Trước khi con vào lớp Một - trang bị kỹ năng cần hơn học chữ

07/07/2023 - 06:41

PNO - Dù đang nghỉ hè nhưng mỗi tuần 3 buổi, chị Dương Thị Dung - ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM - đều đưa con trai 6 tuổi đến lớp học rèn chữ, tiếng Việt và toán để chuẩn bị vào lớp Một năm học 2023-2024. Với nhiều phụ huynh khác, việc có nên cho con học chữ trước hay không là chuyện khá đau đầu.

 

Một lớp học mầm non tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho học sinh làm quen với chữ - Ảnh: Đại Minh
Một lớp học mầm non tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho học sinh làm quen với chữ - Ảnh: Đại Minh

Lo con không theo kịp chương trình

Cách đây hơn 4 tháng, trên đường đón con từ trường mẫu giáo về nhà, chị Dung đã phát hiện một lớp học kèm có dòng giới thiệu “Dạy rèn chữ, tiếng Việt và toán cho bé từ 5 tuổi”. Sau khi hỏi về nội dung dạy, lịch học, chị “chốt hẹn” cho con trai đến đây học mỗi tuần 3 buổi, học phí là 1 triệu đồng/tháng.

“Thấy tất cả bé sắp vào lớp Một trong xóm đều được cha mẹ cho đi học trước nên tôi cũng muốn con mình biết đọc, biết viết, làm toán để vào học theo kịp các bạn”, chị Dung giải thích về quyết định của mình. Theo tìm hiểu của chị, chương trình lớp Một hiện tại khá nặng, đặc biệt là môn toán nên nếu không cho học trước sợ con sẽ bị “đuối”.

Có cùng nỗi lo với chị Dung, anh Bùi Hải Hà - ngụ quận Phú Nhuận - đã cho con rèn chữ, luyện đọc, viết và làm phép tính tại một trung tâm từ khi còn học lớp Lá. Anh tâm sự: “Ban đầu, tôi cũng muốn để mọi việc tự nhiên. Nhưng nhìn vào chương trình học rồi so với nhận thức của bé thì tôi suy nghĩ lại. Ít nhất cũng phải để bé quen mặt chữ từ bây giờ, chứ không thì khi đi học sẽ áp lực, rồi từ đó áp lực cho cả gia đình”. Do đó, gia đình anh sẵn sàng bỏ tiền, bỏ thời gian đưa đón để con học trước chương trình. 

Từng không cho con học trước lớp Một nhưng hiện tại, chị Nguyễn Thái Bảo Vy - ngụ quận Bình Tân - luôn khuyên mọi phụ huynh cho con đi học trước. Chị kể, thời điểm con nghỉ hè lớp Lá thì chị đang mang thai đứa thứ hai, nên không thể kèm cặp con nhiều. Dù sớm biết mặt chữ nhưng khi các bạn đã đọc vanh vách, thì con chị vẫn phải đánh vần từng chữ. Dần dần, con trở nên sợ đọc chữ, làm toán. Mãi đến nửa cuối năm lớp Hai, con mới đọc trôi chảy và có sự thích thú khi học bài. Dù không khuyến khích việc chạy theo thành tích nhưng chị Vy nghĩ nên cho trẻ học trước. Không nhất thiết phải học ở trung tâm hay học riêng với giáo viên mà phụ huynh có thời gian cũng có thể hướng dẫn cho con.

Chị Nguyễn Ngọc Uyên - ngụ huyện Bình Chánh - khuyên các bậc phụ huynh nên tập trung vào dạy kỹ năng để trẻ không bị sốc chứ đừng bắt con biết tất cả kiến thức lớp Một. Điển hình như con trai chị, vì đã biết hết nội dung của chương trình lớp Một sau 2 tháng học hè nên khi đi học chính thức, con thường xuyên bị giáo viên nhắc nhở là dễ chán, không chịu làm bài tập được giao.  

Đi ngược lại với quan điểm của nhiều phụ huynh, cả ba đứa con của chị Hồ Thị Tịnh - ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức - đều không học lớp “tiền tiểu học”, thậm chí là không học thêm khi đã lên cấp III. Hiện tại, con gái út của chị chuẩn bị vào lớp Một nhưng chỉ sinh hoạt thể thao tại trường tiểu học sắp nhập học. Theo kinh nghiệm của chị, khi học mầm non, trường đã dạy con nhận biết mặt chữ, con số. Vào lớp Một, trường sẽ có kế hoạch giảng dạy - chỉ khoảng vài tuần là biết đọc, biết viết. “Việc cho con tiếp xúc xã hội, học các kỹ năng giao tiếp... quan trọng hơn để giúp con dạn dĩ và thích nghi nhanh với lớp Một”, chị cho hay. 

Tránh để trẻ bị sốc và sợ môi trường mới 

Theo cô Vũ Thị Hồng Hạnh - người có gần 30 năm kinh nghiệm dạy lớp Một tại Trường tiểu học Phú Thọ (quận 11) - việc phụ huynh muốn con biết đọc chữ, biết tính toán khi chưa học lớp Một là không phù hợp với khả năng và lứa tuổi của các em. Thậm chí, nếu cho con học tại những nơi không uy tín, người dạy không nắm rõ chương trình hiện hành có thể khiến con làm sai và càng khó sửa khi đi học chính thức.

Nếu lo lắng con không theo kịp lộ trình, phụ huynh có thể dạy con nhận biết mặt chữ, con số thông qua bảng chữ cái, chữ số dành cho trẻ, đồng thời dạy con cách cầm bút thông qua dụng cụ hỗ trợ. 

Điều quan trọng hơn hết là cha mẹ cần trang bị đầy đủ kỹ năng để giúp con có được tâm lý vững vàng trước năm học. Đầu tiên, cha mẹ phải tâm sự, kể cho con nghe về những thay đổi khi chuyển sang môi trường tiểu học. Con cần biết mình phải học kiến thức nhiều hơn vui chơi, phải tuân thủ quy định về trang phục, giờ giấc, thời khóa biểu của nhà trường.

Thứ hai, cha mẹ cần dạy con cách ứng xử, tương tác với giáo viên và bạn bè. Con phải mạnh dạn chia sẻ những vấn đề đang gặp phải với thầy cô, tôn trọng và biết giúp đỡ các bạn. Thứ ba, cha mẹ phải trao đổi với giáo viên những vấn đề thuộc về cá nhân con như sức khỏe hoặc những nỗi sợ về tâm lý... để giáo viên có thể hỗ trợ kịp thời trong những tình huống xấu.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ (quận 11) - cũng khẳng định, kiến thức lớp Một hiện tại không nặng và còn dàn trải thành 35 tuần học với lộ trình rõ ràng. Điều cần thiết là phụ huynh nên tập trung rèn luyện cho con các kỹ năng như tự vệ sinh, tự phục vụ, giao tiếp, ngủ sớm dậy sớm… để con sẵn sàng chấp nhận môi trường mới.

“Thay vì cho con học trước chương trình, thì vào năm học cha mẹ hãy chủ động tìm hiểu và theo dõi việc học của con, hỏi con hôm nay đã học gì, ôn bài cùng con mỗi ngày để con không thấy lạc lõng”, bà Kim Hương nhấn mạnh.

“Năm học đầu tiên luôn chứa đựng nhiều điều mới lạ, hấp dẫn nhưng nếu không được chuẩn bị sẵn sàng, các em rất dễ bị sốc và sợ. Do đó, phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường, nhận biết điểm mạnh để phát huy, phát hiện điểm yếu để bù đắp, từ đó giúp trẻ vượt qua năm học một cách trọn vẹn và an toàn”, cô Vũ Thị Hồng Hạnh nhắn nhủ.

Tôi được biết nhiều phụ huynh có con sắp vào lớp Một đổ xô đưa con đi học tiền tiểu học và việc này như trào lưu, theo tâm lý đám đông chứ thực tế không cần thiết. Qua quá trình theo dõi, tôi được giáo viên phản ánh rằng những học sinh chưa đi học và học sinh đã học tiền tiểu học sau một thời gian trình độ của các cháu cũng ngang nhau, bởi lúc đầu cũng chỉ là tập viết các nét chữ. 

Trong kế hoạch dạy học lớp Một, có tiết học làm quen, ôn tập lại chữ cái trước khi học chương trình mới. Các giáo viên sẽ dạy học sinh từ tư thế ngồi, ngồi cách bàn bao nhiêu, cách cầm bút như thế nào... Do đó, phụ huynh yên tâm, cứ cho các con nghỉ hè. 

Về tâm lý, cha mẹ có thể nói chuyện trước với con. Nếu có bộ sách giáo khoa lớp Một rồi thì giới thiệu cho con, khi vào lớp Một, con sẽ học môn học nào... chứ không cho con học trước.

Hiện nay, các trường cũng có khuyến cáo nếu phụ huynh cho con học hè thì nên tham gia sinh hoạt câu lạc bộ kỹ năng sống chứ không học tiền tiểu học.

Nguyễn Thị Thu Hương
Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông (Hà Nội)
 Đại Minh (ghi)

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI