Lại trao nhầm con ở Việt Nam: Chuyện không hi hữu

12/07/2016 - 14:44

PNO - Liên tiếp vụ việc trao nhầm con được phát hiện khiến nhiều người hoang mang. Những đứa trẻ sẽ bị tổn thương ghê gớm như thế nào?

4 tháng phát hiện 4 vụ trao nhầm con

Chỉ trong vòng 4 tháng đến nay, trên cả nước công bố rộng rãi 4 vụ trao nhầm con chấn động dư luận. Mới nhất phải kể đến là vụ việc trao nhầm con xảy ra ở tỉnh Bình Phước.

Theo đó, sáng 12/7, thừa nhận trên báo chí, Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước) xác nhận vừa đưa 2 bé gái  sinh tại đây 3 năm trước đi xét nghiệm ADN, bất ngờ cho kết quả huyết thống chéo.

Bệnh viện và hai gia đình đang thương thảo bồi thường tổn thất tinh thần và các chi phí khác để sớm làm thủ tục trao trả lại hai bé cho ba mẹ ruột. Dù vậy, 3 năm đâu phải là ít, nhìn những đứa trẻ đang hồn nhiên vui đùa, những người lớn không  giấu nổi sự buồn bã, thất vọng và tổn thương ghê gớm.

Lai trao nham con o Viet Nam: Chuyen khong hi huu
Người mẹ với kết quả xét nghiệm ADN chứng minh việc bệnh viện trao nhầm con gái 3 năm trước. Ảnh: VNE

Thế nhưng, đây chẳng còn là câu chuyện hi hữu nữa, điểm lại thời gian gần đây, hàng loạt sự việc trao nhầm con được phát hiện: Mở đầu trong năm nay là vụ việc bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (ở 75 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) vào hồi tháng 3 đã chính thức đăng tin tìm lại con đẻ đã bị trao nhầm cách đây 42 năm về trước tại nhà hộ sinh Ba Đình.

Sự việc trên chưa đến hồi kết thì cách đó chỉ vài tuần, cũng tại Hà Nội, một vụ trao nhầm con cách đây 29 năm tại nhà hộ sinh quận Đống Đa đã được tiết lộ, người bị trao nhầm con là bà Phan Thị Tuyết Hoa (53 tuổi), ở phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội. Bà sinh con gái ngày 12/12/1987, tại nhà hộ sinh quận Đống Đa, ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên  và đặt tên con là Lê Thanh Hiền, năm nay đã 29 tuổi.

Nếu như 2 vụ trước là hàng chục năm mới phát hiện thì vụ mới xảy ra vào tháng trước, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa cũng thừa nhận khi trao nhầm trẻ sơ sinh cách đây 4 năm. Vì thấy con không có nước da giống cha mẹ nên cặp vợ chồng đã quyết định mang con đi xét nghiệm ADN. Cầm tờ kết quả, anh chị đã khóc ngất... vì đứa con mình yêu thương 4 năm trời lại không phải con ruột của mình.

"Tội ác lớn"

Việc phát hiện trao nhầm con xảy ra như "cơm bữa" khiến nhiều người không khỏi sửng sốt, lo ngại. Đó không đơn thuần là câu chuyện nhầm lẫn mà có thể sửa sai ngay được mà là nỗi đau, tổn thương tâm lý chưa biết bao giờ mới lành.

Trao đổi với PV báo Phụ nữ TP.HCM về những câu chuyện tưởng hi hữu mà xảy ra liên tiếp này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Chuyên gia tâm lý trẻ em, công tác tại Khoa Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Việc trao nhầm này sẽ tác động rất lớn đến tâm lý, tổn thương nghiêm trọng đến cả em bé lẫn những ông bố, bà mẹ.

Lai trao nham con o Viet Nam: Chuyen khong hi huu
TS. Vũ Thu Hương (Chuyên gia tâm lý trẻ em, công tác tại Khoa Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội)

"Đây được xem là nguyên nhân gây sốc lớn nhất đối với một con người. Thực ra, nếu ngay từ lúc nhỏ phát hiện ra và trả lại con khoảng 3, 4 tuần tuổi thì không sao nhưng khi các bé đã lớn và có những nhận thức rồi thì đây lại là một điều rất kinh khủng.

Bởi đối với một con người thì cha mẹ giống như bến bờ yên bình nhất của mình, khi ra ngoài gặp những chuyện không vui thì ba mẹ là chỗ dựa khiến con người bình tĩnh nhất. Nên bất kỳ ai cũng vậy, điểm yếu lớn nhất của mình vẫn là cha mẹ.

Khi đứa trẻ phát hiện mình không phải là con của người mà bấy lâu mình vẫn gọi là bố là mẹ thì đấy là điều vô cùng khủng khiếp... Tôi không biết đây là nguyên nhân từ đâu, nhưng nếu là cố tình thì đó được xem là sự độc ác".

Đặt ra câu hỏi hậu quả gánh chịu của sự nhầm lẫn này tác động đến đứa bé như thế nào - khi chúng đã có những nhận thức nhất định, theo TS Thu  Hương: "Cú sốc sẽ khiến cho đứa trẻ cảm thấy thiếu tự tin, giống như kiểu bị bỏ rơi.

Hai nữa, nó không có một kỷ niệm chung với bố mẹ từ 0-3 tuổi, bố mẹ cũng thế, tình cảm trao cho nhau cũng bị trao nhầm rồi. Cả hai bên lại trao lại tình cảm cho nhau từ đầu, rõ ràng nó vẫn có một cái giống như khoảng cách và cái đó rất là khó khỏa lấp được, nó cảm thấy bơ vơ vì từ xưa đến nay, nó vẫn nghĩ người nhầm là bố mẹ của nó, và nó sợ rằng sau này người ta lại phát hiện sự nhầm lẫn nào nữa, đây là điều đáng lo ngại".

Theo TS. Thu Hương, nạn nhân bị gánh chịu sự nhầm lẫn này không chỉ riêng đứa bé mà bố mẹ của chúng cũng cảm thấy hụt hẫng, sẽ mất thời gian đầu khó khăn để bắt nhịp lại. Lấy ví dụ về câu chuyện của chính bản thân, TS. Hương chia sẻ mình cũng từng bị nhầm con nhưng may mắn phát hiện ngay trong phòng hậu phẫu: "Khi tôi sinh con, tôi sinh mổ. Trong phòng mổ thì có 3 người là phải mổ khá nặng, cho nên phải gây mê toàn thân.

Khi tỉnh dậy, không biết tôi đẻ con như thế nào và đứa bé nào là con mình. Khi mình đang  nằm bất động ở đó thì có một cô y tá đến trao cho mình một đứa bé da rất trắng, nhỏ xíu, gầy lắm. Lúc ấy tôi biết ơn rất là nhiều, đây là con mình ư, mình cảm thấy rất hạnh phúc.

Thế nhưng, rất may sau đó cô ấy phát hiện là cô ấy trao nhầm, cô ấy lấy lại đứa bé từ tay mình sang giường bên cạnh để trao cho bà mẹ khác. Lúc đó tôi mới biết bị trao nhầm thật, cảm thấy bị tổn thương. Cảm xúc ban đầu mình đã dành cho đứa bé kia mất rồi chứ không phải là con của mình. Sau này, khi cháu lớn lên nảy sinh tình cảm mẹ con bình thường nhưng bây giờ nghĩ lại, mình rất yêu con vẫn cảm thấy nuối tiếc bởi cảm xúc đầu tiên mình lại không dành cho con của mình".

Với câu chuyện của mình, TS. Hương muốn nhấn mạnh việc bệnh viện trao nhầm con hay vì lý do nào đó khiến đứa bé bị trao nhầm ảnh hưởng vô cùng lớn đến tâm lý, tình cảm của đứa bé và chính những người thương yêu nó.

Việc trao nhầm, không phải đơn giản là nhầm trả lại là được rồi, nó còn mang lại nhiều hệ quả tâm lý nghiêm trọng mà sau khi nhận lại, các bậc cha mẹ phải hết sức lưu ý - TS. Hương nhấn mạnh.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI