TPHCM yêu cầu không xếp thời khóa biểu dạy trực tuyến 2 buổi/ngày

31/08/2021 - 17:13

PNO - Chiều 31/8, Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn các nội dung tổ chức hoạt động dạy học trong thời gian đầu năm học khi thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, các cơ sở giáo dục phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức dạy học trên Internet, hỗ trợ các học sinh không thể tham gia học tập trên Internet có thể học tập tại nhà. Xây dựng kịch bản tổ chức dạy học: trực tuyến, trực tuyến - trực tiếp, trực tiếp nhằm linh động ứng phó với tình hình dịch bệnh. Xây dựng các phương án tổ chức hoạt động dạy học cho các đối tượng học sinh.

Các tổ/nhóm chuyên môn rà soát, thống nhất nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp, tham mưu lãnh đạo đơn vị để tổ chức hoạt động dạy học sát với thực tế, không quá tải và có sự phù hợp với các đối tượng học sinh. 

Học sinh TPHCM học trực tuyến từ đầu năm học
Học sinh TPHCM học trực tuyến từ đầu năm học mới

Giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với giáo viên bộ môn liên hệ cha mẹ học sinh và học sinh trong lớp mình phụ trách từ đó có hướng dẫn học tập trên internet, lập thời khóa biểu học tập tại nhà hoặc phối hợp với đội ngũ cán bộ điều phối (mỗi phòng GD-ĐT, mỗi phường xã, mỗi trường học có 1 cán bộ điều phối) để hỗ trợ học sinh không thể tham gia học tập trên internet có thể học tập tại nhà.

Giáo viên bộ môn thành lập các kênh thông tin liên lạc với học sinh và phụ huynh học sinh để chia sẻ, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập trực tuyến.

Từ ngày 1 đến 4/9, xây dựng kế hoạch, phân công đội ngũ, chuẩn bị nội dung, tài liệu dạy học qua môi trường Internet và tài liệu học tập cho học sinh học tại nhà (do không thể tham gia học trên Internet). Đồng thời, điều tra, lập danh sách học sinh học trên Internet, học sinh không thể tham gia học tập trên Internet; tìm hiểu các học sinh và gia đình đang gặp khó khăn để phối hợp các cấp, các ngành hỗ trợ.

Từ 6 đến 18/9, các trường không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trong giai đoạn này. Triển khai các chủ đề dạy học trên Internet và gửi tài liệu hướng dẫn cho học sinh học tập tại nhà.

Chọn lựa những chủ đề, những môn học mà học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ học tập, tự học trên hệ thống quản lý học tập trên Internet để bố trí thời khóa biểu trực tuyến giúp giáo viên và học sinh tương tác, giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi học tập phù hợp đặc điểm bộ môn.

Tuyệt đối không sắp xếp thời khóa biểu trực tuyến giống hoàn toàn với thời khóa biểu học khi trực tiếp (sẽ gây quá tải cho người dạy, người học và không phát huy được hiệu quả của việc học tập trên Internet).

Tăng cường các hoạt động hướng dẫn học tập để giúp đỡ học sinh hoàn thành các chủ đề, nhiệm vụ học tập do giáo viên giao.

Sở này cũng giao nhiệm vụ cho hiệu trưởng các trường chỉ đạo các tổ, khối chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp trong thời gian giãn cách xã hội. Tuyệt đối không gây quá tải cho người dạy và người học.

Thông tin đến phụ huynh và học sinh các phương án dạy học trực tuyến của nhà trường. Giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

Phân công giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn giám sát, nắm bắt tình hình học sinh. Tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên qua tiến độ thực hiện và sản phẩm học tập của học sinh.

Tổ chức dạy học không theo cấu trúc lớp học truyền thống, hướng dẫn sự hỗ trợ lẫn nhau của giáo viên cùng một tổ trong quá trình tổ chức xây dựng, thiết kế và triển khai dạy học trực tuyến.

Tập trung nhân lực đảm bảo 100% học sinh tiếp cận đầy đủ, cơ bản nội dung học tập.

Tiến hành khảo sát, thống kê tỷ lệ học sinh không có khả năng học trực tuyến và xây dựng các giải pháp cụ thể để khắc phục. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân tạo điều kiện thuận lợi về thiết bị, kết nối mạng Internet phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, để khắc phục khó khăn trong việc tổ chức dạy và học thời gian giãn cách, các trường sẽ có cán bộ điều phối hỗ trợ học tập. Người này sẽ phối hợp chặt chẽ giữa các điều phối viên của trường - quận/huyện (phòng) - xã/phường nhằm rà soát thông tin học sinh không có điều kiện tối thiểu học tập trực tuyến và triển khai phương án hỗ trợ học sinh tiếp cận học liệu học tập đầy đủ.

Sử dụng hệ thống chuyên mục “học tập” dùng chung của phòng GD-ĐT quận/huyện, TP. Thủ Đức (THCS) và Sở GD-ĐT (THPT) dành cho học sinh không có điều kiện học tập trực tuyến, in và sao in để chuyển đến học sinh khó khăn trên địa bàn...

Được biết, từ ngày mai, 1/9, khoảng 700.000 học sinh từ THCS-THPT (bao gồm cả học viên của TT GDTX) chính thức tựu trường, làm quen với việc học qua Internet.

Phúc Trần
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI