TPHCM: Trường chuyên biệt không thể tuyển đủ giáo viên vì thu nhập không phù hợp

06/10/2022 - 11:25

PNO - Các trường chuyên biệt công lập tại TPHCM không thể tuyển đủ giáo viên do mức thu nhập không phù hợp so với các bậc học khác. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM kiến nghị UBND TPHCM có chế độ chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên chuyên biệt.

Sáng 6/10, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác giáo dục khuyết tật năm học 2021-2022. Theo đó, năm học 2021-2022 TPHCM có 33 đơn vị giáo dục đặc biệt, bao gồm 21 đơn vị công lập (3 trung tâm và 18 trường chuyên biệt) và 12 đơn vị ngoài công lập với 3.326 học sinh (308 học sinh mầm non) và 816 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Ở khối giáo dục hòa nhập, toàn thành phố có 925 trường có giảng dạy giáo dục hòa nhập. Trong đó, mầm non 125 trường, tiểu học 428 trường, THCS 289 trường, THPT 83 trường. Có tổng 9.174 học sinh học giáo dục hòa nhập, tổng số giáo viên giảng dạy là 4.516.

Phát biểu tại hội nghị, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin, năm học 2021-2022, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khi trở lại trường sau kỳ nghỉ dài, sĩ số học sinh không ổn định, khả năng học tập của nhiều học sinh bị ảnh hưởng bởi thời gian tạm dừng đến trường kéo dài. 

Một giờ học của học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM
Một giờ học của học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM

Đặc biệt, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều đơn vị thiếu nhân sự giảng dạy, phải phân công lực lượng chia nhau choàng gánh công việc, ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu quả. Một số đơn vị có giáo viên nhiệt tình nhưng lại chưa có kinh nghiệm, hoặc chưa nhạy bén để tiếp cận phương pháp dạy học mới. Vẫn còn phụ huynh chưa thật sự quan tâm phối hợp với nhà trường trong việc thực hiện chương trình chăm sóc, giáo dục học sinh vì nhiều lý do như: kinh tế khó khăn, nhận thức chưa đúng. Tại một số đơn vị, phòng học có diện tích nhỏ hẹp, không có sân chơi hoặc sân quá nhỏ nên hạn chế trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện cho học sinh...

Ông Nguyễn Bảo Quốc đánh giá, các đơn vị đã phối hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến bằng các phần mềm hữu ích trong dạy và học, học sinh có thêm nhiều hình thức để tham gia vào hoạt động học tập và rèn luyện kỹ năng. Cán bộ, giáo viên, nhân viên đều có kiến thức và trách nhiệm trong việc tự học nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ... 

Dù vậy, theo ông, các văn bản quy định về hoạt động của trường chuyên biệt còn chưa thống nhất. Hiện nay không có Điều lệ hoạt động dành cho trường chuyên biệt. Các đơn vị có phân cấp hoạt động khác nhau, có đơn vị theo mầm non, có đơn vị theo tiểu học, các trường tư thục lại theo hướng riêng nên khó thống nhất về việc thực hiện các biểu mẫu tổ chức hoạt động.

Từ khó khăn này, Sở GD-ĐT TPHCM và các đơn vị giáo dục khuyết tật kiến nghị Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình hướng nghiệp, chương trình giáo dục giới tính cho học sinh khuyết tật thần kinh, học sinh chậm phát triển trí tuệ. Đồng thời, xây dựng bộ công cụ giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp cho học sinh chậm phát triển trí tuệ. Ngoài ra còn kiến nghị nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ cho các đơn vị tư thục...

Đồng thời, kiến nghị UBND TPHCM có chế độ chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên ngành chuyên biệt nhằm đảm bảo công bằng xã hội, ổn định đội ngũ giáo viên. Có phương án hỗ trợ, tăng thu nhập cho khối công nhân viên đang công tác trong các đơn vị chuyên biệt, vì hiện nay trường chuyên biệt công lập vẫn không thể tuyển đủ giáo viên do mức thu nhập không phù hợp so với các bậc học khác.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI