TPHCM dành gần 20.000 tỉ đồng chuẩn bị hàng hóa Tết

20/12/2021 - 14:42

PNO - Nguồn vốn dự trữ của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn cung ứng hàng hóa cho hai tháng Tết là 19.881,1 tỷ đồng, tương đương Tết Tân Sửu 2021.

Theo Kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Nhâm Dần 2022 trên địa bàn TPHCM vừa được Sở Công thương TPHCM ban hành, nhiều nhóm hàng của doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường (BOTT) chiếm 25% - 40% nhu cầu thị trường; các DN sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ... chiếm 60% - 75% thị phần.

Cụ thể, hàng BOTT gồm lương thực đạt 3.404,4 tấn/tháng; trứng gia cầm 78,5 triệu quả/tháng; thực phẩm chế biến 892,9 tấn/tháng; rau củ quả 9.996,5 tấn/tháng; thịt gia súc 5.686 tấn/tháng; thủy hải sản 347,5 tấn/tháng; thịt gia cầm 9.346 tấn/tháng…

Sở Công thương cho biết, năm 2021 có 80 đơn vị tham gia chương trình BOTT. Nguồn vốn dự trữ của các DN tham gia chương trình cung ứng hàng hóa cho hai tháng Tết là 19.881,1 tỉ đồng, tương đương Tết Tân Sửu 2021.

Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng BOTT là 7.221 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, từ ngày 1 - 30 tháng Chạp âm lịch, tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 11.024,2 tỷ đồng, hàng BOTT là 4.182,9 tỷ đồng.

Các DN đảm bảo được lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch thành phố giao, nhiều nhóm hàng chiếm từ 22% - 54,5%, đủ sức chi phối thị trường như thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến… Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi cũng xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết tăng từ hai, ba lần so với tháng thường.

Tại các siêu thị đã bày bán nhiều loại bánh kẹo, mứt Tết để người dân mua sắm Tết sớm.
Các hệ thống siêu thị triển khai nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu, thu hút người dân mua sắm Tết sớm

Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các DN tham gia chương trình BOTT cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá trong một tháng trước Tết và một tháng sau Tết. Đặc biệt, trong hai ngày cận Tết các DN giảm giá sâu đối với thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, DN trên địa bàn TP sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết. Các hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Satra, Aeon - Citimart, Big C dự kiến có nhiều chương trình giảm giá từ 5% - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt…

Sở Công thương vận động các hệ thống siêu thị kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng. Cụ thể, từ ngày 20 - 27 tháng chạp âm lịch mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ đêm; từ ngày 28 - 29 tháng Chạp mở cửa từ 6 giờ sáng đến 24 giờ đêm. Ngày 30 tháng chạp âm lịch mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Các siêu thị khai trương năm mới 8 giờ sáng mồng 2 Tết Nguyên đán. Mùng 2 - mùng 5 Tết Nguyên đán mở cửa từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, mùng 6 Tết Nguyên đán hoạt động kinh doanh bình thường.

UBND TPHCM cũng chỉ đạo triển khai chương trình Thực phẩm bình ổn lưu động tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người lao động, công nhân gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến nay, chương trình đã tổ chức bán hàng lưu động định kỳ tại KCN Pouyuen, KCX Tân Thuận, KCX Linh Trung 1, KCX Linh Trung 2…

Từ nay đến Tết Nguyên đán, DN BOTT tăng cường bán hàng lưu động với dự kiến 350 chuyến xe và tập trung tại các quận ven huyện ngoại thành, khu lưu trú công nhân… để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết.

Theo đánh giá của Sở Công thương, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 11 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn TP chỉ đạt 745.494 tỷ đồng, tương đương 77,9% so cùng kỳ; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 448.050 tỷ đồng, tương đương 85,1% cùng kỳ. Đến nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh, thành vùng nguyên liệu, cung ứng lương thực, thực phẩm cho TPHCM.

Về giá cả hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm từ nay đến cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần còn tiếp tục chịu sức ép và tiềm ẩn nhiều khả năng đối điện áp lực tăng giá mạnh theo giá thế giới do tác động của dịch bệnh và nhu cầu tiêu dùng tăng cao....

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI