Nhan nhản thực phẩm đường phố thiếu an toàn
Chiều tối, tại một điểm bán ốc trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), khách ngồi chật kín, bàn ghế kê lấn chiếm cả lòng đường. Bên chiếc bếp di động đầy dầu mỡ, đầu bếp dùng tay trần bốc từng con ốc, đậu phộng, rau răm, trộn với nước mắm rồi mang ra bàn cho khách. Gần đó, sát miệng cống bốc mùi hôi, nhân viên rửa chén đĩa trong 2 xô nước nổi váng xà phòng. Những chiếc đĩa sau khi “làm sạch” được đặt lên nắp cống ẩm ướt, chờ dùng cho lượt khách tiếp theo.
 |
Việc mua bán thực phẩm sống và chín cạnh nhau tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm |
Tình trạng mất vệ sinh cũng diễn ra tại một cửa hàng bán bánh thủ công trên đường Phan Văn Trị (phường 14, quận Bình Thạnh). Những mẻ bánh vàng rộm, thơm nức ra lò mỗi ngày nhưng phía sau là cảnh tượng mất vệ sinh khiến ai cũng phải lắc đầu ngao ngán. Thùng bột để hở, chảo dầu đen kịt được tái sử dụng nhiều lần, bánh vớt ra được xếp lên chiếc bàn kê sát mép đường, không che đậy… Người mua cứ thế mang về mà không biết những chiếc bánh ấy đã hứng bao nhiêu bụi đường.
Tại khu vực cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, các sạp thịt, cá sống chen với rau củ, trái cây… bày tràn ra vỉa hè. Nước thải từ việc sơ chế thực phẩm được đổ thẳng xuống cống lẫn với rác rưởi gây mùi hôi tanh khắp khu phố. Người bán vô tư dùng tay trần bốc thực phẩm, khách hàng cũng thoải mái sờ nắn, lựa chọn, làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo. Các xe hàng đậu san sát nhau, người mua người bán xếp hàng dài giữa lòng đường khiến giao thông thêm phần hỗn loạn.
Trước cổng Bệnh viện Ung Bướu tại TP Thủ Đức, hàng chục xe đẩy bán cháo, cơm hộp, trái cây gọt sẵn, nước giải khát… nối nhau lấp kín vỉa hè. Tất cả đều bày ra dưới nắng mà không che chắn, bảo quản. Tại một con hẻm gần đó, bếp than, lò nấu đặt giữa lối đi đang nghi ngút khói. Thức ăn sau khi làm chín được đặt ngay trên nền đường đầy bụi. Anh Trần Minh Khoa - tài xế công nghệ - chia sẻ: “Do nghề nghiệp nên tôi hay mua đồ ăn ven đường. Nhưng nhìn đồ ăn phơi nắng, không che chắn, cũng ớn. Lỡ bị ngộ độc thì chết”.
Thời gian qua, TPHCM ghi nhận nhiều vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại các trường học. Đơn cử, vào đầu tháng 4/2025, 29 học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7) bị đau bụng, nôn ói sau bữa trưa. Trước đó, vào cuối tháng Ba, 45 học sinh Trường Tuệ Đức (TP Thủ Đức) và 33 học sinh Trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh) cũng có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, trong đó có trường hợp do ăn bánh mì mua bên ngoài. Những sự việc này không chỉ khiến phụ huynh lo lắng mà còn là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt tại các cơ sở nhỏ lẻ, chợ tạm, hàng rong.
Kiểm tra nghiêm, xử lý chặt
Với hơn 12 triệu người đang sinh sống, làm việc và học tập, cùng khoảng 40 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước mỗi năm, TPHCM đang chịu áp lực lớn trong công tác đảm bảo ATTP. Theo ông Huỳnh Thanh Nhân - Phó chủ tịch HĐND TPHCM - dù cơ quan chức năng và chính quyền đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, song tình trạng sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vẫn khá phổ biến.
 |
Chợ tự phát trên đường Cô Giang (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) tồn tại nhiều năm qua gây mất trật tự và nguy cơ mất an toàn thực phẩm |
Một trong những thách thức lớn là sự tồn tại tràn lan của các điểm kinh doanh nhỏ lẻ khó kiểm soát như hàng quán vỉa hè, hàng rong hay các chợ tự phát trong các khu dân cư. Các loại hình kinh doanh này thường thiếu điều kiện vệ sinh, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ATTP, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nóng ẩm kéo dài.
Bà Nguyễn Thị Lam Phương - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông, Sở ATTP TPHCM - cho hay, khó khăn lớn hiện nay là việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao. Đặc biệt, tại các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi phục vụ hàng ngàn suất ăn mỗi ngày, việc đảm bảo an toàn luôn là vấn đề khiến các đơn vị quản lý “đau đầu”.
Để đối phó với những rủi ro tiềm ẩn về ATTP, theo bà Nguyễn Thị Lam Phương, sở đang phối hợp với các lực lượng chức năng tại các quận, huyện để tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm kinh doanh thực phẩm đường phố, đặc biệt là các khu vực đông người qua lại như chợ, bến xe, cổng trường học, khu chế xuất - khu công nghiệp.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là phụ huynh và học sinh, về những nguy cơ tiềm ẩn từ việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém vệ sinh. “Chính quyền địa phương cũng đang vận động các hộ kinh doanh thực phẩm đường phố tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về điều kiện ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay” - bà Lam Phương cho hay.
Hiện, TPHCM còn chú trọng cải cách hành chính trong lĩnh vực ATTP nhằm rút ngắn quy trình cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh hợp pháp. Thành phố cũng đang từng bước xây dựng hệ thống thực phẩm an toàn và bền vững thông qua việc phát triển các chuỗi nông sản sạch, mô hình chợ thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc thịt, trứng, rau củ quả và giám sát đột xuất tại các địa điểm có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, các đội quản lý ATTP liên quận, huyện cũng được duy trì hoạt động thường xuyên, góp phần tăng cường hậu kiểm và siết chặt công tác quản lý nhà nước về ATTP trên toàn địa bàn.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên (Bệnh viện Đại học y dược TPHCM) cho biết, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, khiến thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Đặc biệt là các món ăn đường phố, môi trường bụi bẩn, khó kiểm soát và dễ bị vi sinh vật xâm nhập khiến mức độ ô nhiễm thực phẩm tăng lên đáng kể. Ngoài ra, nhiều loại thực phẩm giá rẻ, nguyên liệu kém chất lượng, bảo quản không đúng cách cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ mất vệ sinh ATTP. Thói quen vệ sinh cá nhân kém, ý thức chưa cao của người bán hàng rong cũng là yếu tố đáng lo ngại.
Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên khuyến cáo, người dân cần ưu tiên lựa chọn các quán ăn có vị trí sạch sẽ, quy trình chế biến đảm bảo, nguyên liệu được bảo quản hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, việc tự chế biến món ăn tại nhà cũng là giải pháp kiểm soát ATTP hiệu quả, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Đối với học sinh, cần hạn chế tối đa việc tiêu thụ thực phẩm đường phố. Nhà trường cần tăng cường giám sát ATTP từ khâu nguyên liệu đầu vào đến chế biến, tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm.
Siết chặt quản lý online bằng giải pháp công nghệ Việc mua sắm thực phẩm qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử đang trở thành xu hướng phổ biến. Tại các đô thị như TPHCM, các mặt hàng từ thịt, cá, rau củ, hải sản cho đến món ăn chế biến sẵn đều có thể được giao tận nhà. Nhưng đằng sau sự tiện lợi ấy lại tiềm ẩn nhiều nỗi lo về chất lượng và ATTP. Không ít sản phẩm rao bán trực tuyến không có nhãn mác, hạn sử dụng, nguồn gốc, chất lượng có được kiểm định hay không. Phần lớn các gian hàng online đều hoạt động tự phát, không giấy phép kinh doanh và không có chứng nhận đảm bảo ATTP. Theo Sở ATTP TPHCM, việc xác minh chủ thể kinh doanh online hiện gặp nhiều khó khăn. Nhiều tài khoản bán hàng không công khai địa chỉ, trong khi phần lớn các nền tảng mạng xã hội lại có máy chủ đặt ở nước ngoài, gây trở ngại lớn cho quá trình xử lý vi phạm. Việc thiếu công cụ lưu trữ chứng cứ cũng khiến công tác quản lý và xử phạt gặp nhiều hạn chế. Trước thực trạng này, Sở ATTP TPHCM cho biết sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, rà soát và đề xuất chỉnh sửa, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh thực phẩm trực tuyến. Đồng thời, đơn vị này cũng sẽ nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác kiểm soát, giám sát và xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm trên môi trường mạng. |
Thanh Tâm