Chợ ế ẩm, tiểu thương không dám trữ hàng tết

15/12/2021 - 06:34

PNO - Sức mua tại các chợ lẻ, chợ sỉ quá yếu nên hầu hết tiểu thương ở TPHCM chỉ kinh doanh cầm chừng, không dám nhập hàng trữ bán vào dịp cận tết như mọi năm.

Sức mua yếu, giá lại tăng

Sau một thời gian dài tạm đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19, chợ Tân Định (Q.1) hoạt động trở lại từ đầu tháng 10/2021. Theo ghi nhận của chúng tôi vào buổi sáng, khu vực kinh doanh ăn uống, rau củ quả, thịt tươi sống là có khách mua hàng, còn khu vực bán quần áo, bánh kẹo, hàng tạp hóa thì vắng khách. 

Chị Kim Huyên - chủ sạp tạp hóa Kim Huyên ở chợ này - than, những năm trước, thời điểm này, hàng tết về chợ dồi dào, tiểu thương nào cũng trữ hàng với số lượng gấp 2-3 lần so với ngày thường, nhưng hiện nay, sức mua rất yếu. Chị không dám trữ hàng vì nhiều mặt hàng tăng giá cao, khách chê đắt. Chẳng hạn như đường cát tinh luyện Biên Hòa có giá 28.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg; giá đường vàng loại nhất 35.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; giá đường vàng loại hai 30.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg; giá dầu ăn Tường An 220.000 đồng/bình 5 lít, tăng 55.000 đồng/bình; giá dầu ăn Orchid 185.000 đồng/bình 5 lít, tăng đến 80.000 đồng/bình; nước mắm các loại cũng tăng 10.000 đồng/chai… 

Chợ An Đông hầu như không có khách, chỉ có chủ sạp và nhân viên Ả NH: THANH HOA
Chợ An Đông hầu như không có khách, chỉ có chủ sạp và nhân viên Ảnh: Thanh Hoa

Chị Duyên - chủ sạp bán thức uống, gia vị Kim Duyên - thông tin thêm: “Sạp nhập về một số mặt hàng theo yêu cầu của khách nhưng do giá tăng quá cao nên khách không lấy, khiến sạp phải “ôm”, như cà phê hòa tan Nescafé đen loại 35 gói từ 89.000 đồng/bịch nhảy lên 135.000 đồng/bịch, tăng thêm đến 46.000 đồng/bịch thì khách nào dám mua? Đường cát nội tăng giá nên nhiều khách tìm mua đường ngoại nhập từ Hàn Quốc, nhưng lại không có hàng”. 

Sạp bánh mứt và nguyên phụ liệu bánh mứt Thảo Sinh ở gần đó cũng khá ế ẩm. Các loại hạt dưa, hạt bí, hạt điều, mứt được trưng bày ở sạp này đều có số lượng chỉ 2-3kg. Chị Thảo - chủ sạp - cho biết, có ngày, chị không bán được ký mứt hay hộp bánh nào. Khi chúng tôi hỏi mua 1kg hạt hướng dương, chị cho biết hiện sạp chỉ còn đúng 1kg loại nhập của Nga. 

Theo chị Thảo, khách chuộng mua hạt hướng dương Ấn Độ, Ukraina, Nga nhưng hiện do sức mua yếu nên công ty nhập khẩu cũng không dám nhập. Không chỉ hạt hướng dương, giá hạt dưa cũng tăng 30.000 đồng/kg, hạt bí tăng 10.000 đồng/kg, rong biển sấy khô tăng 60.000 đồng/kg so với trước đợt dịch COVID-19. Do đường tăng giá nên tất cả các loại mứt đều tăng giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Chị Thảo và nhiều chủ sạp bánh kẹo ở chợ Tân Định không dám lấy hàng để trưng bày nhiều như các năm trước mà chỉ lấy theo đơn đặt hàng của khách.

Trước đây, thời điểm này, chợ sỉ An Đông (Q.5) rất nhộn nhịp, khách ra vào mua hàng hóa tấp nập, nhân viên các sạp tất bật đóng hàng, khuân vác hàng giao cho khách nhưng hiện nay, chợ hoàn toàn vắng lặng. Ở tất cả khu vực, từ bánh kẹo mứt, đồ khô đến quần áo, quà lưu niệm, chỉ có chủ sạp ngồi túc trực. Chị Thiên - chủ sạp bánh mứt, trà, cà phê Hòa Ký - cho biết, sạp chủ yếu kinh doanh hàng nội địa từ các công ty hoặc cơ sở làm mứt uy tín nên bình thường khá thu hút khách nước ngoài. Rất đông khách Đài Loan (Trung Quốc) đến chợ để mua các loại mứt, hạt điều, cà phê đem về quê ăn tết. Nhưng năm nay, sạp chủ yếu chỉ giao cho các mối quen ở TPHCM. “Số đơn hàng sụt giảm từ 70 - 80%. Hầu hết các loại bánh mứt đều tăng giá từ 20 - 30% so với trước lúc bùng phát dịch bệnh do các cơ sở thiếu nhân công, giá nguyên vật liệu tăng cao” - chị Thiên thông tin. 

Ở tầng lửng của chợ An Đông, chuyên kinh doanh hàng may mặc, khá nhiều sạp đã mở cửa buôn bán trở lại nhưng hầu như không có khách đến mua hàng. Chị Quyên - chủ sạp LC26 Quyên - cho biết, do chị đã mua lại sạp nên còn cầm cự được, nếu đây là sạp thuê và với tình hình kinh doanh ế ẩm hiện tại, sẽ không cầm cự nổi. Hiện đơn hàng từ các tỉnh hầu như không có, khách vãng lai chỉ lác đác nên chị không nhập hàng mới. Mỗi ngày, sạp đều mở cửa với hy vọng sớm thanh lý được lượng hàng cũ đang tồn kho. Các sạp đã treo bảng giảm giá 30 - 50% với các loại bánh, mứt, thực phẩm khô, quần áo, giày dép nhưng vẫn ế. 

Mối lái ở các tỉnh giảm lấy hàng

Do thời gian giãn cách xã hội khá dài, nhiều loại thực phẩm khô, bánh mứt, hạt các loạt bị lên dầu, hết hạn sử dụng nên tiểu thương phải bỏ đi, thiệt hại không nhỏ. Chính vì vậy, toàn bộ tiểu thương đều không dám trữ hàng bán tết, chỉ lấy một lượng đủ bán hoặc khách mua đến đâu thì nhập hàng đến đó. 

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó ban quản lý chợ An Đông - sức mua tại chợ rất yếu, khách đến chợ hầu như không có. Tiểu thương nào đăng bán sản phẩm trên mạng xã hội thì có đơn hàng, nhưng số lượng bán ra cũng rất ít vì khách hàng có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban quản lý chợ Bình Tây (Q.6) - cho hay, hiện chỉ 50% số sạp mở cửa (khoảng 1.100 sạp), chủ yếu là sạp kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm, rất ít sạp kinh doanh quần áo, giày dép, thủ công mỹ nghệ. Khi chợ hoạt động trở lại, vẫn có đơn hàng từ các tỉnh, nhưng khoảng một tháng trở lại đây, dịch bệnh ở các tỉnh bùng phát mạnh, chợ ế ẩm hẳn, sức mua chỉ còn 20 - 30% so với trước đây. Các sạp ở phía bên ngoài còn có khách, các sạp ở bên trong chợ thì quá đìu hiu. “Bình Tây là chợ sỉ nên khách ra vào vẫn nhiều hơn các chợ khác và chúng tôi hy vọng sẽ khởi sắc hơn vào thời điểm cận tết” - bà Thủy nói.

Ông Huỳnh Thanh Trường - Trưởng ban quản lý chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) - cho hay, chợ mở cửa lại từ ngày 1/10 nhưng đến nay, cũng chỉ khoảng 60% số sạp kinh doanh, sức mua chỉ đạt khoảng 30 - 40% so với trước đợt bùng phát dịch. Các sạp chủ yếu bán những mặt hàng sẵn có và không có tiểu thương nào dám trữ hàng phục vụ tết như mọi năm. 

Nhân viên sạp bánh mứt Phong Thủy, chợ Bình Tây cho biết, mọi năm, chợ bán đủ các loại mứt, kẹo, hạt, sô-cô-la nhập từ Ấn Độ, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Iran… nhưng năm nay, do dịch bệnh, chi phí vận chuyển khá cao, sức mua yếu, nhà nhập khẩu sợ “ôm hàng” nên sản phẩm về chợ rất ít. Hàng về chợ phần lớn là hàng trong nước, Trung Quốc, Thái Lan do cước vận chuyển thấp, giá cũng dễ bán hơn. Hàng trong nước chủ yếu là các loại mứt khoai, bí, chuối, dừa, gừng, mãng cầu, còn hàng Thái Lan phần lớn là xoài, vỏ bưởi, mứt me, chanh, thơm, ổi… sấy dẻo, hàng Trung Quốc là mứt cherry, kiwi, nho, đào, chà là, hồng, bí, khoai lang… Khi mua các loại hạt, bánh mứt, khách nên tìm mua ở nơi uy tín, xem kỹ hạn sử dụng và tránh mua các loại hạt, bánh mứt bán theo set (phần) vì dễ mua phải sản phẩm cũ, kém chất lượng. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI