cho phép tăng 100%. Đồng chí B. có con còn nhỏ, chồng lại công tác xa, còn đồng chí có chồng ở gần, đó là chỗ dựa ấm áp nhất của người phụ nữ. Mình nhường để đồng chí B. lên lương như một cách để đồng chí cảm thấy an ủi, ấm áp mà tích cực, quyết tâm hơn, làm tròn trách nhiệm”.

Dì Thu cho biết, lời giải thích của mẹ khiến sau này đi dạy học, lương dì rất thấp vì nhường mãi cho đồng nghiệp chỉ với lý do mình may mắn có mẹ, có chồng làm chỗ dựa. 

Dì kể thêm, khi làm ở trung ương, cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam được cấp 1 chiếc xe, nhưng bà không bao giờ cho các con đi xe của mình bởi vì “xe được cấp cho má để phục vụ cho Đảng, cho dân nhiều hơn chứ không phải để ngồi lên rồi tự hào, hãnh diện”. “Mình có chức càng cao thì càng phải giáo dục con nền nếp, đó mới là phẩm chất đạo đức của người cán bộ. Phải có tình thương người thì làm việc mới tốt. Cứ dựa vào chức sẽ sinh ra ỷ lại. Chị em phụ nữ lãnh đạo phải có nghệ thuật, nói nhỏ nhẹ để người ta nghe mà thấm chứ đừng đao to búa lớn. Nói như kim châm vào tim người khác thì không phải là cán bộ giỏi” - dì Ngọc Thu nhắn nhủ đến các cán bộ trẻ.

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa (thứ năm từ trái sang) - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM - trao quà an sinh cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Châu Thành
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa (thứ năm từ trái sang) - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM - trao quà an sinh cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Châu Thành

Tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tất (82 tuổi, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành) đã cười rất nhiều khi đón đoàn tới thăm. Thay mặt đoàn công tác, bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - thăm hỏi sức khỏe, đời sống, động viên tinh thần và bày tỏ lòng biết ơn trước những cống hiến, hy sinh to lớn của các mẹ, những người đã đóng góp và cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Không trò chuyện được nhiều, nhưng mỗi khi nghe ai đó trong đoàn dặn dò phải ăn uống đầy đủ để sống lâu, sống khỏe, mẹ lại đưa 2 bàn tay lên vỗ. Không biết bao nhiêu lần trong buổi chiều tiếng vỗ tay của mẹ vang lên để thể hiện sự vui mừng, xúc động.

Chồng mẹ Tất là liệt sĩ Nguyễn Văn Sinh, hy sinh khi mẹ mới 23 tuổi. Một mình mẹ tảo tần nuôi 4 đứa con mong ngày độc lập. Nhưng ước mong chưa thành thì con mẹ là Nguyễn Văn Thành lại hy sinh.

Cũng như mẹ Nguyễn Thị Tất, non nửa thế kỷ ôm nỗi đau mất con trong lòng khiến Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lang (xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho) không còn nước mắt để khóc khi nói về con.

Đoàn cán bộ Hội LHPN TPHCM đến thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lang
Đoàn cán bộ Hội LHPN TPHCM đến thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lang

Tiễn đoàn cán bộ Hội LHPN TPHCM ra cổng, mẹ trở lại phản ngồi, với tay lấy cơi trầu trên chiếc bàn con, bàn tay gân guốc ngoáy trầu, đôi mắt mờ đục nhìn ra đầu ngõ. Tôi ôm lấy dáng dấp của người mẹ đơn chiếc, lọt thỏm trong chiều chạng vạng. Giọng mẹ buồn rớt: “Má đâu có đi đâu được nên cả ngày ngồi đây ăn trầu. Buồn nên tao ăn trầu dữ lắm. Hồi trước cứ chạng vạng là tụi nó ráp về nhà ăn uống, cười nói xôn xao. Cái gì ngon tao cũng để dành cho tụi nó”.

Trên bàn thờ phía sau lưng mẹ, 2 tấm bằng “Tổ quốc ghi công” đã bạc màu ghi tên liệt sĩ Nguyễn Văn Cách và Nguyễn Văn Hữu. “Cả hai đứa đều hy sinh năm 22 tuổi.

Thằng Hai đi công tác tại Chợ Gạo bị bắn chết năm 1971, còn thằng Tư hy sinh ngày 28 tháng Chạp, cách ngày độc lập vài tháng. Con má chết đau đớn lắm…” - giọng mẹ bắt đầu nghẹn lại.

Bước qua tuổi 96, khẳng định mình đã “nhớ nhớ quên quên” nhưng hình ảnh ngày con hy sinh tạc vào lòng mẹ một mảnh ký ức không bao giờ phai nhạt. Những vết nhăn đau đớn xô lại trên khuôn mặt khi mẹ kể lại: “Ngày thằng Tư bị giặc bắn, chặt đầu, xác nằm dưới Phước Thạnh còn đầu được bỏ trên dĩa, mang về đặt trước đầu ấp Mỹ Phong. Má chân trần ôm lấy đầu con táo tác chạy đi tìm xác”.

“Hòa bình rồi, cả nước vui chung, nhưng nhà mình vắng tanh. Chiều chiều cứ nằm nhớ. Tháng Mười một này là giỗ nó” - mẹ Lang nói như thể đang tính từng ngày. 

“Chuyện kể của dì Lê Ngọc Thu giúp chúng tôi hiểu hơn về tinh thần phụng sự, hết lòng vì đất nước, vì quê hương, vì phong trào phụ nữ của bà Nguyễn Thị Thập. Bài học khiêm tốn, không ngừng học hỏi mà bà dạy con cũng chính là bài học nhắc nhở cán bộ hội phải không ngừng vươn lên, trau dồi kỹ năng để làm tốt công tác”.

Chị Ngô Như Ngọc
Phó chủ tịch Hội LHPN quận 4

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI