Trong mưa tôi đi trên chiếc cầu gỗ ấy

29/12/2019 - 08:41

PNO - Có một cây cầu gỗ thông, ở ngã ba cây cầu là hình nộm một người lính Hàn Quốc đứng như đang canh giữ. Bên dưới là dòng sông Imjingang. Cây cầu gỗ ấy được gọi là cầu Tự Do, chỉ dài 83m và rộng 4,5m...

Đó là một ngày mưa lê thê ở Hàn Quốc, khi chiếc xe chở tôi đi trên con đường nhựa rất êm dọc theo khu phi quân sự, tôi cứ lấy tay chùi lớp sương mờ trên cửa kính xe để nhìn ra bên kia biên giới.

Ngắm nhìn là cảm giác lạ, bởi chắc chắn biên giới bên kia Bắc Triều Tiên không phải là điểm đến. Trong các tour du lịch đến Hàn Quốc, rất ít tour có vùng quân sự DMZ, có thể bởi thủ tục rườm rà và phải thông qua một đơn vị du lịch bên Hàn Quốc. 

Lần trở lại mới đây, theo hướng dẫn của Công ty Du lịch KOKIN bên này, chúng tôi được đưa đến Công viên Imjingak. Imjingak được xây dựng năm 1972, cách đường giới tuyến quân sự 7km. Đây là địa điểm du lịch giới tuyến nhưng chính Hàn Quốc đã biến thành công viên, tạo điều kiện cho du khách thoải mái, không có cảm giác đang vào vùng quân sự.

Trong mua toi di tren chiec cau go ay
Cầu Tự Do

Bán đảo Triều Tiên được phân chia hai miền Bắc Nam tại vĩ tuyến 38, nơi có con sông Hán vắt ngang. Nơi đây có vùng lõi (phi quân sự) 4km được gọi là DMZ (viết tắt của Demilitarized Zone). DMZ trải dài 256km và công viên Imjingak trong khu du lịch DMZ chỉ là một phần của câu chuyện.

Ở đó, khi chạm tới, bất cứ ai cũng cảm nhận được sự khao khát hòa bình và đoàn tụ của người Triều  Tiên. Và dẫu không chạm hết những gì ở một biên giới xa lạ nhưng trong ngày mưa ấy, tôi thật sự thỏa lòng và xúc động. Imjingak nằm ở cực bắc của tỉnh Gyeonggi và chỉ cách Kaesong của Triều Tiên khoảng 22km, là nơi câu chuyện lịch sử bắt đầu. 

Công viên này có một bảo tàng lưu giữ tất cả các tư liệu lưu lại về cuộc chiến tranh Nam - Bắc Triều Tiên. Bên ngoài công viên có trưng bày đầu máy xe lửa từ thời chiến, hàng rào cầu nguyện treo đầy các dải băng ghi ước nguyện bởi nhiều người Hàn còn bị lạc mất người thân phía bên kia khi cuộc chia cắt đất nước xảy ra.

Trong mua toi di tren chiec cau go ay
Những lời cầu nguyện ở cuối cầu Tự Do

Ngày mưa, khu biên giới thật đìu hiu. Trong nhạt nhòa mưa, chúng tôi thấy chiếc cầu sắt màu trắng nối hai miền, có một đường ray xe lửa. Theo giải thích thì chiếc cầu nối hai miền ấy được lắp ghép để nếu xảy ra xung đột, chỉ cần bấm nút thì cầu sẽ đổ sụp. Những cây ngô đồng vào mùa đổ lá tạo cho không gian một vẻ đẹp của sự bình yên.

Có hai tượng đài gần đó, một tượng đài tưởng niệm những nạn nhân trong cuộc chiến tranh đôi bờ 1950-1953 với hình ảnh hai người, bản nhạc phát ra thật sầu thảm. Đài tưởng niệm Mangbaedan, nơi những người Hàn Quốc có quê quán hay người thân ở Triều Tiên, thực hiện những nghi lễ tổ tiên và cúi lạy về quê hương cũ trong những 
dịp lễ.

Trong mua toi di tren chiec cau go ay
Tượng đài tưởng nhớ những người dân hy sinh trong chiến tranh

Có một cây cầu gỗ thông, ở ngã ba cây cầu là hình nộm một người lính Hàn Quốc đứng như đang canh giữ. Bên dưới là dòng sông Imjingang. Cây cầu gỗ ấy được gọi là cầu Tự Do, chỉ dài 83m và rộng 4,5m. Cầu được cựu tổng thống Lee Seung Man đặt tên sau khi hàng chục ngàn tù nhân của cuộc chiến Triều Tiên được trả tự do vào năm 1953.

Sau khi kết thúc cuộc trao trả tù nhân, chiếc cầu đã bị đóng lại. Đứng từ điểm cầu cuối cùng dang dở phía Hàn Quốc có thể nhìn thấy những vết đạn chằng chịt dưới những chân cầu đã xây. Tôi đi lên chiếc cầu, tới tận cùng của đoạn đường 83m, nơi đó là một bức tường ngăn cách. Người Hàn Quốc đã treo lên đó những tấm vải ghi đủ thứ tiếng cầu nguyện cho hòa bình.

Trong mua toi di tren chiec cau go ay
Biên giới

Ở lần trở lại này, tôi nhìn thấy một đoạn đường ray xe lửa dang dở - dấu vết của đoàn tàu nối liền hai miền ngày xưa và một đầu máy xe lửa cũ kỹ, loang lổ nhiều vết đạn được trưng bày như chứng nhân của lịch sử. Có một khu vực với bức tường lớn vẽ bản đồ Triều Tiên, hình nộm một đôi nam nữ ngồi như đang ngóng chờ.

Một chiếc xe đạp như biểu tượng cho niềm mong ước có một ngày chiếc xe sẽ đi cùng khắp, hai thùng thư để người Nam Triều Tiên bỏ thư gửi cho người thân bên kia biên giới. Hình tượng đầy cảm xúc chính là hàng rào kẽm gai dày đặc những lời cầu nguyện hòa bình được gắn lên, bất kể mưa gió, chúng cứ nhẹ nhàng bay chao. Và qua những ô lưới, chúng tôi bắt gặp những hào sâu, nhưng tường rào, thấp thoáng là những chòi canh.

Công viên chỉ là một phần của giới tuyến. Khách sẽ dừng lại vạch vàng - tượng trưng cho lằn ranh chia cắt Nam - Bắc Triều Tiên. Người thuyết minh sẽ kể cho khách nghe về lịch sử, sau đó khách sẽ bước vào một toa tàu giả định. Bước lên toa tàu ấy, du khách như được đặt chân lên những chuyến tàu Nam Bắc, hình ảnh cảnh vật lướt qua bên ngoài khung cửa. Và tận cùng của khu vực là màn hình lớn, nơi khách có thể nhìn thấy hình ảnh đường ray xe lửa, khung cảnh biên giới… sinh động.

Cuối cùng, chúng tôi lên khu vực phía trên, nơi có thể thấy những thửa ruộng đã qua mùa gặt, những trụ xi măng ngày xưa là trụ của đường ray tàu lửa, thấy mênh mông một điều gì đó của chia ly. Và xa nữa là dòng sông đang mờ trong mưa, là ngọn núi bên kia Bắc Triều Tiên.

Kết thúc chuyến đi, chúng tôi nghe một câu chuyện giản dị mà đủ để tất cả đều rơi nước mắt: trong cuộc đoàn tụ của những gia đình Hàn Quốc - Triều Tiên, người vợ sau nhiều năm xa cách mới được gặp lại chồng, chỉ kịp hỏi một câu: “Sao đi mua xe đạp mà ông đi lâu thế?” rồi bật khóc nức nở. Còn tôi lại nhớ cây cầu gỗ mang tên Tự Do mà tôi đã đi trên đó một ngày mưa. 

Bài và ảnh: Khuê Việt Trường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI