Lấp “lỗ hổng” chính sách cho trẻ khuyết tật học hòa nhập - Bài 1:

Trẻ khuyết tật học hòa nhập, hành trình gian nan và đơn độc

04/10/2022 - 06:03

PNO - Chủ trương chung hiện nay là các trường học đều mở rộng cửa đối với trẻ khuyết tật học hòa nhập. Nhưng thực tế, hầu hết các phụ huynh có con khuyết tật đang rất chơi vơi, đơn độc trên hành trình tìm cơ hội học tập cho con mình.

Tốn hàng tỷ đồng, con vẫn không tiến bộ

Kể về đứa con bị tự kỷ vừa tròn 13 tuổi của mình, chị B.T. (quê Trà Vinh) chia sẻ, những năm qua là một hành trình dài hai mẹ con đưa nhau từ trường học này sang trường học khác. Từ khi bé hai tuổi, phát hiện con chậm nói, chị đưa đi khám thì được chẩn đoán bé bị tự kỷ. Thương con, gia đình chấp nhận bỏ hết công việc, nhà cửa ở quê, lên TPHCM sinh sống để tìm cơ hội cho con được điều trị và học tập. Khi bé ba tuổi, chị dắt con đi hết nhà trẻ này đến trường mầm non khác để xin học. Thế nhưng, khi biết bé tự kỷ, có trường từ chối thẳng, có trường “nói khéo”, khuyên chị nên tìm một trường tư. Người mẹ đau lòng nhìn từng cánh cổng trường học cứ thế khép lại trước mắt hai mẹ con.

Tỷ lệ trẻ khuyết tật trí tuệ chiếm tỷ lệ lớn, cần được chẩn đoán, đánh giá để có phương pháp học tập phù hợp cho trẻ (Trong ảnh: Chuyên viên đang chẩn đoán, đánh giá cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM) - ẢNH: PHÙNG HUY
Tỷ lệ trẻ khuyết tật trí tuệ chiếm tỷ lệ lớn, cần được chẩn đoán, đánh giá để có phương pháp học tập phù hợp cho trẻ (Trong ảnh: Chuyên viên đang chẩn đoán, đánh giá cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM) - Ảnh: Phùng Huy

Chị đành cho con vào học ở một trung tâm tư nhân dành cho trẻ tự kỷ ở quận Bình Thạnh. Những tháng đầu, người mẹ vui mừng thấy con khá hơn, biết tự ăn uống, đi vệ sinh. Nhưng sau một thời gian, con gần như khựng lại, không mấy tiến bộ về mặt học tập, giao tiếp. Lúc này, bé đã đến tuổi vào lớp 1, chị lại tiếp tục hành trình tìm trường cho con. Người mẹ không nhớ đã mòn gót đi xin bao nhiêu trường tiểu học tại các quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, TP.Thủ Đức. Thế nhưng, không có cánh cửa trường học nào mở ra cho đứa con tự kỷ của chị. Gạt nước mắt, chị tiếp tục gửi con vào một trung tâm tư nhân, được một thời gian thấy con không tiến bộ lại tiếp tục chuyển sang nơi khác…

“Tôi cũng tính đến việc xin cho con vào học trường nghề dành cho người khuyết tật, song cũng không dễ dàng vì con chưa thể tự lập trong sinh hoạt cá nhân, nhiều lúc vẫn phải nhờ người nhà hỗ trợ. Từ đợt dịch bệnh, tôi cho bé ở nhà đến tận hôm nay và chưa biết phải làm gì tiếp theo” - chị B.T. nói. Những năm qua, gia đình chị đã tiêu tốn nhiều tỷ đồng để gửi con vào các trung tâm tư nhân, thuê người đến nhà dạy và trị liệu, tiền khám bệnh, thuốc thang… Vợ chồng chị không được ai giúp định hướng, hỗ trợ để biết phải làm thế nào cho đúng với đứa con khuyết tật của mình. 

Nhiều trẻ lên lớp chỉ để "xí chỗ" 

Với chị M.H. (ngụ quận Phú Nhuận), hành trình 20 năm đồng hành cùng đứa con chậm phát triển trí tuệ có thể nói là một sự nỗ lực phi thường của người mẹ. Năm nay 22 tuổi nhưng con chị vẫn học lớp 12 và thi tốt nghiệp THPT đến lần thứ ba chưa đậu. Chị kể, con may mắn được các trường phổ thông tiếp nhận học hòa nhập. Tuy vậy, việc học tập rất khó khăn vì đến thời điểm vào lớp Một, bé mới phát âm được bảy chữ cái. Do vậy, cô giáo cho biết không hiểu lời bé nói, cho ngồi trong lớp nhưng không quan tâm con tiếp thu được đến đâu, cần hỗ trợ gì. Cho nên, sáng đến trường con chỉ ngồi để “xí chỗ”, buổi tối mới là thời gian học tập thực sự của hai mẹ con. 

Mỗi ngày, chị đều đến đón con sớm để tranh thủ hỏi các học sinh trong lớp xem hôm nay học môn gì, bài nào. Sau đó, con học gì thì mẹ học nấy, chị thực sự trở thành cô giáo để dạy con suốt những năm phổ thông. Có những ngày đi làm về kiệt sức nhưng chị vẫn gắng gượng kèm con học bài. Tối nào hai mẹ con cũng “vật lộn” với bài vở đến tận khuya. Có những kiến thức mới, ngày trước không được học, người mẹ phải lên mạng tìm thông tin, mò mẫm học trước rồi mới biết cách chỉ con học theo. Nhiều thời điểm chị mệt mỏi muốn buông xuôi trước áp lực vừa làm mẹ vừa làm cô giáo. Thế nhưng, nếu chị bỏ cuộc thì ai sẽ đồng hành cùng con? Nghĩ vậy, người mẹ lại vực dậy tinh thần, quyết tâm bước tiếp.

Cứ đầu năm học mới, chị lại tìm gặp giáo viên chủ nhiệm và thầy cô bộ môn để “nhờ vả”, “gửi gắm”. Có giáo viên thông cảm, nhưng cũng có người bảo phải đảm bảo chất lượng, không thể ưu ái cho bé. Do vậy, suốt quá trình đi học, dù hai mẹ con đều rất nỗ lực, nhưng vẫn có những năm con phải thi lại, phải ở lại lớp. Quá trình đi học của con đều gắn với cái mác học sinh “yếu kém”, “đần độn” khiến người mẹ hết sức đau lòng.

Chị nói, theo học hòa nhập, nhưng con chị rất ít nhận được sự hỗ trợ thực sự dành cho trẻ khuyết tật. Nhiều học sinh khuyết tật cũng như con chị đến trường chủ yếu để có bạn có bè, có môi trường, chứ khó có thể đòi hỏi thầy cô quan tâm, dành nhiều thời gian. Gần như phụ huynh đơn độc, tự nỗ lực trong việc hỗ trợ con em mình học tập. Bởi vậy, rất nhiều gia đình chỉ kèm cho con học hết tiểu học là bỏ cuộc. Với chị M.H., hành trình đằng đẵng đi cùng con vẫn chưa thấy đích đến. Con chị chưa thể tốt nghiệp THPT, cháu không thể học cao hơn, cũng không thể biết cơ hội việc làm như thế nào… 

Khó hòa nhập với bạn bè, thầy cô

Em H.T. - học sinh khiếm thính học hòa nhập tại một trường THCS ở quận 8 (TPHCM) - kể quá trình đi học của em là chuỗi ngày dài bị bạn bè cô lập, trêu chọc. Có giáo viên rất quan tâm, song cũng có thầy cô coi em như “người vô hình” trong lớp. Mỗi khi trường tổ chức các hoạt động tham quan, giao lưu, giáo viên đều đề nghị em… ở nhà. Điều này khiến H.T. vô cùng tủi thân và ngày càng khép kín.

Chị V.T.T. (quận Bình Thạnh) nghẹn ngào kể: Con trai chị bị khuyết tật trí tuệ dạng nhẹ, năm nay cháu học lớp 5 tại một trường tiểu học gần nhà. Thế nhưng, vừa vào năm học được hai tuần, thầy chủ nhiệm đã gọi phụ huynh lên “mắng vốn”, yêu cầu con nghỉ lớp học thêm của thầy. Thầy cho rằng bé không chịu học, hay lặp lại lời giáo viên, làm ồn trong lớp nên thầy không dạy được. Đối với việc học chính thức trên lớp, thầy cũng tuyên bố là cứ để bé đến lớp ngồi đó, “học được thì học, không học được thì thôi”. Vì bị thầy “lạnh nhạt” nên con chị rất buồn, luôn lo sợ khi đến lớp.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM - cho biết: “Tình trạng trẻ khuyết tật bị cô lập, thiếu môi trường thân thiện để học hòa nhập khá phổ biến. Có một phụ huynh đưa con bị khuyết tật trí tuệ đến trung tâm tư vấn, vì nhà trường muốn học sinh lên lớp 7 nhưng gia đình muốn bé ở lại lớp 6 thêm một năm. Tôi nói với phụ huynh: “Chị đã hỏi ý kiến cháu chưa?”. Thế nhưng, khi được hỏi thì bé mếu máo nói: “Con buồn lắm, con không thích đi học, vô trường không ai chơi với con, các bạn nói con là rô-bốt”. 

Rõ ràng, chủ trương của chúng ta là học hòa nhập, nhưng lại chưa chú trọng xây dựng môi trường thân thiện cho trẻ khuyết tật có thể hòa nhập đúng nghĩa. Không phải cứ đưa các em vào ngồi trong lớp là coi như xong, mà phải tạo được môi trường cho trẻ vui vẻ học tập và sự tiến bộ của trẻ dù ở bất kỳ mặt nào cũng cần được động viên, khuyến khích”.

Khuyết tật trí tuệ chiếm tỷ lệ lớn

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, số học sinh học hòa nhập tại các trường tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên là 8.866 em. Trong đó, có 7.338 em khuyết tật trí tuệ, chiếm gần 83%. Ông Nguyễn Thanh Tâm cho hay, hiện nay, đối với loại khuyết tật trí tuệ, có hơn 80% thuộc nhóm mức độ nhẹ, IQ từ 50 đến dưới 70. Đối với các em này, nếu được phát hiện, can thiệp sớm và cho theo học hòa nhập hiệu quả, được sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng, các em có thể học được lên cấp II và hoàn thiện những kỹ năng sống tự lập, không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

Phương Thanh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI