TP.HCM: UBND Q.3 cấp phép xây nhà lấn hẻm?

30/08/2017 - 13:08

PNO - Một con hẻm giữa hai căn nhà trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (P.5, Q.3, TP.HCM) có từ lâu. Năm 1994, hai gia đình đã làm biên bản cam kết sẽ không xây dựng lấn hẻm với sự chứng kiến của UBND P.5.

Tuy nhiên, đến năm 2016, UBND Q.3 cấp phép cho một hộ dân xây dựng nhà trên con hẻm này.

Một năm ròng kêu cứu

Bà Lâm Kim Linh (SN 1956, ngụ P.5, Q.3) phản ánh đến Báo Phụ Nữ việc UBND Q.3 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng trên con hẻm là lối đi chung khiến cuộc sống gia đình bà bị ảnh hưởng.

Bà Linh đứng tên chủ quyền căn nhà số 306/24 đường Nguyễn Thị Minh Khai (P.5, Q.3, TP.HCM), ngay kế bên là căn nhà số 306/26 do bà Lương Hội Ái làm chủ. Theo bà Linh, từ lâu giữa hai căn nhà này có một con hẻm nối với hẻm 175 đường Võ Văn Tần (Q.3). Ngày 14/3/1994, ông Lâm Tế Khai (cha bà Linh, đã mất) và bà Lương Hội Ái đã cùng ký biên bản cam kết (Ban Tư pháp P.5 lập), công nhận hẻm này là lối đi chung, hai bên cam kết không xây dựng lấn chiếm.

TP.HCM: UBND Q.3 cap phep xay nha lan hem?
Bà Linh cầm trên tay “bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở của cá nhân” thể hiện có con hẻm giữa hai căn nhà 306/24 và 306/26

Đến năm 2016, bất ngờ bà Lương Hội Ái xây dựng lại căn nhà, chiếm luôn con hẻm khiến móng căn nhà bà Linh bị xâm phạm. Bức xúc trước sự việc, bà Linh đã làm đơn gửi lên UBND P.5 (Q.3) yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp đình chỉ việc thi công nhà của bà Ái và khôi phục lại con hẻm như hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, đại diện UBND P.5 cho biết, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND Q.3 vì đây là đơn vị cấp phép xây dựng.

Không đồng ý với trả lời của UBND P.5, bà Linh tiếp tục khiếu nại, ngày 21/6/2016, UBND P.5 đã mời bà Linh và bà Ái lên làm việc. Tại đây, bà Ái đã cung cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất. Các giấy tờ này thể hiện UBND Q.3 đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng cho bà Ái trên con hẻm chung giữa hai nhà. 

Cho rằng việc UBND Q.3 cấp phép cho gia đình bà Ái xây dựng lấn hẻm là không phù hợp với quy định của pháp luật, bà Linh đã làm đơn khiếu nại UBND Q.3 và nhiều cơ quan chức năng liên quan. Tuy nhiên, suốt một năm nay, bà Linh vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Con hẻm có tồn tại hay không?

Văn bản trả lời của UBND Q.3 do ông Trần Thanh Bình (Phó chủ tịch UBND Q.3) cho biết: “Theo bản đồ giải thửa được lưu trữ tại UBND Q.3 và sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất thể hiện trong giấy chứng nhận chủ quyền của hai căn nhà 306/24 và 306/26 đường Nguyễn Thị Minh Khai đều không thể hiện diện tích đất là hẻm chung”.

Theo UBND Q.3, phần đất mà bà Linh phản ánh là hẻm chung thực chất đã được ông Lâm Canh (chủ sở hữu trước đây) sử dụng từ năm 1991 và đóng thuế trước bạ ngày 6/3/1991. Sau khi hợp thức hóa phần đất trên, chủ đất đã bán căn nhà số 306/26 cho ông Lưu Hy Sang và bà Lương Hội Ái.

Ngoài ra, UBND Q.3 cũng lập tổ chuyên môn tiếp xúc với hộ cư ngụ tiếp giáp phía sau nhà của bà Lương Hội Ái thì hộ này cho biết: “Hiện trạng cũ của nhà bà Lương Hội Ái không có hẻm đi thông từ 306 Nguyễn Thị Minh Khai ra hẻm 175 Võ Văn Tần...” (!?)

Về tờ cam kết do Ban Tư pháp P.5 lập ngày 14/3/1994, trả lời bà Linh, UBND Q.3 cho biết, tại buổi làm việc ngày 30/12/2016, bà Ái xác nhận “là người Hoa không rành tiếng Việt, khi ký vào biên bản năm 1994, tôi không rõ nội dung, chỉ ký vào biên bản vì lúc đó chưa ghi nội dung. Tôi cam kết và khẳng định rằng từ lúc mua nhà đến nay không thấy hẻm”. Từ những nội dung trên, UBND Q.3 cho rằng, việc bà Linh phản ánh có phần hẻm nằm chung giữa hai căn nhà là không có sơ sở. 

“Việc UBND Q.3 xác minh một phía bà Ái rồi nói bà ấy không biết chữ mà ký vào biên bản là không đúng. Bởi, trong biên bản cam kết ghi rõ có đọc cho bà Ái nghe và có đóng dấu của UBND P.5, nên cam kết này đủ giá trị pháp lý”, bà Linh khẳng định. Ngoài ra, bà Linh còn cung cấp một “bản vẽ sở đồ nhà ở, đất ở của cá nhân”, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.3 đóng dấu xác nhận ngày 10/1/2011 thể hiện, hai căn nhà nói trên không liền kề nhau mà có một khoảng trống. 

Theo điều 101, Luật Đất đai 2014 và các quy định pháp luật đất đai hiện hành, khi UBND Q.3 muốn cấp giấy chứng nhận phần đất hẻm nêu trên cho hộ bà Ái phải có xác nhận đất không tranh chấp của UBND P.5, đồng thời phải có biên bản ký giáp ranh của nhà cạnh bên là gia đình bà Linh về việc đất không tranh chấp. UBND Q.3 không hề thông báo hay hỏi ý kiến của UBND P.5 khi cấp phần đất hẻm kế bên nhà bà Linh cho bà Ái là chưa tuân thủ pháp luật.

Ngoài ra, biên bản cam kết không lấn chiếm hẻm được hai gia đình ký năm 1994 hoàn toàn có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Bởi, biên bản này được hai bên gia đình ký tên và có xác nhận của UBND P.5. Việc UBND Q.3 thông tin rằng bà Ái là người Hoa không rành tiếng Việt nên có ý phủ nhận biên bản này là không thỏa đáng. 

Luật sư Trần Minh Hùng 
(Đoàn Luật sư TP.HCM)


Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI