GS-TS Nguyễn Kim Phi Phụng - giải thưởng Kovalevskaia 2016 Người phụ nữ “quần quật vì cái mới”

08/03/2017 - 20:50

PNO - Sáu giờ chiều, cầu thang đã tối om, thoảng mùi hóa chất. Tôi lên lầu 1, vào căn phòng còn sáng đèn ở đầu cầu thang. Mùi hóa chất càng thêm đậm. Căn phòng đầy kín mấy dãy dụng cụ thí nghiệm.

Trên lối đi xếp ngay ngắn mấy chiếc cột sắc ký lớn. Ở dãy dụng cụ trong cùng, vài nhóm sinh viên đang thực hành. Gần cửa, một người lom khom kéo chiếc bao tải lại góc phòng, rồi quay sang điều chỉnh chiếc cột sắc ký. Mọi thứ cứ bình thản tiếp diễn như ngày làm việc vẫn còn dài.

GS-TS Nguyen Kim Phi Phung - giai thuong Kovalevskaia 2016  Nguoi phu nu “quan quat vi cai moi”
GS TS Nguyễn Kim Phi Phụng trong thế giới của cái mới

Người của cái mới

Đó là một trong những ngày “không có đêm” ở phòng thí nghiệm hóa học hữu cơ, Trường ĐH KHTN TP.HCM. Tìm GS-TS Nguyễn Kim Phi Phụng - người vừa đoạt giải thưởng Kovalevskaia 2016, bằng hình dung về một nhà khoa học nữ nghiêm nghị và… xa cách, gặp những hình ảnh đó trong phòng, tôi đã nghĩ, chắc là không có người mình đang cần gặp. Nhưng, như nhận ra người khách từng hẹn gặp, cái bóng lom khom nãy giờ đứng thẳng dậy, là chị! Chị đưa cánh tay lên gạt mấy sợi tóc lòa xòa trước mặt, cười: “Dạ, tôi là Phi Phụng”. Rồi chị nhanh nhẹn mời tôi đến một góc phòng.

Cái dáng gầy gầy, cùng cung cách giao tiếp cổ điển, đôi mắt nheo nheo của chị khiến tôi liên tưởng đến những nhà khoa học thầm lặng ngày xưa trong mấy cuốn tiểu thuyết. Nhưng, vừa nghe tôi nhắc đến chữ “xưa”, chị lắc đầu ngay, chiếc kính lão buộc sợi dây màu đen đung đưa: “Làm khoa học là phải mới chứ không được “xưa”, tìm ra cái gì mà thấy nó “đã xưa” là… rầu rồi!”. Câu nói thân tình như gói gọn toàn bộ sự nghiệp của chị suốt 40 năm qua.

Sinh năm 1955, tốt nghiệp Khoa Hóa, ĐH KHTN TP.HCM năm 1977, chị được giữ lại trường làm nghiên cứu sinh. Đi vào chuyên ngành hẹp “nghiên cứu hợp chất thiên nhiên”, mục tiêu nghiên cứu duy nhất của chị là “tìm ra chất mới trong cây cỏ tự nhiên”. Chị diễn tả về công việc của mình thật gọn gàng. Những nghiên cứu khoa học với đầy thuật ngữ quanh những loài cây “thuần Việt” như bông vải, cây ràng ràng, mắm quăng; hay những thành quả từng được báo chí nhắc tên khi chị phát hiện hợp chất ức chế tế bào ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi - được đề cập rất đơn giản. “Mỗi lần tìm ra được một chất mới là… xong một nghiên cứu hóa học, không tìm ra thì coi như thất bại”, chị nói.

Thật ra, so với hàng ngàn nhà khoa học ở những phòng thí nghiệm tiên tiến khắp thế giới, việc phát hiện ra một chất thật sự mới trong điều kiện nghiên cứu ở một nước đang phát triển như Việt Nam là vô cùng khó. Từ lúc mới vào nghề, chị đã đối diện với vô số lần thất bại… “thấy rầu”. Quy trình thoạt nghe rất đơn giản, chỉ cần lấy một loại cây lạ, “có vẻ như chưa được nghiên cứu” về phân tích, rồi nghiên cứu, xác định công thức hóa học, kết thúc nghiên cứu bằng việc dùng phần mềm Scifinder để kiểm tra xem hợp chất đó đã được tìm thấy trên thế giới chưa.

Thế nhưng, từng công đoạn lại có những thách thức riêng, phần mềm Scifinder lại chưa có ở Việt Nam, nên cứ sau một hành trình dài dặc, người làm nghiên cứu phải gửi công thức hợp chất tìm được cho đồng nghiệp ở nước ngoài kiểm tra giúp. 40 năm trời, chị bao lần hào hứng tìm, đắm mình với những loại cây lạ, tách chất, nghiên cứu, vỡ òa niềm vui khi tìm ra được một chất mới sau hàng tháng trời miệt mài, đến khi gửi công thức đi kiểm tra xong lại… thất vọng vì hợp chất ấy từng được người khác phát hiện. Không chỉ thế, “cây mới” chỉ có ở những vùng đất mới.

Người làm nghiên cứu có khi phải lên cao nguyên, lặn lội đến tận những cánh đồng ngập mặn. Có khi, loài cây mới là một món quà tình nghĩa của đồng bào thiểu số ở một vùng núi sâu gửi về theo xe khách, thầy trò phải ra bến xe để nhận. Phải sau bao nhiêu “quy trình” như thế, bao nhiêu “chất mới” được tìm thấy, mới có được một chất thật sự mới trên thế giới.

GS-TS Nguyễn Kim Phi Phụng gọi thành công của những quy trình dài dặc và đầy rủi ro ấy là “duyên”, là “may mắn”. Nhưng nhìn lại 40 năm làm việc, với 35 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, 98 bài báo khoa học trong nước, hàng trăm nghiên cứu thành công, lớp lớp học trò thành tài, mới thấy cái gọi là “may mắn” của chị, nếu có, cũng chỉ là “công đoạn” cuối của tất cả những bền bỉ dấn thân. Hiểu sự khắc nghiệt của khoa học, chị có cả một “cơ chế của cái mới” để ứng dụng trong việc dạy học.

Tin rằng “người ta chỉ xác định được cái mới khi đã biết được cái cũ” và nắm được những công cụ cơ bản, phải xóa nhòa biên giới trong việc nghiên cứu; chị hết lòng hỗ trợ học trò nghiên cứu bằng tiếng Anh. Dù trường tuyển sinh và dạy bằng tiếng Việt nhưng chị luôn yêu cầu sinh viên và nghiên cứu sinh viết luận văn bằng tiếng Anh. Để “tăng thêm động lực”, chị mời những giáo sư nước ngoài cùng hợp tác hướng dẫn, kết nối để sinh viên trao đổi, nhờ hỗ trợ, nhằm giúp “các bạn tự rèn luyện tiếng Anh vì nhu cầu giao tiếp tự nhiên đó”. Tự nhận “cô cũng không giỏi tiếng Anh hơn các bạn” và “bày” ra những cách đó, chính chị cũng phải tiếp tục cùng học với các học trò, vì một thế hệ “làm nghiên cứu tầm cỡ quốc tế”.

Bận bịu với rất nhiều những nghiên cứu, hướng dẫn nhưng quan sát thấy sinh viên nước ngoài “học ít hơn sinh viên của mình mà vẫn giỏi”, chị cứ… ấm ức. Tìm hiểu kỹ nguyên nhân, chị quyết định áp dụng mô hình kiểm tra thường xuyên của các giáo sư nước ngoài. Từ đó, sau một ngày “cày cuốc” đến tối mịt ở trường, chị lại ôm về một xấp bài kiểm tra, cặm cụi đến nửa đêm để chấm, sửa, ghi nhận xét rồi tổ chức trả bài, góp ý - đó là những bài kiểm tra không có trong quy định, không được trả lương.

“Phụng... khùng”

Theo đuổi nghiên cứu khoa học từ cái thời đất nước còn nghèo khổ, nên chị Phụng thường được nghi vấn phải là… con nhà nòi mới vậy; nhưng hóa ra chị vốn “ba làm thợ xây, mẹ nội trợ”, chị chỉ là… “vợ nhà nòi”. Đùa như thế bởi chồng chị là PGS-TS Đặng Văn Liệt. Anh chị kết hôn ngay khi chị mới ra trường, phải đối mặt với áp lực vừa làm vợ, vừa làm nghiên cứu sinh. Thời gian ấy, chị phải cắm cúi ở phòng thí nghiệm đêm ngày; anh không chỉ vừa đi dạy, vừa nghiên cứu mà còn một tay lo liệu nhà cửa, chăm nom con cái. Anh gạt đi mọi áy náy của chị bằng câu nói quen thuộc từ khi còn là thầy của vợ: “Em lo học đi!”. Tuy vậy, những năm làm nghiên cứu sinh vẫn là những năm vất vả nhất của đời chị.

Chị còn nhớ, những năm ấy vì “đùm đề con cái, tã sữa”; không chỉ phân tâm với con cái mà còn vì điều kiện nghiên cứu trong nước quá thiếu thốn, nên luận văn của chị phải kéo dài đến tám năm mới xong. Suốt chừng ấy thời gian chị phải sống trong tâm thế của một người luôn căng mình làm việc hết công suất; thời gian hiếm hoi được ở nhà cũng quần quật với con. Anh lặng lẽ hỗ trợ, cố giữ cho vợ được yên tâm tuyệt đối trong chặng đường đầu tiên bước vào khoa học. Những năm ấy, có những buổi chiều muộn chị về nhà, thấy anh một tay khăn, một tay cầm chén cháo, bày trò vui để dỗ con gái ăn tròn bữa tối. Lại có hôm về muộn, chị dở khóc dở cười nhìn mấy cha con lấm lem nằm lăn dưới sàn ngủ quên, không kịp chờ mẹ về.

Đến năm thứ sáu làm nghiên cứu sinh, chứng kiến bao trắc trở của chị, PGS-TS Nguyễn Ngọc Sương đã quyết định “Phi Phụng phải ra nước ngoài du học mới có cơ hội hoàn thành nghiên cứu sinh”. Đưa ra đề xuất ấy, cô Sương còn kèm theo cả phương án tìm giáo sư hướng dẫn, xin học bổng cho học trò. Từ lúc chuẩn bị đến khi có kết quả đạt học bổng của một trường ở Pháp, chị Phụng chỉ thấy… hoang mang, do dự. Học bổng hai năm, vậy là suốt hai năm ấy không về thăm nhà, không gặp chồng con. Thời khắc quyết định đó, chồng chị cương quyết khuyến khích vợ lên đường. Để thuyết phục chị, anh gọi điện tìm ngay một người chị ở quê lên giúp chăm con cái, nhà cửa.

Chị sang Pháp. Ngoài những lúc đắm chìm trong thư viện, phòng thí nghiệm, thời gian còn lại mọi thứ với chị cứ như trống rỗng. Nghĩ mình làm vợ, làm mẹ mà bỏ chồng con biền biệt hai năm trời là chị rớt nước mắt. Nhớ nhà, chị liên tục gọi về. Gần như tuần nào chị cũng gửi và nhận được thư chồng, thông tin về tình hình gia đình và những gửi gắm riêng tư. Có lần dạo chơi Paris, chị đã cố tìm cho được đĩa nhạc có bài Ở hai đầu nỗi nhớ, đêm nào cũng mở lên, vừa nghe vừa hát theo “mà khóc cho đã đời”. Trong năm thứ 2 ở Pháp, một lần chị gọi về, muốn nói vài câu với ba chị nhưng anh cho biết “ba đang ốm”.

Những ngày sau đó, câu chuyện qua điện thoại của anh chị thường xoay quanh đề tài “ba ốm” và những thông báo của bác sĩ. Yên tâm đã có anh chăm sóc ba mẹ, chị không nhận ra cái giọng hơi chùng xuống và những câu chuyển đề tài liên tục của anh. Khá lâu sau đó, như nghĩ đã chuẩn bị tâm lý cho vợ, anh mới viết thư nói thật, là ba “đã mất đột ngột trước lúc em gọi về đòi gặp, những diễn biến về sau là anh… tự nghĩ ra để em yên tâm”. Đọc những dòng xin lỗi của chồng, chị gập người khóc nức nở. Nhưng rồi những lời hứa “anh sẽ chu toàn mọi việc, em cứ lo học…” của chồng đã lại vực chị dậy.

Giờ đã ngoài 60 tuổi, lời nhắc “lo học” năm xưa anh dành cho chị lại trở thành lời... can ngăn chị “bớt việc”. Những đợt cao điểm, thấy chị chật vật với những việc ngoài yêu cầu của nhà trường, anh lại  trêu: “Phụng khùng!”. Chị chỉ lườm chồng, rồi cười xòa, tiếp tục công việc. Cứ thế, mỗi lần rị mọ làm việc khuya, thấy chồng sốt ruột đi qua đi lại, là chị nhanh nhảu nói trước: “Phụng khùng!”. Rồi vợ chồng cùng cười vang. Chị nói: “Tôi không bao giờ nhớ chi tiết chuyện đã qua vì còn phải bận tâm với quá nhiều chuyện. Nếu cứ hoài cổ, nhớ nhung thì lỡ việc mất”. Cũng vì thế, những khó khăn còn lưu lại trong câu chuyện 40 năm của chị chỉ… chung chung, không rõ chi tiết; cả những ngọt ngào, những may mắn cũng phải quýnh quíu “liệt kê”, sợ sót…

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI