TPHCM vào năm học mới với nhiều kịch bản ứng phó dịch

01/09/2021 - 06:33

PNO - Hôm nay 1/9, học sinh TP.HCM chính thức bước vào năm học mới 2021-2022 giữa lúc tình hình dịch COVID-19 phức tạp. Với một khởi đầu không thể khó khăn hơn, vị “tư lệnh” ngành giáo dục thành phố - ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ những tình huống dự liệu, kịch bản ứng phó để ngành giáo dục vượt khó, hoàn thành mục tiêu năm học.

* Phóng viên: Năm học bắt đầu trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Có ý kiến cho rằng nên tựu trường chậm hơn thay vì vào đầu tháng Chín, ông có nghĩ ý kiến này cần được quan tâm?    

- Ông Nguyễn Văn Hiếu: Rất khó để đưa ra câu trả lời khi nào sẽ hết dịch. Nếu dịch kết thúc vào tháng Mười thì thật tốt, các trường có thể đón học sinh (HS) trở lại. Nhưng nếu nhiệm vụ chống dịch phải mất nhiều thời gian hơn nữa thì chúng ta không thể để HS “chờ” suốt thời gian đó. Vì thế, cần thực hiện “tạm chưa đến trường, nhưng không dừng học”.  

UBND Thành phố quyết định bắt đầu năm học kịp thời bằng hình thức học trực tuyến cùng với kế hoạch sẽ củng cố, bổ sung kiến thức cho HS khi trường học mở cửa trở lại. Chúng ta phải tận dụng các khoảng thời gian hợp lý. Bởi không có gì chắc chắn rằng trong suốt năm học, dịch bệnh sẽ không tái phát, khi đó nếu không còn thời gian dự trữ sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành chương trình, nhất là HS cuối cấp cần tham gia các kỳ thi, du học…

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

HS học trực tuyến một, hai tuần đầu có thể sẽ bỡ ngỡ nhưng cũng sớm quen với phương pháp này. Chúng tôi mong phụ huynh đồng hành cùng nhà trường giúp HS làm quen với công nghệ, hình thành kỹ năng tự học, rèn luyện thói quen học trực tuyến, tra cứu tài liệu trên internet… Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng chuẩn bị kế hoạch giảng dạy chi tiết để ứng phó trong điều kiện dịch bệnh kéo dài. 

* Đó là những kế hoạch nào, thưa ông?

- Đó là thực hiện kế hoạch giáo dục nhằm mục tiêu hỗ trợ hoặc thay thế cho hình thức dạy học trực tiếp tại các trường. Ngành giáo dục đang chuẩn bị đầy đủ nhất các điều kiện để tổ chức dạy học trên internet, hỗ trợ các HS không thể tham gia học tập trên internet có thể học tập tại nhà. Xây dựng phương án tổ chức dạy học đa dạng: trực tuyến, trực tuyến - trực tiếp, trực tiếp nhằm linh động ứng phó trước tình hình dịch bệnh. Hiện, các trường đang khảo sát và thu thập thông tin HS nào có thể học trực tuyến, học qua truyền hình, không thể học trực tuyến… Từ đây, xây dựng ba phương án tổ chức hoạt động dạy học cho từng nhóm đối tượng HS. 

Dạy học qua internet là phương án ưu tiên số một trong giai đoạn hiện nay của TP.HCM. Đối với HS trung học, việc học trực tuyến đã được làm quen. Vấn đề hiện nay sẽ lưu ý đối với bậc tiểu học. Tuần đầu tiên sẽ chưa học ngay chương trình mới mà tập trung hướng dẫn HS làm quen phương pháp học tập qua môi trường internet, hướng dẫn phụ huynh HS (đặc biệt là phụ huynh HS lớp Một) phương pháp hỗ trợ việc học cho HS.

Mỗi trường phân công giáo viên ở từng tổ/khối thiết kế, xây dựng bài dạy, gồm các hoạt động và hệ thống bài tập tương tác, đăng tải theo thời khóa biểu học tập trên website trường. Giáo viên dạy học bằng hình thức trực tuyến, có tương tác giữa giáo viên và HS. Trong quá trình tương tác, giáo viên đánh giá HS bằng nhiều hình thức phù hợp, động viên sự cố gắng, tiến bộ dù là nhỏ nhất của các em…

Thứ hai, đối với các HS gặp khó khăn về phương tiện học tập trực tuyến (đường truyền, máy tính…) thì có thể thiết kế qua tin nhắn ứng dụng OTT (như Skype, Messenger, Zalo, Viber…), qua thư điện tử, các phương tiện thông tin liên lạc khác.

TP.HCM đã chuẩn bị nhiều phương án dạy học để không học sinh nào bỏ lỡ năm học
TP.HCM đã chuẩn bị nhiều phương án dạy học để không học sinh nào bỏ lỡ năm học

Phương án thứ ba, trong trường hợp HS không có bất kỳ phương tiện nào để học qua internet thì trường sẽ in sao bài giảng được thiết kế trọng tâm, dễ hiểu và gửi đến cho cha mẹ HS. Việc dạy học bằng cách cung cấp các tài liệu in sẵn nhằm hướng dẫn học tập và được chuyển đến nhà HS thông qua mạng lưới điều phối của ngành giáo dục và địa phương. Tùy theo điện kiện cụ thể mà các trường áp dụng, cũng như phối hợp cả ba phương án.  

* Trong trường hợp HS có điều kiện khó khăn không thể tham gia học, ngành giáo dục có giải pháp gì?

- Sở đã chỉ đạo các đơn vị và hướng dẫn giải pháp để mọi HS đều có thể tham gia học, không nhiều thì ít, tuyệt đối không để các em bỏ mất một năm. Trong điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp còn nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách và các nhiệm vụ phòng, chống dịch, đòi hỏi có sự quyết tâm, tập trung cao độ, chủ động, tích cực, nỗ lực của lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng các trường và toàn thể giáo viên, nhân viên để có thể tổ chức tốt việc dạy học trên internet; và có nhiều hình thức hỗ trợ, giúp đỡ những HS chưa thể tham gia học tập trên internet được tham gia học tập bằng nhiều hình thức phù hợp ngay từ tháng Chín.

Các trường, cụm trường xây dựng các clip ghi hình, kho dữ liệu dùng chung… để thêm hình thức cho HS tiếp cận kiến thức khi không có điều kiện học trực tuyến. Tùy điều kiện của từng trường/lớp, giáo viên lựa chọn và đa dạng các hình thức dạy học phù hợp. Bên cạnh thời gian thực học trực tuyến, nhà trường và giáo viên còn có nhiều kênh để hỗ trợ HS trong quá trình học (YouTube, tài liệu giấy, trao đổi nhóm, nghiên cứu bài học, tự học, tự kiểm tra…).

* Nhiều ý kiến cho rằng dạy học trực tuyến không thực sự hiệu quả, vậy TP.HCM có khắc phục được nhược điểm này?

- Không có phương pháp dạy học nào là tối ưu, nhưng xét trong điều kiện hiện nay, dạy học qua internet có thể đáp ứng được yêu cầu cần thiết nhất nhằm đảm bảo quyền lợi học tập của HS. Các hạn chế cũng đã được dự liệu nên việc khắc phục sẽ được thực hiện từ từ. Sở đã chỉ đạo tổ chức dạy và học trong hoàn cảnh khó khăn này và nhất quán từ việc đưa ra yêu cầu, hướng dẫn học tập đến sắp xếp, bố cục nội dung, sử dụng công nghệ và cách thức kiểm tra đánh giá.

Với những nỗ lực ứng phó dịch bệnh, hy vọng học sinh TP.HCM sẽ trở lại trường trong thời gian sớm nhất ẢNH: HOÀNG HÙNG
Với những nỗ lực ứng phó dịch bệnh, hy vọng học sinh TP.HCM sẽ trở lại trường trong thời gian sớm nhất ẢNH: HOÀNG HÙNG

Điều quan trọng là tinh thần, sự nỗ lực và hợp tác của người học, người dạy và phụ huynh HS. Đối với HS, các em nỗ lực cố gắng thích ứng, có động lực học tập tốt. Đối với giáo viên, xác định nhiệm vụ, đầu tư vào hoạt động dạy học; thúc đẩy và khuyến khích HS tham gia các hoạt động học tập trực tuyến và hoạt động tự học; quan sát và nhắc nhở, động viên HS qua email hoặc các phương thức giao tiếp phù hợp. Đối với phụ huynh, tôi rất mong các bậc phụ huynh sâu sát, động viên con em học tập, tạo điều kiện thuận lợi, cùng đồng hành với con em mình vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh vai trò của phụ huynh đồng hành cùng con trong giai đoạn này là cực kỳ quan trọng. Tôi cũng mong muốn tất cả thầy cô nỗ lực, vượt khó, đồng hành cùng nhà trường và ngành giáo dục thành phố. Nếu có sự nỗ lực của tất cả, tôi tin chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu giáo dục trong năm học đặc biệt khó khăn này.
* Xin cảm ơn ông. 

 

Ba kịch bản cho năm học 2021-2022

Ở bậc trung học (kể cả giáo dục thường xuyên), HS được tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trực tuyến và củng cố kiến thức từ ngày 1 đến 5/9. Từ ngày 6/9, học sinh bước vào chương trình chính thức. Với bậc tiểu học, việc tổ chức lớp từ ngày 8/9 đến 19/9, sau đó sẽ học chính thức. Hết khoảng thời gian trên, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tiếp tục đưa ra ba phương án tổ chức dạy học năm học mới.

Kịch bản một, đến ngày 15/9 - thời điểm hết giãn cách xã hội, dịch COVID-19 được khống chế tốt, các trường được trưng dụng làm khu cách ly được bàn giao, tiếp tục dạy trực tuyến theo kế hoạch 4 - 6 tuần đầu năm học. Tùy trường hợp cụ thể, trường học được bàn giao sẽ tổ chức dạy trực tiếp. Riêng đối với lớp Một, các bài học được xây dựng thành phim ngắn, giúp phụ huynh tương tác, hướng dẫn trẻ dần làm quen với môi trường học trực tuyến.

Kịch bản hai, nếu dịch bệnh được khống chế và kiểm soát từ cuối tháng Chín, đến tháng Mười, các trường học mới dần được bàn giao. Lúc này, nhà trường tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến 6 - 10 tuần tính từ đầu năm học. Tùy trường hợp cụ thể, các trường tổ chức dạy học trực tiếp.

Sau khi hết giãn cách theo Chỉ thị 16 (có thể giãn cách xã hội ở mức thấp hơn), các trường sẽ ưu tiên phòng cho lớp Một, Hai, các lớp đầu cấp và cuối cấp chia nhỏ lớp, bố trí học trực tiếp. Các khối còn lại tiếp tục học trực tuyến cho đến khi tình hình ổn định trở lại.

Kịch bản ba, áp dụng cho tình huống xấu hơn, tức dịch phức tạp đến cuối năm 2021. Khi đó, các trường phải dạy trực tuyến trong học kỳ I. Tùy trường hợp cụ thể sẽ được dạy trực tiếp. Sau khi hết giãn cách theo Chỉ thị 16, các trường ưu tiên cho lớp Một và Hai, các lớp đầu cấp và cuối cấp học trực tiếp. Tiếp đó, ngành giáo dục bố trí phụ đạo, ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh lớp Một và các lớp cuối cấp, nhất là lớp 12.

Thời gian năm học 2021-2022 có thể được kéo dài đến cuối tháng Sáu, riêng lớp 12 kéo dài đến thời điểm thi tốt nghiệp THPT nhằm đảm bảo chương trình.

Hiện sở cũng đã đề nghị tiêm vắc-xin cho hơn 640.000 HS từ 12 - 18 tuổi để các em có thể sớm an toàn và an tâm học trực tiếp tại trường

Gia Tuệ (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI