TPHCM cần cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển toàn diện

11/05/2022 - 06:18

PNO - Ngày 10/5, HĐND TPHCM có buổi giám sát đối với UBND TPHCM về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND của HĐND TPHCM nhằm triển khai Nghị quyết 54.

Nghị quyết 54 tạo chuyển biến tích cực 

Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện UBND TPHCM cho biết, chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện của TPHCM đã góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực, giúp thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. 

Cũng theo báo cáo của UBND TPHCM, việc đẩy mạnh ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ, giúp cho việc đánh giá hiệu quả công việc ngày càng thực chất hơn, giúp các cơ quan, đơn vị chủ động hơn trong hoạt động giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính.

Nhiều chuyên gia cho rằng, TP.HCM đã được thí điểm cơ chế đặc thù nhưng “chiếc áo vẫn chật” so với sự đòi hỏi của thực tiễn (trong ảnh: Những khu đô thị sầm uất dọc sông Sài Gòn, thuộc địa bàn Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh chụp cuối năm 2021) ẢNH: LINH LINH
Nhiều chuyên gia cho rằng, TPHCM đã được thí điểm cơ chế đặc thù nhưng “chiếc áo vẫn chật” so với sự đòi hỏi của thực tiễn (trong ảnh: Những khu đô thị sầm uất dọc sông Sài Gòn, thuộc địa bàn Q.Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh chụp cuối năm 2021) Ảnh: Linh Linh

Ngoài ra, Nghị quyết 54 còn giúp chính quyền TPHCM chủ động hơn trong điều hành công việc, làm cho tiến độ các dự án nhóm A nhanh hơn so với việc trình các cơ quan Trung ương thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư. Việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho thành phố vay lại đã giúp chính quyền thành phố có thêm nguồn lực để đầu tư cho phát triển. 

Việc UBND thành phố được chủ động xem xét, chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa đã giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, giúp cho kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được phê duyệt có hiệu quả. Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, bác sĩ Nguyễn Gia Phương (Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức) cho biết, với cá nhân ông, việc điều chỉnh hệ số thu nhập tăng thêm từ năm 2020 đến hết thời gian thí điểm theo Nghị quyết 54 là một điểm son lớn: “Sau bốn năm thực hiện Nghị quyết 54, công chức, viên chức nếu hoàn thành xuất sắc hoặc tốt nhiệm vụ thì được hưởng một khoản thu nhập đáng kể. Ví dụ, nếu lương 5 triệu đồng/tháng thì tôi được thêm 5 triệu đồng/tháng, lãnh vào cuối quý; nếu quý đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được 1,2 tức là thêm 6 triệu đồng. Ngoài cải thiện cuộc sống, theo tôi, chính sách này đã khích lệ tinh thần cống hiến, làm việc của chúng tôi”.

Ông Phạm Phú Hùng (P.Tân Thành, Q.Tân Phú) nhận xét: “Tôi thấy chất lượng làm việc, phục vụ dân của cán bộ, công chức ở TPHCM nói chung và ở nơi tôi sống được nâng lên rõ rệt. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân nhanh, đơn giản hơn, dân bớt phải đến các cơ quan hành chính nhiều lần. Khu vực tiếp đón người dân đến liên hệ của UBND phường cũng được nâng cấp, có hệ thống tra cứu các văn bản, có thông tin của cán bộ tiếp nhận. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức năng động hơn”.
 

Cải cách hành chính tại TP.HCM đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, đặc biệt theo tiêu chuẩn hội nhập quốc tế (trong ảnh: Người dân làm thủ tục thuế tại Chi cục thuế  Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: Linh Linh
Cải cách hành chính tại TPHCM đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, đặc biệt theo tiêu chuẩn hội nhập quốc tế (trong ảnh: Người dân làm thủ tục thuế tại Chi cục thuế Q.Phú Nhuận, TPHCM) - Ảnh: Linh Linh

Quyền chủ động vẫn còn hạn chế

Mặc dù vậy, xét ở khía cạnh khác, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - cho rằng TPHCM vẫn chưa chủ động được về vấn đề tài chính: “TPHCM có nhiều dự án đầu tư nhưng hiện vẫn phải thắt lưng buộc bụng, chỉ dám ưu tiên các dự án quan trọng liên quan y tế, giáo dục, một số dự án trọng yếu như metro, đường vành đai, chống ngập lụt… Do vậy, để phát triển một cách toàn diện thì quá khó”, ông nói.

Theo ông, ngoài vốn, việc khơi dậy sức sáng tạo của toàn dân cũng chưa cao. Cụ thể, có những công trình lớn cần đối tác công tư nhưng các chính sách khuyến khích chưa đủ hấp dẫn để thu hút tư nhân nên Nhà nước vẫn phải đóng vai trò nòng cốt. Cái khó nữa là vấn đề nhân sự. Nếu muốn tiến tới tinh giản biên chế, tăng năng suất lao động, cần tăng cường chuyển đổi số nhưng chuyển đổi số của TPHCM vẫn chưa đi vào chiều sâu. Các chính sách nói chung vẫn chồng chéo nên chính quyền thành phố vẫn chưa giải quyết được những vấn đề tồn tại mấy chục năm qua. 

“Cụ thể, sự chuyển tiếp giữa các thời kỳ lãnh đạo phải bảo đảm tính liên tục, ổn định; việc luân chuyển cán bộ phải mang tính kế thừa, nhất quán, dân chúng mới được hưởng lợi nhiều nhất” - ông nói.

Theo ông, việc Quốc hội cho phép TPHCM thí điểm cơ chế đặc thù xuất phát từ thực tế TPHCM là mô hình năng động nhất cả nước, cần thật sự có quyền tự quyết, chủ động mạnh mẽ. “Lãnh đạo của thành phố cần phải có tầm quyết định lớn và tránh tình trạng phải thông qua quá nhiều bộ, ngành. Ở góc độ này, Nghị quyết 54 vẫn chưa rõ nét. Tính tự chủcủa TPHCM vẫn chưa đầy đủ” - ông nhận xét.

Theo UBND TPHCM, ở một số nội dung, việc triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch dự kiến là do có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 trong hai năm 2020-2021, do cơ chế tài chính chưa được như 
mong đợi. 

Nhằm đảm bảo tính liên tục của các chính sách mà UBND TPHCM đã và đang thực hiện, tiếp tục phát huy thành quả đạt được, UBND thành phố kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 để TPHCM được tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, giúp TPHCM phát huy tốt hơn tiềm năng của mình để phát triển nhanh, bền vững.

Cụ thể, UBND TPHCM kiến nghị Quốc hội mở rộng phạm vi ủy quyền lớn hơn so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay. Chủ tịch UBND thành phố có thể ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND cùng cấp, người đứng đầu đơn vị công lập thuộc UBND cùng cấp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. UBND TPHCM đề xuất cho phép HĐND, UBND thành phố được thực hiện một số nhiệm vụ theo thẩm quyền do pháp luật quy định mà không phải lấy ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, như được quyết định các chế độ chi có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; được quyền quyết định và phê duyệt cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc thẩm quyền quản lý…

Theo đoàn giám sát, đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 là cơ sở để TPHCM tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM phù hợp với vai trò của thành phố, trong đó kế thừa những nội dung của Nghị quyết 54 và bổ sung thêm một số nội dung mới để tránh lặp lại những khó khăn khi triển khai. Trong quá trình nghiên cứu để xây dựng nghị quyết mới, cần có sự chuẩn bị phương án, giải pháp, lộ trình cụ thể và nguồn lực để nhằm phát huy tối đa cơ chế, chính sách mới. 

HĐND đề nghị UBND thành phố quan tâm và giải quyết kiến nghị của các đơn vị liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa để kết nối nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất và dự án rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ.

TP.HCM cần cơ chế phù hợp để phát triển tương xứng với tiềm năng (trong ảnh: Trung tâm điều khiển giao thông thông minh của TP.HCM) - ẢNH: PHÙNG HUY
TPHCM cần cơ chế phù hợp để phát triển tương xứng với tiềm năng (trong ảnh: Trung tâm điều khiển giao thông thông minh của TPHCM) - ẢNH: PHÙNG HUY

Theo UBND TPHCM, vào tháng 5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý chủ trương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025. Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 40/2021/QH15 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022. Theo đó, so với năm 2021, tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM năm 2022 được điều chỉnh từ 18% lên 21%, tăng thêm 3%. 

Thạc sĩ Trần Đức Hiệp - giảng viên luật, Giám đốc Công ty TNHH Thương hiệu và Luật:Nên mở rộng quyền quyết định đối với một số dự án 

Nghị quyết 54 cho phép HĐND TPHCM được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố (trừ dự án quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 điều 8 Luật Đầu tư công 2014). Sau hơn bốn năm kể từ ngày được ban hành, nghị quyết đã giúp TPHCM đạt được kết quả khả quan trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhóm A như xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh…

Trong bối cảnh TPHCM tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết và lấy ý kiến đề xuất mới, tôi quan tâm đến lĩnh vực quản lý đầu tư. Theo tôi, UBND TPHCM nên kiến nghị mở rộng thẩm quyền được quyết định chủ trương đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, mà theo quy định hiện hành, thẩm quyền quyết định là Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Với cơ chế này, thành phố sẽ tăng thêm nguồn thu để thực hiện các dự án mà phạm vi nguồn ngân sách nhà nước và ngân sách thành phố không cho phép để giải quyết những khó khăn đặt ra. 

Để có cơ sở thuyết phục, UBND TPHCM có thể đề xuất phạm vi quyết định chủ trương chủ yếu tập trung vào các dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại là khoản vốn không phải hoàn trả cho nhà tài trợ nước ngoài, được cung cấp theo hình thức dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. 

Kiến trúc sư Nguyễn Hồ (Hội Kiến trúc sư TPHCM): Tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM

Nhờ cơ chế đặc thù, việc tăng thêm thu nhập đã góp phần khuyến khích, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức tại TPHCM. Nhưng để giải quyết căn cơ và triệt để nút thắt về tài chính, cần tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM chứ không phải là các giải pháp manh mún, lẻ tẻ như các quy định tại điều 5 của 
Nghị quyết 54. 
Trong thời gian tới, theo tôi, UBND TPHCM cần xây dựng và kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM thay thế cho Nghị quyết 54. Việc cải cách hành chính ở TPHCM hiện nay có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhất là theo tiêu chuẩn hội nhập quốc tế. Tôi nghĩ, cần phải tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với vị trí, vai trò của thành phố.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI