TPHCM: Giáo viên đề xuất chính sách hỗ trợ nhà ở

08/02/2023 - 19:17

PNO - Ngoài 4 nhóm giải pháp hỗ trợ đời sống giáo viên của Sở GD-ĐT TPHCM, giáo viên thành phố đề xuất cần có thêm chính sách hỗ trợ nhà ở để thầy cô ổn định cuộc sống, an tâm công tác.

TPHCM đề xuất 4 nhóm giải pháp hỗ trợ giáo viên tiểu học
TPHCM đề xuất 4 nhóm giải pháp hỗ trợ giáo viên tiểu học

Thầy Lại Văn Tâm - Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Lợi (huyện Bình Chánh) đánh giá chính sách cải thiện đời sống giáo viên là hết sức quan trọng, nếu “gỡ” được thì chắc chắn khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. 

Ông nêu ví dụ, năm 2018 - năm đầu tiên có Nghị quyết 03, trường tuyển 5 giáo viên song có tới 10 vị trí ứng tuyển. Tuy nhiên, bây giờ cũng vẫn tuyển 5 vị trí thì chỉ có 2 ứng viên, mà đã thấy mừng vì còn có người ứng tuyển.

Ông đề xuất cần có thêm chế độ chính sách hỗ trợ giáo viên ở tỉnh thuê nhà. Bởi phần nhiều giáo viên đi ở trọ, đời sống rất khó khăn. Hiện, nhà trường đang phải “cào cấu” từ nhiều nguồn hỗ trợ giáo viên thuê nhà, nhất là giáo viên tiếng Anh để thầy cô an tâm gắn bó. Ngoài ra, cần có thêm chế độ chính sách cho giáo viên ngoại thành để giúp các trường ngoại thành, nhất là vùng sâu vùng xa thu hút được nguồn giáo viên…

Tương tự, ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cũng nhìn nhận, cần thiết có thêm chủ trương hỗ trợ giáo viên thuê nhà giá rẻ để đảm bảo đời sống giáo viên. Giải pháp căn cơ là duy trì NQ 03 để động viên đội ngũ…

TPHCM đề xuất 4 nhóm giải pháp hỗ trợ

Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng - Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trong dự thảo Đề án hỗ trợ giáo viên tiểu học thành phố, Sở GD-ĐT đề xuất 4 nhóm giải pháp thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục tiểu học.

Cụ thể, nhóm giải pháp điều chỉnh khối lượng và áp lực công việc. Trong đó, cần bổ sung đúng định biên cho các trường để có đầy đủ giáo viên bộ môn như: tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mĩ thuật, thể dục…; giảm sĩ số còn 35 học sinh/lớp; hạn chế các hội thi, phong trào từ ngành ngang để giáo viên tập trung cho giảng dạy và các hội thi nâng cao tay nghề; phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường giáo viên.

Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá giáo viên, giảm hội họp. Tăng cường trang bị thiết bị công nghệ thông tin giúp giáo viên áp dụng những ứng dụng phục vụ công tác giảng dạy, tinh gọn các hồ sơ sổ sách… Xây dựng lại khung chương trình học phù hợp đặc thù riêng của TPHCM chú trọng kĩ năng thực hành, rèn kĩ năng sống, giảm tải lí thuyết để giảm bớt tình trạng dạy thêm học thêm sai quy định.

Nhóm giải pháp thứ 2, TPHCM đề xuất giải pháp cải thiện thu nhập và đãi ngộ cho giáo viên tiểu học với việc hỗ trợ thêm cho cán bộ quản lí, giáo viên tiểu học do tính chất công việc. Mức hỗ trợ bằng mức lương tối thiểu nhân với số lượng phần trăm công việc phải choàng gánh và hệ số lương bình quân hiện nay. Song song, hỗ trợ khuyến khích giáo viên tiểu học có trình độ chuyên môn công tác tại các trường tiểu học công lập: trình độ tiến sĩ hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng; trình độ Thạc sĩ hỗ trợ 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, đối với giáo viên tiểu học mới ra trường và nhân viên y tế, văn thư, kế toán, thư viên được tuyển dụng mới, đề xuất hỗ trợ thêm trong ba năm đầu, theo mức như sau: năm đầu hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ hai hỗ trợ 70% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ ba hỗ trợ 50% lương cơ sở/người/tháng; từ năm thứ tư thực hiện chế độ tiền lương theo quy định hiện hành.

TPHCM đề xuất 4 nhóm giải pháp hỗ trợ giáo viên tiểu học
TPHCM đề xuất 4 nhóm giải pháp hỗ trợ giáo viên tiểu học

Bên cạnh, đề xuất tăng ngân sách dành cho giáo dục, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên tăng thu nhập để đảm bảo cuộc sống ổn định cho giáo viên yên tâm công tác. Đề xuất học phí buổi thứ hai được tính dựa trên cơ sở quy định mức học phí tham chiếu ở cấp học tiểu học. Có chế độ khen thưởng hợp lí tạo động lực cho giáo viên làm việc…

Nhóm giải pháp thứ 3 là nhóm giải pháp truyền thông, khuyến khích thừa nhận, vinh danh sự đóng góp và đảm bảo cơ hội thăng tiến đối với giáo viên tiểu học, nhằm nâng cao vị thế của người thầy.

Cuối cùng, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất giải pháp thu hút nhân lực vào ngành giáo dục tiểu học. Trong đó, có sự tuyển dụng, phân bổ số lượng giáo viên mới ra trường hợp lý. Cho ứng viên ra trường với thứ hạng cao được chọn đơn vị làm việc theo nhu cầu. Ứng viên đăng ký nguyện vọng thi tuyển vào cơ sở giáo dục công lập A nếu không trúng tuyển (do dư chỉ tiêu) có thể được xét trúng tuyển vào cơ sở giáo dục công lập B trên địa bàn còn thiếu chỉ tiêu…

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI