Trisha Võ: Đi để trở về

25/02/2021 - 07:45

PNO - Áo dài đẹp nhất khi tồn tại ở cấu trúc truyền thống, căn bản nhất. Với áo dài, tạo nên sự mới mẻ là điều không hề dễ.

Trong những hình ảnh được nhà sản xuất Gái già lắm chiêu V giới thiệu, nhiều khán giả ấn tượng với chiếc phượng bào truyền thống. Ít ai ngờ “chủ nhân” của mẫu thiết kế đó là cô gái từng du học ngành thiết kế thời trang âu phục nhưng lại chọn trở về Việt Nam với khát vọng được thổi hồn cho áo dài, Trisha Võ.

Cô bảo: “Có đi đâu, hay được tiếp cận nền văn hóa nào, tôi vẫn luôn nhớ mình là người Việt Nam”.

Áo dài, một ngã rẽ

Phóng viên: Tham gia thiết kế phượng bào cho Gái già lắm chiêu V có lẽ là kỷ niệm khó quên trong chặng đường làm nghề của chị?

Trisha Võ: Khi nhận làm trang phục này, tôi rất thích thú, nhưng lo lắng lại gấp bội. Bởi những gì liên quan đến truyền thống đều phải cẩn trọng. Nhưng tôi tin không có sự cố gắng tử tế nào lại không được đền đáp. Phượng bào mô phỏng theo phượng bào Tam Vĩ thời vua Đồng Khánh. Tôi chưa được nhìn chiếc áo thật, chỉ xem tài liệu do nhà sản xuất cung cấp và tự tìm hiểu thêm từ sách, báo, bảo tàng… Công đoạn thực hiện mẫu thật khá lâu, nhưng phần tìm hiểu lại lâu hơn rất nhiều, có lúc tôi nghĩ mình đang đi một con đường chỉ le lói vài tia sáng mỏng manh.

Trisha Võ và chiếc áo phượng bào
Trisha Võ và chiếc áo phượng bào

* Chiếc áo đã ra đời như thế nào?

- Sau khi định hình các họa tiết đặc trưng, chọn màu sắc, chúng tôi bước vào công đoạn thực hiện. Vải được dệt thủ công nên nhìn kỹ sẽ thấy thô hệt trang phục thời xưa. Sau nhiều lần nhuộm mới có được màu vàng hoàng gia ưng ý. Chúng tôi chọn phương pháp thêu kate của Nhật Bản để thể hiện các họa tiết rồng, phượng, sóng nước giúp chúng trông sinh động hơn. Sau đó, các họa tiết sẽ được điểm xuyết bằng những đường chỉ vàng viền bên ngoài. Có lẽ chiếc áo chỉ còn thiếu màu thời gian, còn về kỹ thuật hay sự thể hiện chi tiết, tôi khá tự tin khi giới thiệu với công chúng. 

* Nhìn những chiếc áo dài, và chị ở hiện tại, thật khó để tin có sự hòa hợp…

- Đôi lúc nghĩ lại, tôi cũng thấy bất ngờ. 17 tuổi, tôi đi du học ngành thiết kế thời trang âu phục. Tôi từng nghĩ sẽ ở lại nước ngoài làm việc. Nhưng sau nhiều lần được mẹ (nhà thiết kế áo dài Liên Hương - PV) đưa đến các buổi giao lưu, biểu diễn tại Ukraine, Anh, Pháp, tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ.

Tôi thấy phụ nữ Việt Nam đi đâu mặc áo dài cũng đẹp, quan khách đều trầm trồ, khen ngợi. Gia đình lại có truyền thống may áo dài. Vì thế, tôi quyết định trở về. Tôi muốn đi đâu cũng sẽ được nhìn thấy hình ảnh phụ nữ mặc áo dài thật đẹp, do chính mình sáng tạo.

* Quyết định ngày đó có thực sự dễ dàng?

- Tôi đã tiếp thu văn hóa, thời trang phương Tây một thời gian dài. Còn áo dài, lại là một thế giới hoàn toàn khác. Nhưng tôi đã quyết! Về Việt Nam, tôi học kỹ thuật may áo dài từ mẹ. Có lẽ, sự quyết tâm cộng với tình yêu đủ lớn giúp tôi học mọi thứ rất nhanh. Đã sáu năm, thời gian không dài nhưng đủ để tôi hiểu con đường mình chọn khiến mình hạnh phúc. Tôi cũng không nuối tiếc khoảng thời gian trước, bởi đó đơn giản là một sự lựa chọn của người trẻ. 

Đưa kỹ thuật âu phục, cảm hứng hội họa phương Tây vào áo dài

* Người tiếp thu văn hóa Tây phương thường có suy nghĩ cởi mở. Chị có đưa sự cởi mở đó vào áo dài truyền thống? 

- Quan điểm của tôi với áo dài trước nay không hề thay đổi. Chúng đẹp nhất khi tồn tại ở cấu trúc truyền thống, căn bản nhất. Tôi không thích nhìn những chiếc áo bị mất tay, khoét eo, hay gắn tà xòe rộng, kéo dài lê thê… Khi đó, tôi thấy… tội chiếc áo dài vô cùng. Với áo dài, tạo nên sự mới mẻ là điều không hề dễ. Vì thế, tôi không gọi người làm áo dài là thợ, mà là nghệ nhân. 

Hoa hậu Khánh Vân trong BST Sắc màu hạnh phúc, lấy cảm hứng từ hội hoạ
Hoa hậu Khánh Vân trong BST Sắc màu hạnh phúc, lấy cảm hứng từ hội hoạ

* Liệu những kỹ thuật âu phục có thể mang vào áo dài?

- Linh hồn của áo dài nằm ở kỹ thuật may đo. Tôi thấy thích thú khi có thể áp dụng những điều mình học ở trời Tây để mang vào áo dài. Chẳng hạn, phom áo xoắn eo của Dior giúp phụ nữ tôn được vòng một, vòng eo, khiến áo dài càng quyến rũ hơn. 

Cũng từ đó, chiếc áo luôn có một đường thắt eo rất đặc biệt, dễ dàng nhận ra. Phần ngực áo cũng được ứng dụng hình học không gian để tạo khối, khi chưa mặc vào đã nhô lên thành hình chóp nhọn vừa phải. Còn áo dài nam, ở phần trên, tôi ứng dụng cấu trúc vest để trông cứng cáp hơn, bên trong lót vải để người mặc cảm thấy thoải mái. Đó cũng là sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Ai cũng có thể nói yêu áo dài, nhưng yêu sao cho đúng mới là chuyện đáng nghĩ.

Tôi cũng ứng dụng nhiều kỹ thuật thêu khác nhau để mỗi họa tiết đều tỉ mỉ, sống động. Cảm hứng từ nghệ thuật phương Tây cũng tạo nên nhiều họa tiết thú vị cho áo dài, thông qua màu sắc, đường nét, hình khối độc đáo. Có những chiếc áo được ứng dụng kỹ thuật làm tranh sơn dầu để tạo nên những thiết kế độc bản. 
Tôi cũng cập nhật xu hướng màu sắc mới nhất, chẳng hạn sắc vàng (màu xu hướng trong năm 2021) để giới thiệu vào mùa tết này. Kỹ thuật tạo hoa 3D được các nhà mốt như Gucci, Louis Vuitton lăng xê cũng có mặt trên áo dài.

* Theo chị, người trẻ nên bước ra bên ngoài hay “ao nhà vẫn hơn”?

- Tôi không chắc trường hợp của mình là mẫu số chung. Văn hóa, bản sắc truyền thống là điều cần gìn giữ. Nhưng để tồn tại và phát triển, buộc phải có sự đổi mới nhất định. Muốn có cái nhìn mới, cần bước ra thế giới bên ngoài. Muốn làm tốt việc gì đó, cần xuất phát từ tình yêu đủ lớn, cẩn trọng trong từng lựa chọn. Bởi không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ thời gian để được làm lại.

* Xin cảm ơn chị.

Thành Lâm (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI