Trao nhầm trẻ sơ sinh ở Bình Phước: Nỗi lòng người mẹ chưa được nhận đứa con ruột thịt

16/07/2016 - 06:23

PNO - Gần 3 tháng qua, chị Trang sống trong nỗi nhớ và những giọt nước mắt. Kể từ ngày gặp lại con gái do mình dứt ruột đẻ ra ở bên huyện Hớn Quản (Bình Phước), chẳng ngày nào chị Trang được ngủ yên.

Linh cảm của người mẹ

Chiều ngày 15/7, chị Nguyễn Thị Trang (26 tuổi, ngụ phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, Bình Phước) nghẹn ngào khi nhớ về người con gái bị trao nhầm trong nhà hộ sinh 3 năm về trước. Hai vợ chồng đang rất mong mỏi được đón con về nhưng phía gia đình anh Huỳnh Văn Tuấn (ngụ xã Phước An, huyện Hớn Quản) vẫn chưa hợp tác.

Chị Trang tâm sự: “Tuy chưa chăm con được ngày nào nhưng ngay từ lần gặp được “giọt máu” do mình dứt ruột đẻ ra, trong người tôi đã có cảm nhận lạ lùng. Con có những đặc điểm giống tôi. Vừa nhìn thấy con, tôi đã tự nhủ trong lòng “đứa con mà vợ chồng nhọc công đi tìm kiếm suốt thời gian qua đây rồi”.

Theo phản xạ tự nhiên, vừa gặp con, chị Trang chạy tới ôm con vào lòng mà khóc nức nở. Đứa bé cũng để nguyên cho chị Trang ôm mà không có bất kỳ phản xạ nào. “Con còn quá bé để hiểu được chuyện gì đang xảy ra với mình. Tuy vậy, con không khóc, cũng không sợ hãi khi gặp vợ chồng tôi. Chỉ mới dăm ba lần tiếp xúc thôi mà tôi thấy giữa con và tôi như đã quen nhau từ lâu lắm” – chị Trang cho biết.

Ngay sau khi phát hiện ra sự việc nhầm con, vợ chồng chị Trang đã thông báo với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long để tiến hành các thủ tục trao nhận lại. Nhưng cho đến nay vẫn chưa được thực hiện vì phía gia đình anh Tuấn chưa đồng ý với mức bồi thường mà bệnh viện đưa ra.

Trao nham tre so sinh o Binh Phuoc: Noi long nguoi me chua duoc nhan dua con ruot thit
Vợ chồng chị Trang cùng người con gái bị nhầm tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long 3 năm trước.

Anh Tuấn cho rằng, việc ban lãnh đạo bệnh viện quyết định bồi thường gia đình bằng 10 tháng lương cơ bản (tương đương 12 triệu đồng) cùng với số tiền 8 triệu đồng hỗ trợ là chưa phù hợp. Bởi chi phí nuôi cháu bé của gia đình anh Tuấn suốt 3 năm qua tốn kém nhiều hơn thế. Không những vậy, gia đình anh còn tồn thất rất lớn về mặt tâm lý.

Anh Tuấn cho hay, nếu không thống nhất được mức bồi thường thì gia đình anh sẽ kiện ra tòa. “Vợ tôi sau khi biết sự việc đã rất sốc. Một phần chậm trao nhận lại con vì tôi sợ vợ sốc quá mà không chịu được” – anh Tuấn cho biết.

Anh Tuấn khẳng định: “Tôi cam đoan vợ chồng tôi vẫn thương cháu bé như chính con ruột của mình. Việc phát hiện có sự nhầm lẫn này không ảnh hưởng tới tình thương yêu và sự chăm sóc của vợ chồng tôi cho cháu bé”.

Sống trên “đống lửa”

Trong khi đó, phía gia đình chị Trang sống trong tình trạng “như ngồi trên đống lửa” suốt thời gian qua bởi thấp thỏm trông ngóng về đứa con bên huyện Hớn Quản. Vợ chồng chị Trang vốn là cán bộ Đoàn – công tác tại phường Phú Thịnh nhưng sau đó cả 2 đã nghỉ việc để đi tìm đứa con nhầm lẫn.

Chồng chị Trang từng phải hành nghề bán bánh mì để có cơ hội đi vào từng ngóc ngách của các vùng lân cận tìm con. Sau 2 năm không có kết quả, anh buộc phải dừng việc tìm kiếm, phó mặc cho số phận.

Thật may, đến tháng 5/2016, bố chồng chị Trang phát hiện ra đứa bé giống đặc điểm con trai mình trong khi bán bánh mì ở làng bên nên đã về thông báo cho con trai đi tìm. Chị Trang cho biết: “Từ ngày biết chính xác con đẻ của mình đang ở trong nhà khác, vợ chồng tôi đứng ngồi không yên. Mặc dù vậy, tôi vẫn tự nhủ mình không quên nghĩa vụ làm mẹ với đứa bé đang nuôi”.

Chị Trang bảo: “Dù gì cũng đã có 3 năm sống với nhau, cháu bú từng giọt sữa của tôi. Những khi cháu ho, cảm sốt vợ chồng tôi thức trắng cả đêm chăm sóc cho cháu. Dù sao thì tôi vẫn chăm cháu như chính con ruột của mình”.

Nhưng tình cảm đó của chị Trang có chút dao động từ khi biết rõ việc trao nhầm con. “Nhiều ngày qua, tôi nằm ôm cháu mà thương nhớ đến con gái của mình đang sống ở trong nhà khác. Chưa trao nhận lại con ngày nào thì tôi sống không yên ngày ấy” – chị Trang chia sẻ.

Đoàn Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI