Triển khai chương trình giáo dục mới, các địa phương lo không có giáo viên nghệ thuật

18/04/2022 - 15:43

PNO - Chỉ 5 tháng nữa, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới, theo hướng phân hóa và định hướng nghề nghiệp học sinh.

Từ năm học 2022- 2023, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Trong đó chương trình lớp 10 được đặc biệt quan tâm vì cho phép học sinh lựa chọn môn học, nội dung học.

Thế nhưng, một vấn đề khiến Sở Giáo dục - Đào tạo của nhiều địa phương đau đầu khi triển khai chương trình mới là tình trạng khan hiếm giáo viên dạy các môn nghệ thuật.

Trước đây môn âm nhạc và mỹ thuật chỉ được dạy ở bậc tiểu học và THCS nhưng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, 2 môn này được đưa vào bậc THPT, tình trạng thiếu giáo viên sẽ là bài toán khó giải đối với các trường.

Cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đối với các môn mỹ thuật, âm nhạc, khó khăn lớn nhất là trường chưa có giáo viên trong biên chế.

“Trong năm học tới, nhà trường sẽ sắp xếp lại tổ hợp môn cho phù hợp với điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất hiện có, từ đó định hướng để học sinh lựa chọn các môn học mà nhà trường có thể đáp ứng. Trường cũng có kế hoạch thuê giáo viên hợp đồng dạy các môn nghệ thuật trong năm học tới. Sau khi nắm được số lượng nguyện vọng của học sinh và có đầy đủ đội ngũ giáo viên, trường sẽ tiếp cận dần để triển khai chương trình một cách thuận lợi hơn”, cô Yến cho hay.

Triển khai chương trình mới đa số giáo viên gặp phải tình trạng thiếu giáo viên nghệ thuật
Khi triển khai chương trình mới, đa số các trường gặp tình trạng thiếu giáo viên nghệ thuật

GS.TS Đỗ Đức Thái - chủ biên chương trình GDPT 2018 môn Toán - cũng cho biết: “Hiện nay, cả Hà Nội không có trường THPT nào có biên chế giáo viên nghệ thuật nên việc triển khai chương trình mới khá khó khăn.

Cũng có nhiều phương án được đưa ra như mời những người nổi tiếng trong nhạc viện, trường múa về dạy tại trường THPT, nhưng vấn đề đặt ra là những người này không được đào tạo sư phạm mà chỉ là nghệ sĩ, những người hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật đó.

Có thể chuyên môn họ giỏi, nhưng những điều đó không được lọc qua lăng kính sư phạm để đưa kiến thức trừu tượng về cụ thể cho học sinh hiểu.

Có lần tôi mời một nghệ sĩ nổi tiếng về oprera dạy 1 tiết cho chương trình phổ thông mới nhưng trong lớp gần như không ai hiểu, vì những người nổi tiếng đa phần họ nói chỉ những người cùng tầng kiến thức của họ mới hiểu được”.

Liên quan đến vấn đề chuẩn bị cho chương trình mới, ông Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thông tin: “Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với môn âm nhạc và mỹ thuật cấp THPT, hiệu trưởng trường THPT có kế hoạch ký hợp đồng với giáo viên 2 môn này có trình độ đại học trở lên để bố trí dạy trong năm học 2022 - 2023. Sở cũng sớm đề xuất với thành phố để tuyển đầy đủ giáo viên đáp ứng với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Không chỉ ở Hà Nội mà ở các địa phương cũng xảy ra tình trạng thiếu giáo viên môn nghệ thuật. Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, 2 năm qua, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để tuyển mới giáo viên nhưng nhận được rất ít hồ sơ. Sở cũng đã làm việc với Trường đại học Tây Bắc về đào tạo và cung ứng nhân lực cho địa phương, tuy nhiên, các ngành học như âm nhạc, mỹ thuật khi ra trường có thể có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập hấp dẫn hơn là về miền núi dạy học, do đó sinh viên không lựa chọn.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên nghệ thuật, Sở GD-ĐT Sơn La xây dựng kế hoạch bố trí, điều động giáo viên bảo đảm cân đối, hợp lý giữa các trường cũng như chỉ đạo các trường THPT chủ động hợp đồng với một số giáo viên đang dạy THCS trên địa bàn, nếu đủ điều kiện.

Tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, khi triển khai chương trình mới đã gặp tình trạng đội ngũ giáo viên còn hạn chế, đặc biệt là giáo viên nghệ thuật, do đó rất khó để đáp ứng được đầy đủ lựa chọn của học sinh.

Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM đã làm việc với Trường đại học Sài Gòn và được biết hiện tại trường chưa có lớp đào tạo giáo viên môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) ở cấp THPT.

“Chúng tôi đã đặt hàng để bồi dưỡng giáo viên đang dạy THCS nhằm đáp ứng việc dạy chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT. Khi đó, các giáo viên THCS sẽ thỉnh giảng ở bậc THPT. Tuy nhiên, việc này không đơn giản do ngay cả giáo viên bậc THCS cũng đang thiếu”.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI