Trong mỗi món ngon là cội nguồn bản sắc

13/12/2021 - 07:27

PNO - Ngày 12/12, Google đã tôn vinh phở ở 20 quốc gia. Ngoài Việt Nam, Doodle phở còn được xuất hiện trên giao diện Google ở Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Thụy Sĩ, Phần Lan, Israel, Iceland, Hy Lạp…

Đây không phải là lần đầu Google Doodle tôn vinh món ăn Việt Nam. Năm 2020, Doodle bánh mì xuất hiện ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada, Áo, Đức, Cộng hòa Séc, Úc, New Zealand, Nhật Bản… Mỗi lần một món ăn Việt được tôn vinh khắp thế giới, là thêm một lần cộng đồng nhận về niềm tự hào lớn lao. Đến thời điểm này, phở đã trở thành một danh từ riêng không thể thay thế bằng bất cứ từ ngữ vay mượn nào. 

“Ở đâu có người Việt, ở đó có phở và tất nhiên, ở đâu có phở, ở đó có người Việt!” - nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng đã viết như vậy, trong công trình nghiên cứu Trăm năm phở Việt (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2020). Ông muốn nói hình ảnh của những quán ăn, nhà hàng phở đã có mặt tại nhiều quốc gia mà chủ nhân là người Việt.

Sau bánh mì, cộng đồng thêm một lần nữa tự hào, khi phở được Google tôn vinh ở 20 quốc gia
Sau bánh mì, cộng đồng thêm một lần nữa tự hào, khi phở được Google tôn vinh ở 20 quốc gia

Còn bánh mì, có nơi nào trên thế giới mà món bánh mì kẹp lại đa phong vị và “gây thương nhớ” như ở Việt Nam? Phở như một “đại diện” của ẩm thực Hà Nội, và bánh mì là hình ảnh thân thuộc của Sài Gòn. Những món ăn đã đi qua trăm năm, nhưng nếu tìm đến tường tận nguồn gốc, sẽ thấy trong từng món ăn ấy chứa đựng cả văn hóa - lịch sử và cả chiều dài thăng trầm của một dân tộc.

Phở từng được đặt ra những giả thuyết là có xuất xứ từ món ngưu nhục phấn (vùng Quảng Đông, Trung Quốc) hoặc du nhập, tiếp biến từ món ăn Pháp. Nhưng theo nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng, nguồn gốc của phở trải qua hành trình dài từ các món xáo trâu đến xáo bò trong văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam. Đó là món ăn của một quốc gia nông nghiệp với nền văn minh lúa nước.

Nhà văn Nguyễn Tuân từng viết về phở: “Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại”.

Trong cảm nhận của nhà văn Vũ Bằng: Phở “không còn là một món ăn nữa, mà là một thứ nghiện như nghiện thuốc lào, thuốc lá, trà tươi, thuốc phiện”. Đây là cách ông miêu tả một hàng phở: “Ngay từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương…(…). Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh Tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu” - trích tùy bút Miếng ngon Hà Nội, 1960.

Những “món ngon Việt Nam” đã ra thế giới theo nhiều cách. Hóa thành trang phục của hoa hậu trong những cuộc thi nhan sắc quốc tế: hoa hậu H’Hen Niê với trang phục bánh mì tại Miss Universe 2018, á hậu Kim Duyên với trang phục bánh tét lá cẩm Cần Thơ tại Miss Universe 2021…

Sự tôn vinh của WorldKings - Liên minh Kỷ lục thế giới từng dành cho các món cuốn, các món sợi và nước, các món mắm, bánh làm từ bột gạo… Và lần đầu tiên có một bản đồ du lịch ẩm thực Việt Nam (Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới bắt tay xây dựng từ tháng 4/2021), chuẩn bị ra mắt du khách trong và ngoài nước. 
Mỗi một vùng quê hương trên dải đất hình chữ S đều có những món ăn trở thành đặc sản của vùng đất, ký ức thương nhớ của bao thế hệ.

Trong mỗi món ngon đều chứa đựng, lưu giữ giá trị bản sắc của từng địa phương, văn hóa của mỗi cộng đồng. Nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh bày tỏ mong muốn, mai này, rồi sẽ thêm nhiều món ăn mang quốc hồn quốc túy được tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tôn vinh. Có lẽ điều này cũng là mong chờ của bao người… 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI