TPHCM tập trung các giải pháp để tăng quỹ đất sạch cho giáo dục

09/03/2023 - 06:18

PNO - Giai đoạn 2023-2025 thành phố cần hơn 3,9 triệu m2 để triển khai các dự án xây dựng trường lớp.

Ngày 7/3, ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay, theo kế hoạch phát triển quỹ đất cho giáo dục, giai đoạn 2023-2025 thành phố cần hơn 3,9 triệu m2 để triển khai các dự án xây dựng trường lớp. Tuy vậy, trong số này chỉ có hơn 418.000m2 đất sạch có sẵn để đầu tư và hơn 318.000m2 đất có tính khả thi cao trong thu hồi để triển khai đầu tư.

Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) nhiều năm liền giữ kỷ lục là trường tiểu học đông học sinh nhất TPHCM với hơn 4.000 học sinh
Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) nhiều năm liền giữ kỷ lục là trường tiểu học đông học sinh nhất TPHCM với hơn 4.000 học sinh

Công tác đầu tư tăng thêm trường lớp chưa khả thi do quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch giáo dục cơ bản đã triển khai thực hiện, còn nhiều dự án vướng công tác bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến khó và chậm triển khai theo kế hoạch đề ra. Hiện nay, định mức diện tích đất bình quân/học sinh theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT khá cao (8 - 12m2/học sinh - PV) so với đặc thù của thành phố cũng dẫn đến khả năng đầu tư bị giới hạn và gặp khó khăn.

Do đó, Sở GD-ĐT kiến nghị các giải pháp như ưu tiên dành quỹ đất công hiện có để xây dựng trường học, kể cả việc xin chủ trương thực hiện hoán đổi, đấu giá quyền sử dụng đất. UBND cấp quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục rà soát, xác định vị trí, nhu cầu sử dụng đất cụ thể của quỹ đất dành cho giáo dục, đăng ký nhu cầu vào danh mục các dự án thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất cấp thành phố (giai đoạn 2021-2025) nhằm làm cơ sở đăng ký và quyết định chuyển mục đích sử dụng đất cho các dự án.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư cho nhóm quỹ đất sạch (418.000m2), nhóm quỹ đất có tính khả thi cao trong thu hồi đất để đầu tư (318.000m2) của các quận huyện, TP Thủ Đức nhằm bổ sung danh mục các dự án cấp bách của ngành giáo dục giai đoạn 2021-2025.

Ngành giáo dục cũng đề nghị các địa phương linh động các giải pháp để tăng thêm quỹ đất cho giáo dục, như: di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả ưu tiên để xây dựng trường học; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục…

P.Thanh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI