Trang phục của mất mát

14/03/2015 - 11:09

PNO - PN - Mình mới tình cờ gặp A., vợ một người bạn của gia đình. A. mặc một cái áo khoác lông vũ màu tím sẫm, có lót mũ màu cam tươi sáng. Chị đang nói chuyện với hai người bạn khác, không rõ về cái gì, rồi tất cả cùng cười.

edf40wrjww2tblPage:Content

Một cảnh thường thấy như mọi ngày và không có gì đáng kể, nếu như mình không dừng lại nói chuyện với A., và biết mẹ chồng chị ở Úc vừa mất. Khi A. đi rồi, mọi người nói: “Cô ấy thật can đảm và đáng yêu”.

Chiếc áo có lớp lót mũ màu cam của A. làm mình nhớ đến việc cách đây ít lâu, mình có đọc trên mạng mọi người ném đá tàn tệ một người thân của người vừa mất do bạn này ăn mặc quá tươm tất (theo quan điểm của những người ném đá).

Trang phuc cua mat mat

Ảnh: Ngọc Hồ.

Tất nhiên cái áo A. mặc không phải trong đám tang, nhưng thử nghĩ nếu A. là người Việt Nam, bị bắt gặp mẹ chồng vừa chết lại mặc một cái áo có màu cam sáng, đứng cười nói với bạn bè? Chắc ăn đá đến "no".

Mình thì không thấy cách ứng xử của A. có gì kỳ lạ. Cuộc sống ở đây là vậy. Hàng ngày chị vẫn phải đưa hai con nhỏ đến trường, gặp gỡ giáo viên và những phụ huynh khác, gặp gỡ hàng xóm, đồng nghiệp… - những người cũng hàng ngày phải thầm lặng vượt qua các vấn đề của mình, cố gắng tạo ra và gìn giữ cảm xúc tích cực cho bản thân cũng như những người xung quanh.

Việc A. hành xử tích cực không có nghĩa là chị không yêu thương mẹ chồng, không đau đớn khi bà ra đi. Nhưng có lẽ chị hiểu dù sao cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, và chị không muốn cảm giác đau đớn của mình ảnh hưởng đến không khí xung quanh. Thậm chí, trong hoàn cảnh này, chị càng phải vững vàng cả về tâm lý và sức khỏe để là chỗ dựa cho gia đình hoặc ít nhất cũng là để “tự túm tóc”, không để mình quỵ ngã và gây thêm phiền toái cho người thân.

Ở Đức, bạn đừng lạ nếu gia đình ai đó có tang mà người thân vẫn đi chơi công viên hoặc ăn nhà hàng với một vài bạn bè thân thiết. Cũng đừng lạ nếu đám tang chẳng có ai gào khóc lăn lộn, chân đi đất, đầu tóc rũ rượi, thậm chí lăn xả xuống huyệt ôm quan tài người chết. Người thân của người chết mặc đồ tang đẹp, trang trọng, phù hợp với thời tiết, những trao đổi ở đám tang cũng thường là những câu chuyện tích cực, có nhiều nụ cười, cho dù cũng sẽ có những nước mắt không thể kìm giữ nổi.

Mẹ chồng mình là một nghệ nhân ikebana có tiếng một thời và rất có uy tín trong cộng đồng của bà, nhưng đám tang bà lại là đám tang ít hoa nhất mà mình từng tham dự. Gia đình đề nghị mọi người không mang hoa, mà tặng tiền phúng viếng vào quỹ của một trung tâm người khuyết tật của thành phố. Giản dị, không ồn ào, nhưng đám tang của bà là đám tang trang trọng nhất, đẹp nhất, ấm áp nhất mà mình từng biết.

Một nhà báo người Anh hỏi mình về phong tục tang lễ ở Việt Nam, và bạn rất ngạc nhiên là sao nó lại bi thảm và nhiều kịch tính đến thế. Tại sao lại đông người đến dự như vậy, trong đó có những người cũng chẳng mấy thân thiết với người chết. Tại sao thân nhân không ăn mặc tươm tất, tại sao có người đi chân đất hay dép lê lội bùn, như vậy có bị cho là thiếu tôn trọng không? Ở đây, tất nhiên có sự khác biệt về văn hóa, mình không hề có ý cho rằng văn hóa nào đúng văn hóa nào sai. Mình cảm thấy thật sự buồn mỗi khi thấy nhiều người Việt Nam có thói quen đi đám tang về lại quay sang chê bai gia chủ.

Đám tang là một dịp để ta chia sẻ mất mát với tang quyến, để cùng họ chia tay với người ra đi, chứ không phải một vở diễn và ta là những nhà phê bình sân khấu. Đám tang ít hoa không có nghĩa là người nằm xuống không được trọng vọng yêu mến, rất có thể chỉ vì người tổ chức không muốn đám tang lãng phí và phô trương. Gia đình không khóc lóc lăn lộn, áo quần đẹp đẽ tươm tất không có nghĩa là họ không thương tiếc người thân. Và nếu như họ vẫn cười nói khi gặp ta, vẫn làm những công việc hàng ngày thì đâu phải họ không còn nhớ thương người vừa nằm xuống.

Mình nghĩ, chỉ trừ những trường hợp vô cùng đặc biệt, quan hệ bị tổn thương quá nặng nề và không được hóa giải, còn thì ai cũng đau buồn khi người thân ra đi. Một người bằng xương bằng thịt, từng gắn bó, từng là một phần cuộc sống của ta, khi người ấy biến mất vĩnh viễn, ai mà chẳng cảm thấy chênh vênh, mất mát. Mỗi người thân ra đi sẽ mãi là một ô trống không gì thay thế, lấp khuất nổi.

Tuy nhiên, mỗi cá nhân, tùy văn hóa, hoàn cảnh, quan niệm sống, sẽ có những ứng xử khác nhau với sự mất mát mà có thể ta đồng cảm, có thể ta chưa hiểu được.

Vậy xin đừng làm họ tổn thương thêm vì những phán xét của ta, những người dẫu có thương tiếc người ra đi thế nào cũng không so sánh được với người trong gia quyến.

Càng hạn chế phán xét về cuộc sống riêng tư của người khác, chẳng phải cuộc sống xung quanh và chính bản thân ta sẽ càng trong lành và yên tĩnh hơn sao?

DẠ THẢO PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI