Trẻ cần bồi bổ gì để tăng cường trí não trong mùa thi?

26/03/2023 - 07:12

PNO - Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm học sinh chuẩn bị thi học kỳ II và tốt nghiệp, phụ huynh lại cuống cuồng tìm cách bồi bổ cho con. Tuy nhiên, không phải ai cũng bồi bổ cho con đúng cách, thậm chí nhiều trường hợp sau khi tăng cường dinh dưỡng còn rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

 

Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp  bác sĩ nếu lúc nào trẻ cũng  cảm thấy mệt mỏi, ốm yếu ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu lúc nào trẻ cũng cảm thấy mệt mỏi, ốm yếu (Ảnh minh họa: Internet)

Quan niệm dinh dưỡng sai lầm

Chị P.T.T. (ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) có con gái đang học lớp Mười hai. Thấy con học hành vất vả, chị T. hỏi han, nghe ngóng khắp nơi nhằm tìm những món bổ dưỡng về bồi dưỡng cho con. Ngày nào trước giờ đi ngủ, chị cũng chưng yến để tiếp năng lượng khi con học khuya.

Nghe bạn bè chỉ dẫn có sữa xách tay bổ sung vi chất, chị cũng mua về ép con uống 2 cữ mỗi ngày. Chị T. còn đầu tư làm các bữa tối công phu như gà ác tiềm thuốc bắc với đông trùng hạ thảo, óc heo chưng trứng (theo quan niệm ăn gì bổ nấy)...

Hằng ngày, chị sợ con đi học ăn không đủ chất nên có bao nhiêu món bổ dưỡng, chị đều dồn hết vào buổi tối để bù đắp lượng dinh dưỡng thiếu hụt ban ngày. Kết quả, sau 5 ngày được mẹ dồn dập tẩm bổ, con chị T. đã bị nôn ói, tiêu chảy phải đi bệnh viện.

Bác sĩ cho biết bệnh nhi bị rối loạn tiêu hóa do ăn quá nhiều món giàu đạm cùng một thời điểm. Không những thế, gia đình lại chọn buổi tối để cật lực tẩm bổ, bệnh nhân ăn xong chỉ ngồi một chỗ học bài, không vận động nên thức ăn khó tiêu gây đầy hơi, chướng bụng.

Bên cạnh đó, từ khi được mẹ bồi bổ, con chị T. cho biết mình học bài khó ghi nhớ và dễ buồn ngủ hơn bình thường. Như trường hợp của chị T. là lợi bất cập hại, tưởng tăng cường sức khỏe cho con học thi nhưng lại nhồi nhét các bữa ăn một các phản khoa học, thiếu sự cân bằng về dinh dưỡng nên chẳng những con chị không thể hấp thu mà còn mang bệnh.

Ngoài chị T., chị P.T.K.A. (ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng phạm sai lầm nghiêm trọng khi bổ sung dinh dưỡng mùa thi cho con.

Con trai chị A. là N.T.Đ., đang học lớp Mười hai. Nghe bạn bè chỉ dẫn, chị A. mua các loại thực phẩm chức năng bổ não, vitamin tổng hợp dạng xách tay về cho con uống mỗi ngày. Chị nghĩ rằng ở giai đoạn học thi, con cần minh mẫn, tỉnh táo. Vài ngày nay, thấy giá cam sành rất rẻ, chị tranh thủ mua 20kg về pha nước cam cho cả nhà uống. Vì ban ngày Đ. đi học nên chỉ có thể uống nước cam vào buổi tối. Bỗng nhiên, sau 2 tuần tăng cường bổ sung vitamin cả qua đường ăn uống và thực phẩm chức năng, Đ. bỗng dưng cảm thấy cồn cào ruột gan, đau vùng thượng vị.

Lần gần đây nhất, vì con quá đau bụng, chị A. đã đưa con đi khám. Qua kiểm tra, bác sĩ cho biết con chị bị viêm loét dạ dày, nghi ngờ do tự ý bổ sung vitamin (trong đó có vitamin C) trong thời gian dài. Lúc này, chị A. mới biết thừa vitamin sẽ gây nhiều hệ lụy.

Cụ thể, với vitamin C, nếu bổ sung thừa sẽ bị rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, sỏi thận, tăng hấp thu sắt, chậm hấp thu vitamin B12 và làm giảm tác dụng của một số loại thuốc điều trị bệnh. Đặc biệt, bác sĩ cũng khuyến cáo vitamin C hay các loại thức uống chứa nhiều vitamin C như nước chanh, cam không được dùng khi đói và vào buổi tối bởi những tác hại xảy ra với hệ tiêu hóa.

Tương tự, con trai chị T.K.D. tên P.Q.B. (17 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) cũng đang có một chế độ dinh dưỡng “đặc biệt” nhằm ứng phó với cường độ học hành mùa thi. Để khỏi buồn ngủ khi thức khuya học bài, cứ sau bữa cơm tối, B. lại uống một ly cà phê. Hôm nào không có cà phê, B. uống trà hoặc nước tăng lực.

Thấy con dùng thức uống có chất kích thích vào buổi tối, chị D. đã nhắc nhở nhiều lần nhưng B. không nghe. B. nói rằng bài vở còn rất nhiều, nếu không uống cà phê sẽ buồn ngủ, không kịp hoàn thành bài trước giờ lên lớp. Nghĩ con uống cà phê để thức khuya học bài cũng là mục đích tốt, chị D. cũng đành cho qua. Tuy nhiên, gia đình chị thấy rõ B. lúc nào cũng như bị vắt kiệt sức, luôn uể oải, mỏi mệt.

Những thực phẩm nên dùng 

Rau lá xanh, cá béo, hạt óc chó là những nhóm thực phẩm có lợi cho trí não của trẻ - ẢNH: INTERNET
Rau lá xanh, cá béo, hạt óc chó là những nhóm thực phẩm có lợi cho trí não của trẻ - Ảnh: Internet

Theo thạc sĩ, bác sĩ Mai Quang Huỳnh Mai - Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 - phụ huynh cần trang bị kiến thức về dinh dưỡng từ những nguồn thông tin chính thống nhằm bồi bổ đúng cách cho con trong mùa thi. 

Trong số các thực phẩm bổ dưỡng giai đoạn trẻ học thi, phải kể tới những loại rau lá xanh như cải xoăn, rau bina, cải thìa, bông cải xanh… Những loại rau trên rất giàu dinh dưỡng tốt cho não bộ như vitamin K, lutein, folate và beta carotene. 

Bên cạnh đó, cá béo cũng là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu trong giai đoạn trẻ học thi. Đây chính là nguồn a xít béo omega-3 dồi dào (chất béo không bão hòa rất tốt cho não). Phụ huynh nên cố gắng cho trẻ ăn cá ít nhất 2 lần/tuần. Các loại cá béo bao gồm cá hồi, cá tuyết, cá ngừ... Nếu trẻ không thích ăn cá, cha mẹ cũng có thể bổ sung omega-3 hoặc chọn các nguồn omega-3 khác từ hạt lanh, bơ và quả óc chó cho trẻ.
Quả mọng cũng là một loại thực phẩm tốt cho trẻ trong mùa thi. Quả mọng có chứa flavonoid giúp cải thiện trí nhớ (sắc tố thực vật tự nhiên mang lại màu sắc rực rỡ cho quả mọng).

Chất caffeine trong trà và cà phê mang lại nhiều lợi ích hơn là chỉ giúp tăng cường sự tập trung trong thời gian ngắn. Đặc biệt, caffeine có thể giúp củng cố những ký ức mới. Các nhà khoa học tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã yêu cầu những người tham gia nghiên cứu một loạt hình ảnh, sau đó uống giả dược hoặc một viên caffeine 200 miligam. Ngày hôm sau, nhiều thành viên của nhóm caffeine có thể xác định chính xác các hình ảnh.

Tuy nhiên, bác sĩ Huỳnh Mai khuyến cáo học sinh nói riêng và mọi người nói chung không nên lạm dụng cà phê và trà. Dùng quá nhiều caffeine sẽ làm tăng nhịp tim và huyết áp.

Ngoài ra, caffeine còn có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đi tiểu nhiều, bồn chồn, cáu kỉnh, nhức đầu, chóng mặt. Uống quá đà trà và cà phê còn dễ bị ợ nóng, run cơ. Không chỉ vậy, lượng đường trong nhiều loại đồ uống chứa caffeine cũng bổ sung lượng calo rỗng. Điều này làm tăng nguy cơ béo phì và các vấn đề về tim mạch theo thời gian. 

Cuối cùng, quả óc chó là nguồn cung cấp tuyệt vời protein và chất béo tốt, giúp cải thiện trí nhớ do chứa nhiều loại a xít béo omega-3 (acid alpha-linolenic (ALA)). Chế độ ăn giàu ALA và các a xít béo omega-3 khác có liên quan đến việc hạ huyết áp và làm sạch động mạch, vì thế tốt cho cả tim và não. 

Dấu hiệu cần đi khám chuyên khoa dinh dưỡng

Nếu bổ sung dinh dưỡng một cách mất cân bằng, trẻ vẫn có nguy cơ bị thiếu hụt dinh dưỡng, vi chất, thậm chí suy dinh dưỡng. Trong giai đoạn học thi, trí não phải hoạt động nhiều hơn bình thường nên trẻ sẽ cần một chế độ dinh dưỡng tăng cường, phù hợp với thể trạng từng trẻ. Khi thấy con có các biểu hiện sau đây - dấu hiệu báo động của chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý - cha mẹ cần đưa con đi khám chuyên khoa dinh dưỡng để được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn điều chỉnh kịp thời:

- Không hoặc chậm tăng cân/sụt cân, giảm sự thèm ăn, không tăng chiều cao như mong đợi. 

- Không hứng thú với thức ăn và đồ uống, buồn rầu, chán nản.

- Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, ốm yếu, không khỏe. 

- Thường xuyên bệnh và mất nhiều thời gian để hồi phục hơn người khác.

- Vết thương mất nhiều thời gian để chữa lành hơn bình thường.

- Kém tập trung.

- Luôn cảm thấy lạnh.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI