TPHCM sẽ có thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng hiện đại

13/03/2023 - 06:21

PNO - Ngay sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vào đầu tháng 3/2023, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong đã lập kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà vệ sinh công cộng ở khu vực trung tâm thành phố.

Ái ngại khi vào nhà vệ sinh công cộng

Thấy tôi - một phụ nữ trẻ - tấp xe vào vỉa hè với ánh mắt bỡ ngỡ, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - người đang trực tại nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) ở ngã ba đường Phạm Hữu Lầu và Huỳnh Tấn Phát, quận 7 - đứng dậy hỏi han và hướng dẫn. Sàn nhà bên trong sạch sẽ khiến tôi ái ngại tháo giày, để bên ngoài. Tôi hỏi có dép để mang bên trong không, chị nói: “Em cứ mang vớ vào, không dơ đâu”. 

Tôi bước vào bên trong và mở 1 trong 2 cánh cửa nhà vệ sinh đang khóa ngoài nhưng phải quay ngược trở ra khi thấy cái bồn cầu dạng ngồi xổm. Thấy tôi loay hoay tìm đôi dép để mang tạm, chị Thúy nhanh nhảu bước ra, cầm đôi dép đang nằm ngay ngắn ở ngạch cửa, đặt xuống trước mặt tôi. “Em mang đỡ đôi dép của chị đi. Thường có 2 đôi để hờ, nhưng 1 đôi chị mới quăng thùng rác hôm trước, đôi này mới sứt quai chưa kịp mua” - chị chỉ vào đôi dép nằm chỏng chơ bên tường, giải thích. 

Thấy tôi tần ngần đứng trước cửa buồng vệ sinh có bồn cầu dạng ngồi xổm, chị Thúy phì cười, mở cửa 2 buồng vệ sinh kế bên đang được khóa ngoài bằng móc kéo ngang. Bên trong 2 buồng này là 1 bồn tiểu đứng dành cho nam và 1 bồn cầu dạng ngồi. Việc chị Thúy yêu cầu khách để dép bên ngoài cũng như dọn rửa thường xuyên khiến các buồng vệ sinh sạch sẽ, không có mùi hôi. Tuy nhiên, chốt cài cửa gỉ sét, ca múc nước đóng rong khiến khách ái ngại khi bước chân vào. 

Chị Thúy cho biết, mỗi ngày, NVSCC này mở cửa từ 6 - 22g, tiếp trung bình khoảng 40 lượt khách, mỗi lượt thu từ 2.000-3.000 đồng. Tính ra, chị thu được khoảng 100.000 đồng/ngày, tức khoảng 3 triệu đồng/tháng, không đủ để công ty trả lương cho chị (5 triệu đồng/tháng) và thanh toán tiền điện, nước.

 

Nằm ở vị trí thuận lợi (bến phà Bình Khánh) nhưng nhà vệ sinh công cộng này vẫn ế khách, nguồn thu không đủ chi trả chi phí quản lý, vận hành
Nằm ở vị trí thuận lợi (bến phà Bình Khánh) nhưng nhà vệ sinh công cộng này vẫn ế khách, nguồn thu không đủ chi trả chi phí quản lý, vận hành

Trong khi trực, chị Thúy tận dụng phần diện tích trống trong khuôn viên NVSCC khoảng 20m2 để đặt bàn máy may, nhận sửa quần áo, đặt 1 tủ mát bán nước và bán thêm mũ, găng tay, khẩu trang, vớ, thuốc lá để kiếm thêm thu nhập. “Lâu lâu, người ta đi đường lỡ quên đồ hoặc nắng quá, mới ghé vô mua” - chị nói.

Ngoài NVSCC do chị Thúy quản lý, ở quận 7, còn có 2 NVSCC khác do lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng và quản lý, mỗi cái cách nhau chừng 5km. Theo hướng dẫn của chị Thúy, tôi tìm đến NVSCC duy nhất của huyện Nhà Bè đặt ở bến phà Bình Khánh. Mặc dù chạy xe chậm và quan sát kỹ 2 bên đường nhưng đến quầy bán vé qua phà, tôi vẫn không nhìn thấy NVSCC đâu. Tôi hỏi nhân viên bán vé thì người này chỉ tay qua bên kia đường nhưng tôi vẫn không thể thấy NVSCC bởi xe cộ liên tục qua lại. Bất lực, anh nhân viên rụt tay: “Chị cứ qua đường là thấy liền à”. Tôi quay xe rà lại bên kia đường, mới thấy NVSCC nép sau dãy hàng quán.

NVSCC này nằm ở vị trí thuận lợi để phục vụ khách bởi đây là chốt chờ phà, xe và người lúc nào cũng đông đúc. Tuy nhiên, chị Trần Thị Thúy Nga - quản lý NVSCC này - cho biết, NVSCC này rất ế khách, đặc biệt là từ khi có dịch COVID-19: “Khách đi lại ít, xe buýt còn bị ế mà. Với lại, bên cạnh NVSCC của mình, còn có 2 NVSCC do người dân mở ra; của họ nằm ngay mặt đường, còn của mình lùi vô sâu hơn, vừa khó thấy, vừa bất tiện khi cho xe ra vô nên người ta ít vô”.

Tôi quan sát thấy nền của cả ba buồng vệ sinh đều nứt vỡ, trần nhà thì bong tróc, ố vàng. Mặc dù được lau dọn thường xuyên nhưng cảm giác cũ kỹ, xuống cấp khiến khách không thoải mái khi bước vào bên trong.

Sẽ xây ở nơi có đông người qua lại

Đầu tháng 3/2023, Văn phòng UBND TPHCM đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi về việc tổ chức quản lý NVSCC khu vực trung tâm thành phố, trong đó giao Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích TNXP nghiên cứu, đề xuất mẫu thiết kế, phương án huy động kinh phí, cách thức vận hành, quản lý. Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu rà soát kết quả đầu tư và quản lý NVSCC từ năm 2020 đến nay và đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng dịch vụ.

Nhiều nhà vệ sinh công cộng ở TPHCM đang xuống cấp
Nhiều nhà vệ sinh công cộng ở TPHCM đang xuống cấp

Ông Lê Thành Khoa - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích TNXP - cho biết, từ năm 1998-2017, công ty đã đầu tư, khai thác, sử dụng 58 NVSCC ở 16 quận, huyện. Từ năm 2017, công ty tạm ngưng đầu tư xây dựng thêm NVSCC do chi phí đầu tư cao, việc thu hồi vốn và khấu hao tài sản chậm, doanh thu không đủ bù các chi phí quản lý, vận hành. Hiện nay, có 12/58 NVSCC bị đóng cửa để giải tỏa thực hiện dự án khác. 

Theo ông, các NVSCC do công ty quản lý có các hạn chế như không có chỗ đậu xe, diện tích nhỏ hẹp, chưa tách biệt giữa buồng quản lý và buồng vệ sinh khiến khách e ngại, một số NVSCC vùng ven ít khách, doanh thu thấp, không đủ bù đắp chi phí nhân công, bảo trì, nhiều NVSCC được xây “ké” đất của công trình khác nên một số NVSCC phải giải tỏa khi có dự án mới.

Về nhiệm vụ mà UBND TPHCM giao, ông Lê Thành Khoa cho biết, sẽ dùng vốn của công ty để đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác, vận hành NVSCC. Về quỹ đất, công ty đề xuất UBND thành phố giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất và miễn thuế, đồng thời giao đất với diện tích đủ để xây NVSCC có chỗ đậu xe kết hợp ki ốt kinh doanh để công ty có nguồn thu nhằm duy trì hoạt động, bảo trì, tái đầu tư. 

Ông Lê Thành Khoa cho biết, sắp tới, công ty sẽ cùng UBND quận 1 khảo sát các địa điểm có thể xây NVSCC như gầm cầu vượt, các chân cầu, các dải phân cách rộng của các tuyến đường lớn, dài, đông người qua lại, các trạm xe buýt, trường học, chợ, bến xe, công viên, bệnh viện, các bãi đậu xe, ga tàu điện ngầm, các điểm tham quan.

Các tiêu chí xây NVSCC là thông minh, hiện đại với các chức năng như dội nước tự động, tự động khử mùi hôi và cấp không khí tươi, tự động rửa, sấy, làm sạch bệ ngồi, tự động xịt rửa sàn, tự động tiệt trùng bên trong sau mỗi lượt sử dụng, bể chứa tự động xử lý chất thải. Mỗi NVSCC có diện tích từ 13 - 20m2, đảm bảo thông thoáng, tiện ích, mang lại sự tinh tế và lịch sự, có chỗ đậu xe kết hợp ki ốt kinh doanh, xây bằng vật liệu dễ tháo rời, di chuyển.

“Khi đưa công trình vào sử dụng, công ty có nội quy, quy chế khai thác, vận hành để đảm bảo sạch sẽ, tiện lợi, an toàn, bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị, niêm yết giá, cập nhật vị trí trên bản đồ để người dân và du khách dễ tìm kiếm” - ông Lê Thành Khoa nói thêm. 

Nguyệt Minh

 

Xem xét đề xuất xây nhà vệ sinh công cộng kết hợp ki ốt 

Đại  diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường vừa có buổi họp nghe đại diện Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tiên Phong thuyết trình về đề xuất xây NVSCC. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố sau buổi họp này, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đề nghị UBND các quận, huyện khẩn trương cung cấp thông tin về tình trạng khai thác, sử dụng và vận hành, bảo trì NVSCC trên địa bàn để có giải pháp cải tạo, nâng cấp hoặc đầu tư xây mới. Sở cũng đề nghị UBND quận 3 và quận Tân Bình đánh giá kết quả thí điểm mô hình cabin vệ sinh công cộng kèm ki ốt bán hàng do Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tiên Phong phối hợp với 2 đơn vị này thực hiện thí điểm năm 2020.

Được biết, NVSCC do Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tiên Phong phối hợp với UBND quận 3 và quận Tân Bình xây dựng năm 2020 là bằng thép inox, diện tích 7 - 10m2, chi phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng, bên cạnh có ki ốt bán hàng để giúp công ty thu hồi vốn. Sở Tài nguyên và Môi trường đang chờ báo cáo của UBND các quận để tham mưu UBND TPHCM xem xét đề xuất được tiếp tục xây NVSCC của Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tiên Phong.

Sơn Vinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI