Trung Quốc thành lập cái gọi là “Tây Sa quận đảo”, “Nam Sa quận đảo” để lấp điểm đen trong hồ sơ pháp lý

22/04/2020 - 07:53

PNO - Trung Quốc chưa bao giờ chứng minh được là Nhà nước Trung Quốc đã tổ chức ra đơn vị hành chính để quản lý các quần đảo này theo yêu sách chủ quyền vô lý của họ bằng các tài liệu lịch sử. Do vậy, để lấp đi những chỗ trống - gọi là điểm đen trong hồ sơ pháp lý - để bảo vệ yêu sách phi lý, Trung Quốc đã nhanh chóng thành lập ra các đơn vị hành chính để nói rằng, Nhà nước Trung Quốc có quyền lực, có quản lý đối với quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa.

Đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng và cải tạo thành đảo nhân tạo phi pháp - ảnh: csis/amit
Đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng và cải tạo thành đảo nhân tạo phi pháp - Ảnh: csis/amit

Trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền, thì việc tách ra, nhập vào hay thành lập một đơn vị hành chính là chuyện bình thường và phù hợp với luật pháp cũng như thông lệ quốc tế.

Chúng ta cũng đã tuyên bố với quốc tế rằng, Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên chiếm hữu và thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa kể từ thế kỷ XIX, khi hai quần đảo này còn là đất vô chủ. Việc chiếm hữu này phù hợp với nguyên tắc của luật pháp quốc tế và đã được dư luận quốc tế ủng hộ. Một trong những yếu tố quan trọng để nói lên việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền phù hợp luật pháp quốc tế là việc thiết lập các đơn vị hành chính của hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa để tiến hành quản lý với tư cách nhà nước. 

Trước đây, các chúa Nguyễn đã thiết lập các đơn vị hành chính thuộc tỉnh Quảng Nghĩa (nay là Quảng Ngãi). Kế tiếp, chính quyền Pháp, chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã liên tục quản lý các đơn vị hành chính này. Tiếp tục các hành vi pháp lý đúng đắn đó, Việt Nam quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc TP. Đà Nẵng, huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.  

Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của ta năm 1956, năm 1974 và tiến xuống phía Nam, chiếm sáu thực thể phía Tây Nam quần đảo Trường Sa năm 1988, họ đã gọi quần đảo Hoàng Sa là Tây Sa, gọi quần đảo Trường Sa là Nam Sa và bắt đầu tính đến các biện pháp để hợp thức hóa các yêu sách vô lý của họ đối với hai quần đảo này. Đó là việc thiết lập các đơn vị hành chính. Những năm 1990, Trung Quốc đã từng tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để quản lý cái gọi là “Tây Sa quần đảo”, “Nam Sa quần đảo” và “Trung Sa quần đảo” (thực tế là nhóm bãi cạn Macclesfield). Đó là tính toán của Trung Quốc để hợp thức hóa việc chiếm đóng phi pháp.

Hiện nay, trên cơ sở hành chính - gọi là “thành phố Tam Sa“ mà Trung Quốc đặt ra - họ đưa Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa lên thành đơn vị hành chính cấp quận. Đây là hình thức Trung Quốc nâng cấp, cụ thể hóa hơn quyết định trước đó. Việc Trung Quốc công bố thành lập cái gọi là “Tây Sa quận đảo”, “Trung Sa quận đảo” là một bước tính toán về pháp lý để hợp thức hóa hoạt động chiếm đóng phi pháp bằng quân sự. Trung Quốc muốn thể hiện rằng, họ đã thực hiện yêu sách bằng hình thức nhà nước, quyền quản lý nhà nước - điều mà trước đây họ chưa bao giờ có. 

Trung Quốc chưa bao giờ chứng minh được là Nhà nước Trung Quốc đã tổ chức ra đơn vị hành chính để quản lý các quần đảo này theo yêu sách chủ quyền vô lý của họ bằng các tài liệu lịch sử. Những bản đồ mà Việt Nam và Phillipines sưu tầm được đều thể hiện rõ ràng lãnh thổ của Trung Quốc kết thúc ở điểm cực nam là đảo Hải Nam. Do vậy, để lấp đi những chỗ trống - gọi là điểm đen trong hồ sơ pháp lý - để bảo vệ yêu sách phi lý, Trung Quốc đã nhanh chóng thành lập ra các đơn vị hành chính để nói rằng, Nhà nước Trung Quốc có quyền lực, có quản lý đối với quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa và bãi cạn Macclesfield.

Khi Malaysia và Philippines gửi hồ sơ lên Ủy ban Các thềm lục địa, đề nghị xem xét mở rộng ranh giới thềm lục địa ra 200 hải lý, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên hiệp quốc (LHQ) phản hồi tài liệu của Philippines, cho rằng Trung Quốc “có chủ quyền với quần đảo Nam Sa và vùng biển gần kề”, “có quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan, với đáy biển và lòng đất”. Với tài liệu của Malaysia, Trung Quốc cho rằng họ “có chủ quyền” với quần đảo ở Biển Đông, “bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa”. Sau đó, Việt Nam đã có công hàm gửi Tổng thư ký LHQ phản hồi lại hai công hàm trên của Trung Quốc.

Một trong hai nội dung quan trọng mà công hàm của Việt Nam nêu rõ là việc xác lập phạm vi các vùng biển đối với các cấu trúc địa lý của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải theo đúng quy định - những thực thể địa lý luôn luôn nổi trên mặt nước là đảo, đá thì có đường cơ sở riêng. Các vùng biển phải thích hợp cho con người sinh sống, có đời sống kinh tế riêng, mới có quyền được mở rộng 200 hải lý và có quyền có vùng thềm lục địa kéo dài theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Còn những đảo đá nhỏ bé, không thích hợp cho con người sinh sống, không có đời sống kinh tế riêng thì chỉ có thể có tối đa 12 hải lý.

Trung Quốc đã nâng cấp, cải tạo, xây dựng, thậm chí có cả chính quyền cấp huyện, quận để thể hiện rằng những nơi này có dân ở, có con người sinh sống thì có đủ điều kiện để mở rộng ra 200 hải lý, nhằm biện minh cho yêu sách đường lưỡi bò - chiếm đến gần 90% diện tích Biển Đông. Đó là mục tiêu thứ hai của họ. Nhưng tiếc rằng, hành động đó của Trung Quốc không phù hợp với quy định của UNCLOS 1982, đã được thể hiện qua phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 - bác bỏ hoàn toàn cái gọi là “đường lưỡi bò“, đồng thời cũng bác bỏ hoàn toàn lập luận các đảo ở đây có đời sống kinh tế riêng, thích hợp cho con người ở nên có 200 hải lý.

Cũng chính vì phán quyết này mà Trung Quốc tìm mọi cách để nâng cấp đơn vị hành chính cấp quận/huyện - một trong những yếu tố để họ muốn nói rằng ở khu vực này có đủ điều kiện cho con người sinh sống, có đời sống kinh tế riêng, đủ điều kiện mở rộng vùng 200 hải lý và chứng minh cho yêu sách đường lưỡi bò.

Đây là việc nối tiếp một loạt các hành vi trước đó như đưa tàu sân bay Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông, vu cáo tàu đánh cá Việt Nam là tình báo tiến hành thăm dò các căn cứ quân sự của Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam, gửi công hàm lên LHQ khẳng định là họ có chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận. Hằng năm, Trung Quốc còn ngăn cấm việc đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Mới đây, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Dư luận cũng theo dõi rất sát sao việc di chuyển của tàu Hải Dương địa chất 8 cùng tàu hải cảnh và một số lực lượng khác của Trung Quốc đi xuống vùng đảo phía nam Biển Đông, gần với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Malaysia, Brunei, Indonesia, thậm chí vi phạm vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. 

Chắc chắn hành động này của Trung Quốc không đơn giản chỉ là thực hiện quyền tự do hàng hải theo UNCLOS 1982. Hành động này, kết hợp với việc công bố đơn vị hành chính, thì rất có thể Trung Quốc đang tính toán một kịch bản cho một chiến dịch tiến xuống phía nam Biển Đông. Vì vậy, chúng ta cần theo dõi sát sao, cảnh giác và kịp thời lên tiếng phản đối mạnh mẽ ngay những hành động đó để kêu gọi sự đoàn kết, ủng hộ của các nước trong khu vực và thế giới. 

Vừa rồi, Việt Nam đã lên tiếng ngay sau khi Trung Quốc công bố thành lập “quận Tây Sa”, “quận Nam Sa”. Chúng ta phản đối ngay lập tức và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động phi pháp đó. Việt Nam cũng đã gửi các công hàm lên LHQ để lập tức, kịp thời nói lên tiếng nói, quan điểm của Việt Nam về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, về vấn đề xác lập phạm vi vùng biển trong khu vực Biển Đông có liên quan đến các thực thể trong Biển Đông. Công hàm đã đưa ra những quan điểm không những rõ ràng, trước sau như một mà còn bổ sung thêm những nội dung rất chi tiết, rất cụ thể, rõ ràng và có sức thuyết phục rất cao. Điều đó đã tạo thêm lòng tin vững chắc trên cơ sở có niềm tin chiến lược, dựa trên việc thượng tôn pháp luật. 

Tiến sĩ Trần Công Trục
(Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ)

Kênh thực địa thì đâm tàu cá của ta, kênh truyền thông thì biến đen thành trắng, kênh pháp lý thì biến mọi thứ thành sự đã rồi (đưa Hoàng Sa và Trường Sa của ta thành đơn vị hành chính “quận đảo Tây Sa”, “quận đảo Nam Sa”). Trung Quốc luôn tiến hành đồng thời ba kênh này để phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc muốn leo lên làm bá chủ thế giới, nhưng với cách hành xử của họ - qua hàng trăm sự kiện đã diễn ra, cùng sự không minh bạch trong đại dịch COVID-19 - thì không ai tin họ cả. Tham vọng lớn, nhưng với cách hành xử tráo trở, không trong sạch của mình, Trung Quốc sẽ không bao giờ có được sự ủng hộ của thế giới.

Thiếu tướng Lê Văn Cương
(Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI