TP Huế: Dân lo đường đi bộ dọc sông cản trở việc thoát lũ

20/07/2023 - 06:31

PNO - Mặc dù tuyến đường đi bộ dọc sông Như Ý (đoạn nối Đập Đá đến cầu Vân Dương, TP Huế) mới bắt đầu thi công cọc bê tông, nhưng người dân làng Vân Dương, phường Xuân Phú lo ngại, nếu không tính toán kỹ lưỡng, công trình sẽ cản trở việc tiêu úng, thoát lũ vào mùa mưa bão. Nơi đây vốn được xem là rốn lũ của TP Huế.

 

Dự án đường đi bộ dọc sông Như Ý nối Đập Đá đến cầu Vân Dương, TP Huế bắt đầu thi công
Dự án đường đi bộ dọc sông Như Ý nối Đập Đá đến cầu Vân Dương, TP Huế bắt đầu thi công

Sợ đường đi bộ thành đê giữ nước lũ

Đứng trên cầu Vân Dương, chỉ tay về tuyến đường đi bộ dọc sông Như Ý đang thi công, ông Ngô Tuấn (65 tuổi) sinh sống tại hẻm 183 đường Nguyễn Lộ Trạch, TP Huế vừa mừng vừa lo. Bởi lẽ, từ lâu dân làng Vân Dương muốn “mắt thấy, tai nghe” về dự án đường đi bộ “siêu tuyệt đẹp” này - điều mà các đại biểu HĐND TP Huế và phường Xuân Phú khi về tiếp xúc cử tri đã nói đến nhiều lần.

Đặc biệt, các đại biểu còn khẳng định với dân làng rằng, sau khi tuyến đường hoàn thành sẽ trả lại vẻ đẹp vốn có của dòng sông Như Ý. Ngoài ra, nơi đây sẽ trở thành một địa chỉ mới dành cho khách du lịch khi đến tham quan trải nghiệm ở cố đô Huế.

“Tôi mong rằng khi thực hiện dự án, chủ đầu tư và đơn vị thi công cần tính toán đến giải pháp thoát lũ. Bởi nơi đây là “rốn lũ” của TP Huế, mật độ chung cư đông đúc, nhà cửa xây mới dày đặc. Kiến nghị của hơn 1.000 hộ dân làng chúng tôi là ngoài yếu tố thẩm mỹ, công trình cần tính đến giải pháp thoát lũ” - ông Tuấn nêu ý kiến.

Cũng như ông Tuấn, người dân làng Vân Dương vui mừng xen lẫn nỗi lo, bởi lẽ từ thuở cha sinh mẹ đẻ, nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này đều lần đầu tiên được nghe nói về “con đường đi bộ hơn 250 tỉ đồng sẽ đi qua làng”.

Thậm chí đó còn là “chủ đề nóng” được dân làng bàn tán ở khắp nơi, nhất là trong các quán cà phê buổi sáng. “Tiếng là sống ở trung tâm TP Huế nhưng cứ vào mùa lũ lụt là dân làng Vân Dương lại lo ngay ngáy. Năm trước, khi đường Tố Hữu được nâng lên hơn 0,5m thì hàng ngàn ngôi nhà tại đây lại bị ngập sâu trong nước gần 0,5m khi lũ về. Nếu đường đi bộ Như Ý lại làm cao như đường Tố Hữu hiện tại thì chắc chắn, vào mùa mưa làng Vân Dương sẽ trở thành ốc đảo” - ông Lê Văn Tám - người dân làng Vân Dương - phân tích.

Giá đất tăng vọt 

Sông Như Ý nối với sông Hương ở Đập Đá, nằm giữa trung tâm TP Huế. Hằng năm, nước lũ từ sông Hương tràn qua Đập Đá đổ về sông Như Ý rồi đổ ra đầm Hà Trung, thuộc Phá Tam Giang. Đây là một trong những con sông dài và đẹp, 2 bên bờ có nhiều đình, đền, nhà thờ họ, nhà cổ và vườn cây ăn trái. Do đó khi có dự án đường đi bộ dọc sông Như Ý, thị trường đất đai tại đây bắt đầu nóng lên. Nhiều người kinh doanh bất động sản đã tìm về làng Vân Dương hỏi mua hoặc thuê đất kinh doanh.

Ông Hồ Tâm cho biết, hơn 1 năm trước giá đất tại làng Vân Dương dao động từ 20-30 triệu đồng/m2. Nhưng từ hơn 2 tháng nay, khi tuyến đường đi bộ được triển khai, giá đất nền lên cao chót vót, nhất là những vị trí mặt tiền phố đi bộ tương lai. “Nhà tôi có hơn 500m2 đất vườn, định sau này khi tuyến đường hoàn thiện sẽ mở quán cà phê hướng ra sông phục vụ du khách. Nhưng cách đây mấy hôm, có người giới thiệu là từ Hà Nội vào cần mua đất nhà mình, còn ra giá 50 triệu đồng/m2. Nhưng tôi từ chối” - anh Tâm kể.

Đặc biệt, khu vực gần xóm chùa, nơi tiếp giáp giữa một nhánh sông An Cựu đổ ra ngã ba sông Như Ý, đang thi công cầu đi bộ ngắm cảnh (đoạn qua làng Vân Dương) hiện có rất nhiều người tìm đến hỏi mua đất ven sông. Trước đây, ít ai quan tâm đến khu vực đất gần chùa làng, nhưng đến nay đất ở khu vực này đang sốt, người mua thậm chí còn dán bảng quảng cáo mua hàng ngàn mét vuông với giá 20-40 triệu đồng/m2.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh - Giám đốc Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường nước TP Huế, chủ đầu tư công trình - cho biết, dự án kè sông Như Ý và xây dựng tuyến đường đi bộ nằm trong dự án cải thiện môi trường nước TP Huế với tổng kinh phí 24,8 tỉ yên từ nguồn vay ODA Nhật Bản, thực hiện từ tháng 8/2015. Tuyến đi bộ dọc bờ sông hoàn thành vào tháng 6/2024 sẽ mang lại diện mạo mới cho cảnh quan 2 bên bờ, giảm tình trạng xả thải nước sinh hoạt trực tiếp ra sông.

Công trình do liên danh Công ty cổ phần Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế và Công ty cổ phần Xây dựng 568 - Hà Nội thi công. “Tôi đã quán triệt cho nhà thầu thi công phải đảm bảo tiến độ. Đặc biệt là phải tính kỹ phương án chống lũ. Hy vọng sau này người dân sẽ nhìn thấy một tuyến đường mới sạch đẹp, khang trang và thân thiện với môi trường” - ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh khẳng định. 

Đường đi bộ dọc sông Như Ý rộng 6m, dài hơn 1,6km từ Đập Đá đến cầu Vân Dương, đang được thi công với tổng kinh phí hơn 267 tỉ đồng, chạy qua 2 phường Phú Hội và Xuân Phú, TP Huế. Những ngày qua, nhà thầu đã đóng hàng trăm cọc bê tông dài 12 - 22m dọc bờ sông Như Ý, phía sau nhà dân ở đường Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Lộ Trạch. Theo thiết kế, tuyến đường được lót đá granite, lan can bằng thép không gỉ, sơn tĩnh điện. Toàn tuyến có bãi đỗ xe rộng hơn 1.300m2 giáp với Đập Đá; cầu vòm dài 36m bắc qua hói Thát Lát; 11 bến nước. Khu vực giáp ranh với nhà dân sẽ được bố trí các tiểu cảnh, cây xanh.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI