Trao giải thưởng Kovalevskaia cho những người mang “tình yêu với virus”

20/05/2020 - 07:57

PNO - Những nỗ lực và “tình yêu với virus” của tập thể nữ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, theo PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai, đã ghi nhận bằng giải thưởng Kovalevskaia.

 

Tập thể nữ Phòng Viện vệ sinh dịch tễ nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2019
Tập thể nữ Phóng thí nghiệm Cúm, khoa Virus, Viện vệ sinh dịch tễ nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2019

Chiều 19/5, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2019. Giải thưởng mang tên nhà nữ toán học người Nga lỗi lạc đã được trao cho tập thể khoa học nữ Phòng Thí nghiệm Cúm, khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) và cá nhân PGS-TS Trần Thị Thu Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên. 

Phát biểu tại buổi lễ trao giải, PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng, Trưởng phòng Thí nghiệm cúm, đại diện tập thể nữ nhận giải thưởng - chia sẻ: “Tình yêu của chúng tôi với… virus cúm đã được ghi nhận”. 

Họ đã tập trung nghiên cứu tìm hiểu đặc điểm vi rút cúm, vật chủ (người, động vật) và các yếu tố môi trường tác động đến sự tiến hóa và sự nổi trội nguy hiểm của vi rút cúm, đặc biệt là khả năng lây truyền của vi rút cúm A từ động vật sang người.

Phòng cũng phát triển và hoàn thiện các phương pháp giám sát, phát hiện nhanh các tác nhân vi rút gây nhiễm trùng nổi trội: cúm mùa, cúm gia cầm với khả năng tiềm tàng lây nhiễm cho người hoặc gây đại dịch, từ đó cho phép đánh giá nguy cơ và xây dựng các biện pháp ứng phó. Các nghiên cứu này đều hướng đến mục tiêu chung là giảm gánh nặng bệnh tật của dịch bệnh cúm mùa và giảm nguy cơ, ảnh hưởng của đại dịch cúm nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới.

Đặc biệt, hơn 4 tháng cùng cả nước chống COVID-19, tập thể nữ của Phòng Thí nghiệm Cúm đã thành công trong việc kết nối, hệ thống những thành tựu nghiên cứu tại Việt Nam và phát triển lý thuyết khoa học, đi từ vi rút cúm tới chế phẩm vắc xin cúm mùa và vắc xin cho đại dịch cúm.

Tại buổi lễ, PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai xúc động chia sẻ, trong những nỗ lực đã được ghi nhận của tập thể, có một phần công lao không nhỏ của người thân và gia đình đã hỗ trợ các chị tập trung vào công việc nghiên cứu. 

PGS.TS Trần Thị Thu Hà
PGS.TS Trần Thị Thu Hà (áo dài đỏ) nhận giải thưởng Kovalevskaia dành cho cá nhân

Cũng giống như PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai, PGS-TS Trần Thị Thu Hà khi nhận giải thưởng Kovalevskaia trao tặng cho cá nhân xuất sắc cho biết, để có mặt tại đây, chồng và hai con là những người đã phải chịu sự thiệt thòi, vất vả nhiều nhất. “Tôi cám ơn sự chia sẻ, cảm thông của gia đình để tôi có thể đứng ở đây và nhận giải thưởng cao quý này” - PGS-TS Trần Thị Thu Hà nói. 

PGS-TS Trần Thị Thu Hà là nhà khoa học nữ tâm huyết, say mê trong nghiên cứu và bảo tồn, nhân giống các loại cây gỗ, dược liệu quý ở Việt Nam. Tới nay, chị đã lai tạo và nuôi trồng thành công 40 loại cây dược liệu quý của Việt Nam, mang lợi ích kinh tế cao như thông đất, lan kim tuyến, gừng gió, thất diệp nhất chi hoa, sa nhân tím, sói rừng, kim ngân hoa, sâm Ngọc Linh…

Bên cạnh đó, PGS-TS Thu Hà còn tập trung nghiên cứu và ứng dụng sinh học phân tử và hóa sinh phân tử vào xác định đúng loài và hoạt tính dược liệu phục vụ cho việc tạo ra giống tốt, trồng với quy mô công nghiệp, giúp phát triển ngành dược liệu của Việt Nam. Sau khi đã tạo ra những cây giống có chất hoạt tính dược liệu cao, chị Thu Hà đã đưa ra quy trình trồng dược liệu ở quy mô lớn để tạo việc làm cho người dân. 

H.Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI