Trong khi tôi đau đớn vì mất con thì chồng vẫn bình thản chơi game

07/07/2022 - 09:00

PNO - Đàn ông và đàn bà đối diện với nỗi đau theo những cách khác nhau. Không thể bắt người ta phải đau khổ theo kiểu giống như mình.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em vừa mất con gái - đứa con mà em chờ đợi suốt bốn năm nay. Qua bao nhiêu lần điều trị, hết bệnh viện đến bác sĩ tư, cuối cùng em cũng không giữ được con. Con em sinh non, phải nuôi trong dưỡng nhi, được hơn một tháng thì con bỏ em mà đi.

Em buồn đến không muốn làm gì, không muốn nói chuyện với ai nữa. Em nghĩ mình đã làm hết khả năng. Năm nay em đã 33 tuổi, nếu cố gắng làm lại cũng phải mất thêm vài năm nữa, với bao nhiêu đau đớn, thuốc uống thuốc tiêm, vô ra bệnh viện, hy vọng rồi thất vọng… Gần như em không thể chịu đựng nổi điều đó.

Vậy mà chồng em thì cứ sao sao, em không hiểu nổi. Chắc anh ấy cũng buồn nhưng cứ nói kiểu “lần này không được thì lần khác”. Chồng em vẫn đi làm, gặp bạn bè, nhậu nhẹt, coi phim, chơi game… Trong khi đó, em hầu như không ăn nổi, đêm nào cũng thức, thuốc ngủ có uống thì mắt vẫn mở chong chong.

Em chỉ muốn ở trong nhà, không muốn gặp hay nói chuyện với ai hết. Vì khác nhau như vậy nên hầu như em cũng không muốn nói chuyện với chồng nữa. Chuyện gần gũi vợ chồng đã gián đoạn từ hồi em có bầu, đến nay vẫn mỗi người ngủ một phòng.

Mẹ em vô thành phố chăm sóc em sau sinh, trước khi về quê dặn em phải lo cho chồng, rằng đàn ông nhẹ dạ dễ bị cám dỗ. Em nghĩ chồng em phải suy nghĩ chứ. Em mới là người cần được lo lắng chăm sóc; ảnh khỏe ru, có sinh nở đau đớn gì đâu. Em đã mất con, thật không công bằng khi bắt em phải gánh thêm trách nhiệm lo cho một người nữa.

Hải Sao (TP.HCM)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Em Hải Sao thân mến, 

Đàn ông và đàn bà đối diện với nỗi đau theo những cách khác nhau. Không thể bắt người ta phải đau khổ theo kiểu giống như mình.

Em đang co mình lại, gặm nhấm nỗi đau, không san sẻ với ai. Chồng em có thể khác. Có thể anh ấy đang cố gắng quên bớt bằng cách chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình ra bên ngoài, cho những việc khác, để bớt phải chìm quá sâu vào đau buồn.

Hai vợ chồng em đối diện với chuyện mất con theo cách khác nhau nhưng có thể bù trừ cho nhau để cân bằng gia đình chứ không hẳn là đối lập. Nếu nhận ra điều này, em sẽ thấy đây là một may mắn. Nếu cả hai cùng chìm đắm trong đau buồn, mọi chuyện còn có thể tệ hơn.

Không ai bắt em phải gánh thêm trách nhiệm lo cho người khác. Nghĩ theo hướng đó, em chỉ làm cho mình thêm bực bội, khổ tâm hơn. Em hãy nghĩ nếu có ai đó chia sẻ với mình, nỗi đau buồn này sẽ nhẹ bớt.

Không ai có thể chia sẻ với em nếu em không mở lòng. Người gần nhất có thể chia sẻ cùng em là chồng em. Hãy nói với anh ấy về nỗi buồn của em, chuyện em không ngủ được, không muốn gặp ai.

Đừng mong người ta sẽ quan sát, lắng nghe và hiểu cảm xúc của mình, tìm được cách giúp mình bớt buồn. Đàn ông không quen với những nhiệm vụ phức tạp và đòi hỏi sự tinh tế, sâu sắc đến vậy. Nếu được, hãy yêu cầu anh ấy làm những việc cụ thể: mua thuốc cho em, đặt lịch hẹn bác sĩ, lau nhà, dọn đồ đạc, mua một chậu cây xanh…

Công việc cụ thể đó là cách kết nối cảm xúc giữa hai vợ chồng, để cả hai hiểu và chia sẻ với nhau, rồi có thể có những kết nối gần gũi hơn.

Em vừa trải qua một sang chấn lớn, sinh con, chăm con, lo lắng, đau buồn. Tất cả những điều đó đều vượt quá sức mình. Vậy nên, em cần chăm lo đến sức khỏe của mình nữa. Cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi để nhanh hồi phục. Khi khỏe hơn, em cũng sẽ bớt suy nghĩ buồn bã, tiêu cực.

Mất con là một nỗi buồn lớn, nhưng em còn gia đình, còn người thân, rồi em sẽ lại hạnh phúc. Đừng để nỗi buồn này làm cho mình mất mát nhiều hơn. Chúc em mau vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Hạnh Võ (TP.Thủ Đức, TP.HCM): Bạn cần ổn định tinh thần 

Tôi xin chia sẻ cùng bạn chuyện không vui này. Mong bạn cố gắng. Bạn nói đúng, bạn mới là người cần được yêu thương, thông cảm nhất trong lúc này và chồng bạn phải là người chăm sóc bạn thay vì ngược lại. Vậy nên bạn cứ nghỉ ngơi, thả lỏng và bồi bổ cơ thể.

Nếu cần gì, bạn hãy nói cho chồng biết. Đừng im lặng chịu đựng một mình. Đây thực sự là một cú sốc, nên mình cần thời gian để hồi phục sức khỏe tinh thần. Hãy lắng nghe bản thân và đừng bỏ qua triệu chứng nào.

Đàn bà và đàn ông vốn dĩ khác nhau nên đừng bắt chồng phải bi lụy, đau đớn như mình. Đừng bắt họ phải đau cùng mình mà hãy tận dụng vai trò cây tùng cây bách làm chỗ dựa. Mong bạn vui. 

Thu Hoài (H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi): Hãy nói ra những gì bạn phải chịu đựng 

Tôi đã từng giống bạn và đã rất đau đớn. Bạn hãy nghỉ ngơi, tịnh dưỡng để phục hồi cơ thể và tinh thần, đừng để những chuyện xung quanh làm mình bực dọc. Chúng ta có quyền từ chối nhiều thứ trong cuộc sống, không riêng việc chăm sóc gia đình, chăm sóc chồng.

Trong thư, tôi cảm thấy bạn đang rất mệt mỏi. Bạn diễn tả cuộc sống của mình thờ ơ, rời rạc bên chồng và cảm nhận sự vô tâm của chồng theo cách hiểu riêng của bạn.

Bạn nên bình tâm lại, tổ chức lại cuộc sống. Tôi nghĩ, mẹ bạn cũng có lý nhưng bà chỉ nói theo những gì bà thấy và chưa hết ý. Theo tôi, vợ chồng bạn đang mất kết nối. Bạn đã ôm đau đớn và không chia sẻ. Nói ra đi bạn! Khóc gào cũng được, lớn tiếng cũng được, đừng cố đè nén! Bạn thực sự cần được giúp đỡ. Hãy nhờ đến chồng.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn  

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI